Chạy theo… hư danh

(ANTĐ) - Trong khi Bộ GD-ĐT, chính quyền Hà Nội và TP.HCM đang hoạch định kế hoạch di dời hàng chục trường đại học, cao đẳng ra khỏi khu vực trung tâm với hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm héc ta đất thì hiện tượng trường trung cấp “lên đời” cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên đại học như một làn sóng bao trùm khắp cả nước.
Chỉ trong vài năm qua 185 trường trung cấp đã biến thành cao đẳng, 60 trường cao đẳng “hóa thân” thành đại học. Làn sóng này đáng mừng hay đáng lo?

Bắt đầu từ khoảng 10 năm trước, “làn sóng” nâng cấp đã xuất hiện và bùng phát trong 5 năm nay và chưa có dấu hiệu “lặng sóng”. Không chỉ các trường cao đẳng ở Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Bình Dương hối hả “chạy” theo đợt sóng này, mà các trường cao đẳng tư thục, dân lập cũng lao vào cuộc. Các trường cao đẳng thuộc các bộ quản lý cũng không chịu thua kém.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay cả nước có 409 trường đại học, cao đẳng, trong đó 307 trường mới ra đời hoặc được “lên đời” trong 10 năm qua. Như vậy 35 tỉnh, thành đã có thêm trường đại học, cao đẳng mới. Số tỉnh, thành có trường đại học là 40; có trường cao đẳng là 60. Hiện cả 62 tỉnh, thành đều có ít nhất một trường đại học hoặc cao đẳng. Trong số 307 trường đại học, cao đẳng mới “khai sinh”, có tới 245 trường được nâng cấp lên từ bậc thấp nhất. 8 trường được nâng cấp từ khoa thuộc đại học quốc gia, đại học vùng. Chỉ có 32 trường được xây dựng mới. Nói không quá lời, có lẽ mật độ các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam thuộc loại “top ten” trên thế giới.

Một vị lãnh đạo của một tỉnh ở phía Bắc không giấu nổi niềm vui sướng khoe rằng “Có một trường đại học của tỉnh quả là một niềm tự hào chung”. Một vị Phó Giáo sư của một trường đại học ở TP.HCM, người đã từng tham gia tư vấn lập dự án nâng cấp một số trường cao đẳng trở thành đại học cho biết, muốn nâng cấp trường cao đẳng lên đại học cần phải có “quyết tâm chính trị của lãnh đạo”. Theo ông, tỉnh nào cũng mong muốn có trường đại học vì đó là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhưng quan trọng hơn là “bộ mặt tri thức” của địa phương.

Mới đây khi trả lời tư vấn trước mùa thi đại học, cao đẳng năm nay, một vài vị hiệu trưởng trường cao đẳng ở phía Bắc cũng “tiết lộ” và “tiếp thị” rằng, chẳng bao lâu nữa trường của họ cũng được nâng cấp lên đại học. Của đáng tội, bản thân các trường cao đẳng được gắn “mác” đại học cũng… sướng không kém. Thông thường các trường này sẽ được chính quyền cấp cho hàng chục héc ta đất (ít nhất là 5ha), đặc biệt là được rót vốn nhiều tỷ đồng để được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngang tầm, sánh vai với các trường đại học của tỉnh bạn. Hơn thế, “uy và danh” của trường đại học bao giờ cũng hơn hẳn trường cao đẳng về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như các chính sách về chế độ, lương bổng cho cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Đào tạo đại học đang được “xếp hạng” là ngành kinh doanh hái ra tiền, đồng thời giúp cho địa phương “mở mày, mở mặt”. Chỉ trong vòng năm, bảy năm, “làn sóng” đại học trên cả nước đã tới cao trào mà chưa có dấu hiệu giảm xuống, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định rất khắt khe. Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, chỉ có một số trường được nâng cấp đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên, năng lực tổ chức quản lý. Nhiều trường “mượn” tên những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, thậm chí giảng viên “chạy sô”. “Làn sóng” đại học phải chăng là tình trạng chạy theo hư danh, “hữu danh vô thực” đáng lo ngại cho nền giáo dục?