Châu Âu trong cơn bất ổn

ANTĐ - Trong khi nhiều quốc gia châu Âu lâm vào khủng hoảng nợ công khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn bởi chính sách khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” thì tại các nước như Thụy Điển, Thụy Sĩ lại xảy ra rối loạn, bạo động giữa lúc kinh tế khủng hoảng.

Một dãy ô tô bị đốt trong cuộc bạo động ở Thủ đô Stockholm

Thủ đô Stockholm của Thụy Điển vốn nổi tiếng là bình yên trong lòng châu Âu chưa có lần nào xảy ra bạo động kéo dài tới cả tuần lễ mà chưa có dấu hiệu chấm dứt như cuộc bạo động hiện nay. Tính ra đã có tới hơn 100 chiếc ô tô bị đốt cháy trong 6 đêm bạo động liên tiếp khiến Anh và Mỹ phải lên tiếng cảnh báo các công dân nước này không nên du lịch đến những điểm nóng ở Thủ đô Stockholm.

Nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ cuộc bạo động tồi tệ nhất từ trước tới nay ở Thủ đô Stockholm cũng như tại Thụy Điển là phản ứng trước “hành động tàn bạo” của cảnh sát bắn chết 1 người nhập cư 69 tuổi vì cho rằng người này đe dọa tấn công cảnh sát. Song nguyên nhân sâu xa là sự bất mãn của một nhóm thiểu số, chủ yếu là thanh niên nhập cư, không có điều kiện học cao, bị thất nghiệp và cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội Thụy Điển. 

Là một đất nước nổi tiếng về sự cởi mở và chế độ phúc lợi cao, song cũng tiềm ẩn sự bất mãn của những người nhập cư vốn có trình độ học vấn thấp hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thu nhập thấp hơn. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khoảng cách giàu - nghèo ở Thụy Điển hiện nay đang gia tăng nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào.

Kinh tế khó khăn thời khủng hoảng cũng là nguyên nhân khiến hàng nghìn người Bồ Đào Nha xuống đường ngày 25-5 biểu tình tại Thủ đô Lisbon phản đối những biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Những người biểu tình, gồm viên chức, người thất nghiệp và người về hưu đã mang theo các biểu ngữ phản đối nghèo đói, chỉ trích các chính sách của chính phủ gây thiệt hại cho người nghèo và làm lợi cho người giàu. 

Đây là cuộc biểu tình mới nhất trong làn sóng biểu tình diễn ra từ nhiều tháng nay ở Bồ Đào Nha để phản đối những chính sách khắc khổ của chính phủ nước này nhằm được nhận khoản cứu trợ 78 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng âm thì tỷ lệ thất nghiệp tại Bồ Đào Nha lên mức kỷ lục 18,2% khiến đời sống người lao động càng thêm lao đao.

Bức tranh xã hội châu Âu những ngày cuối tuần qua thêm sẫm màu khi tại Thủ đô nổi tiếng thanh bình Berne của Thụy Sĩ và Thủ đô Paris của Pháp cũng diễn ra những vụ bạo động nghiêm trọng. Việc cảnh sát chống bạo loạn buộc phải sử dụng hơi cay, vòi rồng phun nước và một máy bay lên thẳng quần đảo trên bầu trời và một số phần tử quá khích tham gia cuộc tuần hành của 7.000 người mang tên “Tự do nhảy múa” chống lại cảnh sát bằng chai lọ và pháo hoa đã phá vỡ sự yên bình của Thủ đô Berne ngày chủ nhật 26-5. Trong khi đó, cảnh sát Pháp tối 25-5 cũng đã bắt giữ 50 phần tử quá khích tham gia cuộc tụ tập phản đối đạo luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.