Châu Âu trừng phạt dầu mỏ, khí đốt Nga: Lưỡng bại câu thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Châu Âu khó trừng phạt Nga trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, bởi nguồn cung năng lượng của Moscow có vai trò quan trọng đối với các nước châu Âu.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 29/1 tuyên bố rằng, các lệnh trừng phạt mới của phương Tây đối với liên bang Nga sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ giữa hai bên.

"Liên quan tới mối đe dọa của các lệnh trừng phạt, trong các cuộc tiếp xúc, bao gồm cả cấp tổng thống, phía Nga đã nói rõ rằng gói lệnh trừng phạt hiện nay đang được nhắc đến, kèm theo việc ngắt toàn bộ các hệ thống tài chính do phương Tây kiểm soát, sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ" - ông Lavrov nói.

Đồng thời, vị Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng, phương Tây nên hiểu là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa dẫn tới sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, việc đưa ra các biện pháp trừng phạt này không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Nếu Nga khó khăn thì cũng sẽ có nhiều nước khốn đốn.

Theo giới phân tích, các gói trừng phạt tiềm năng mà Mỹ và Liên minh châu Âu đe dọa sẽ áp đặt đối với Nga cũng sẽ có những ngoại lệ mà phương Tây không dám động đến, ví dụ như dầu mỏ và khí đốt.

Đánh giá về hệ quả nếu EU áp lệnh trừng phạt chống lại dầu mỏ Nga, hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn nguồn là công ty phân tích Vortexa cho biết, châu Âu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga.

Ấn phẩm Mỹ cho rằng, khoảng 34% lượng dầu thô nhập khẩu ngoài khơi của châu Âu vào năm ngoái là từ Nga. Nếu nguồn cung cấp năng lượng này bị cắt giảm thì chịu rủi ro cao nhất sẽ là các nhà máy lọc dầu ở Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha và Pháp.

Châu Âu trừng phạt Nga trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sẽ khiến cả 2 bên đều thiệt hại
Châu Âu trừng phạt Nga trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sẽ khiến cả 2 bên đều thiệt hại

Các nhà phân tích của Vortexa nhấn mạnh rằng, trong những năm gần đây EU không thể giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô của Nga, do đó khu vực này sẽ khó khăn hơn trong việc bù đắp khối lượng đã mất và tìm nguồn nhiên liệu thay thế. Trong trường hợp xấu nhất, châu Âu sẽ mất khoảng 2,4 triệu thùng mỗi ngày (theo mức trung bình năm 2021).

Bài báo nhận định rằng, ít có khả năng là Liên minh châu Âu sẽ áp các lệnh trừng phạt nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, bởi trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với khí đốt Nga càng làm cơn khát khí đốt của châu Âu tăng lên, khiến giá dầu có thể chạm đỉnh một lần nữa.

Trong số các nước gặp khó khăn nếu xuất khẩu nguyên liệu năng lượng Nga bị trừng phạt, Đức là nước chịu thiệt hại nhiều nhất.

Theo chuyên gia tại Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR) là ông Martin Pine cho biết, chính quyền Berlin sẽ không thể nhanh chóng tìm được nguồn thay thế cho than, dầu và đặc biệt là khí đốt của Nga trong trường hợp Moscow bị buộc phải ngừng cung cấp.

“Không thể tìm được nguồn nguyên liệu thay thế với khối lượng lớn như vậy trong thời gian ngắn, việc thay thế nhanh chóng và hoàn toàn thị phần đang trong tay Nga về than, khí đốt và dầu là vô cùng khó và thậm chí là không thể" - tờ báo Đức Die Welt trích dẫn lời của ông Martin Pine.

Theo BGR, khối lượng cung cấp từ Nga chiếm khoảng 34% khối lượng nhập khẩu dầu, hơn 50% khí đốt và 45% than, của Đức. Trong trường hợp nước này tìm được nguồn cung thay thế thì lợi ích kinh tế bị mất đi cũng là quá lớn, bởi tất cả các nguyên, nhiên liệu mà Moscow cung cấp cho Berlin đều có giá thấp hơn so với các nước xuất khẩu năng lượng khác.