Chạy trốn

ANTĐ - Ông Học thả từng bước vào một con ngõ nhỏ nằm trên đường Hàng Bột. Ngõ đã hẹp lại càng hẹp hơn bởi các quán ăn, các tủ bày hàng và còn bởi rất nhiều xe máy phi ầm ầm trong ngõ.

Trước khi đến đây, ông đã hình dung ra ngôi nhà cấp bốn nằm ở giữa ngõ, bên ngoài có một giàn hoa giấy màu hồng đậm, vào mùa hoa nở, những bông hoa nhẹ như giấy thi nhau rơi xuống mặt ngõ. Nhưng vào lúc này, ông có cảm giác mình mất phương hướng. Cả ngõ này không còn ngôi nhà nào thấp tầng nữa. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, ít nhất là 4 tầng. Thậm chí có nhà 6, 7 tầng như những bao diêm chồng lên nhau với màu sơn lòe loẹt.

Ông thở dài, đi ngược lại và dừng chân ở một quán nước. Bà chủ quán tóc bạc, nhai trầu bỏm bẻm. Nếu bà là người sống lâu ở đây, hẳn bà sẽ biết những hộ trong ngõ. Nhấp xong hụm trà nóng và thả vài hơi thuốc, ông Học mới lên tiếng:

- Tôi ở trong Nam mới ra. Tôi muốn tìm nhà cô Lan ở giữa ngõ, bà có biết không?

Bà bán nước im lặng hồi lâu. Có lẽ bà đang lục soát trí nhớ của mình để tìm một người con gái tên Lan từng sống trong cái ngõ hẹp này.

- Có phải Lan con ông Lâm, bà Hà không?

- Dạ, tôi cũng không rõ. Cô Lan da ngăm đen, hồi trẻ làm bên ngành xây dựng.

- Cô Lan không chồng mà có con phải không, một thằng con trai, năm nay chắc cũng ngoài hai mươi rồi.

- Dạ, đúng. Bà biết cô ấy?

- Thì chuyện của nó hồi ấy ầm ĩ cả ngõ mà.

- Bà có biết giờ cô ấy ở đâu không?

- Mấy năm sau ngày đó, ông Lâm và bà Hà qua đời. Chị em nó bán nhà rồi chuyển xuống khu Trương Định thì phải. Từ ngày ấy không thấy nó quay lại đây nữa.

Ông Học cảm ơn bà bán nước rồi gọi xe ôm xuống khu tập thể Trương Định. Cả ngày hôm đó, ông lầm lũi đi vào từng ngôi nhà, từng ngõ ngách để hỏi về người phụ nữ tên Lan. Đến sẩm tối, ông mới tìm được nhà một người mà họ nói có biết Lan. Nhưng người này cho biết mẹ con Lan cũng chỉ sống ở khu này 5, 6 năm rồi cô ấy lấy một ông Việt kiều ở Úc. Cưới nhau xong, hai mẹ con sang Úc sống. Kể từ ngày đó, họ bặt tin của Lan.

Lúc này, ông Học mới thấy chân tay bải hoải, rã rời. Giữa mùa đông buốt giá mà mồ hôi lưng túa ra ướt đẫm áo. Ông tựa lưng vào tường thở dốc, mệt mỏi, buồn bã, bất lực.

                           …

Vậy là 21 năm đã trôi qua.

Ngày ấy, ông là trưởng phòng một công ty xây dựng. Trong công ty, ông là người có sức hút khá mạnh với phụ nữ bởi vẻ đẹp từng trải, khéo tán tỉnh và gia đình khá giả. Người ta đồn ầm lên là những cô gái trẻ đẹp trong công ty đều bị ông kéo lên giường hết. Thực hư không ai rõ, nhưng chính điều này mà cánh phụ nữ nhìn ông vừa tò mò, vừa muốn tìm sơ hở để làm ông bẽ mặt và lấy đó làm bài học cho những cô gái nhẹ dạ.

Tốt nghiệp trung cấp kinh tế, Lan được phân công về công ty này và làm việc ở phòng vật tư do Học phụ trách. Một cô gái không thật sự nổi trội trong đám đông nhưng ưa nhìn, duyên dáng và chính cô cũng không thể nghĩ rằng mình tạo được sự chú ý với vị trưởng phòng. Chỉ 4 tháng sau, cô đã ngã vào vòng tay của Học, một người đàn ông đào hoa và có nhiều kinh nghiệm tình trường.

Những mối tình vụng trộm chẳng bao giờ được giữ kín nên việc vợ ông Học biết và đến đánh ghen, làm ầm ĩ cơ quan cũng là điều dễ hiểu. Lãnh đạo công ty, công đoàn, hội phụ nữ cũng tổ chức họp rút kinh nghiệm và đề nghị hai bên chấm dứt quan hệ, nhưng những biên bản kia chỉ là hình thức bởi tất cả những việc làm này như chất xúc tác khiến cho quan hệ hai người ngày càng khăng khít, gắn bó.

Rồi Lan có thai. Cái thai ngày càng lớn trong bụng cô. Khi má ấp môi kề, người đàn ông hứa hẹn đủ điều với cô về một viễn cảnh tương lai, rằng sẽ bỏ vợ để cưới cô, lo cho cô một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Còn khi biết tin cô có thai, ông dỗ ngon dỗ ngọt cô phá thai. Lan không đồng ý, ông giở trò hăm dọa, khống chế giống như tất cả những gã Sở Khanh trên đời và câu nói lạnh lùng, đểu cáng nhất của một kẻ phản bội sẵn sàng buông ra để bảo vệ thanh danh cho mình, đó là: Đứa con đó không phải của tôi!

Lan nghỉ việc công ty, ở nhà chờ ngày sinh nở. Khi đứa con trai tròn một tuổi, cô quyết định khởi kiện ra tòa với yêu cầu truy nhận cha cho đứa trẻ. Tất nhiên, mọi lẽ phải thuộc về cô và trong giấy khai sinh của con cô có cả tên của người cha. Sau sự việc đó, ông Học và gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống.

Suốt thời gian đó, ông không một lần ra Hà Nội. Không một lần gọi điện hay viết thư cho mẹ con cô. Thậm chí, ông cũng chẳng gửi tiền nuôi con theo quyết định của tòa án. Có thể nói, cuộc chạy trốn của ông đã thành công bởi suốt ngần ấy năm, Lan cũng không hề liên lạc với ông để trách mắng, đòi hỏi quyền lợi hay buộc ông có trách nhiệm với con mình.

                      …

Giờ ông đã nghỉ hưu, sức khỏe suy sụp và nỗi cô đơn dày vò. Mấy năm sau ngày vào thành phố Hồ Chí Minh, vợ ông đã chạy theo một người đàn ông khác, trẻ trung và tài hoa hơn ông. Sự nghiệp của ông cũng không tiến triển được bởi người ta không ưa ông ở cái tính ngạo mạn, luôn đặt mình cao hơn người khác. Đứa con gái ông lấy chồng rồi chuyển về Cần Thơ sống, thỉnh thoảng mới về thành phố công tác, tiện thể thăm ông. Niềm hy vọng lớn nhất của ông là thằng con trai thì giờ đây cũng đang cải tạo trong trại giam. Nó cùng nhóm bạn phạm tội cướp tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Không biết ông có còn gặp được thằng con không khi nó mãn hạn trở về?

Trong ký ức u buồn và xám xịt đó, hình ảnh mẹ con Lan lại hiện về và nó trở thành điểm sáng duy nhất trong cuộc đời ông. Bao năm qua, hai mẹ con sống ra sao, thằng con ông tên là gì, học hành có giỏi không, Lan đã có gia đình mới chưa… bao nhiêu câu hỏi đặt ra mà ông không thể có được câu trả lời trọn vẹn. Nếu không gặp ông, chắc chắn Lan đã có một tương lai tốt đẹp hơn và cả ông cũng không phải rẽ vào một khúc ngoặt buồn thảm như thế này.

Sau nhiều đêm cân nhắc, cuối cùng, ông quyết định ra Hà Nội. Ông tự nhủ sẽ làm tất cả những gì có thể để chuộc lại lỗi lầm, cầu xin Lan tha thứ và để được gọi tên đứa con trai ông đã bỏ rơi.

Nhưng tất cả đều đã muộn. Thành phố đã về đêm, ồn ào và náo nhiệt. Chỉ có ông lạc lõng như một kẻ tâm thần với những bước chân vô định trên con đường dài hun hút và lạnh lẽo. Ông chỉ còn biết tự trách mình và thầm ước nhất định một ngày nào đó, ông sẽ gặp lại họ…