Châu Âu thay đổi chiến thuật đối phó Covid-19, đốc thúc tiêm mũi vaccine tăng cường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khi số người nhiễm tăng lên nhanh chóng, châu Âu đã thay đổi chiến thuật, chuyển sang đốc thúc các nước tiêm vaccine mũi 3 tăng cường.
Tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhân viên y tế ở Frankfurt, Đức

Tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhân viên y tế ở Frankfurt, Đức

Châu Âu trong cơn lốc Covid-19

Lâu nay, châu Âu rơi vào tình trạng “phân cực” với cách tiếp cận khác nhau trong triển khai tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường. Trong khuyến nghị công bố hồi tháng 9-2021 cùng Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA), Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng, việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả những người lớn là chưa cần thiết. Các nhà khoa học cũng thiếu sự đồng nhất trong đánh giá về mức độ cần thiết của tiêm mũi tăng cường.

Chính vì thế, Liên minh châu Âu (EU) không có quy định chung trong khối, mỗi nước thực hiện theo chính sách riêng. Italy chỉ triển khai tiêm mũi tăng cường cho những đối tượng là người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và nhân viên y tế, những người dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao với tổng số khoảng 9 triệu người. Đức thì chấp thuận tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư hoặc những người được cấy ghép nội tạng.

Ngược lại, Hà Lan chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Thụy Sĩ cũng chưa tiến hành tiêm mũi bổ trợ vì nhà chức trách cho biết họ chưa có đủ thông tin về khả năng bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian và cần theo dõi tiếp các dữ liệu. Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì kêu gọi các quốc gia trì hoãn tiêm mũi vaccine tăng cường cho đến khi nhiều người trên thế giới được tiêm chủng, vì lo ngại tình trạng thiếu hụt vaccine hiện nay.

Thế nhưng, ECDC lại vừa ra khuyến cáo mới ủng hộ tiêm mũi tiêm nhắc lại (mũi thứ 3) cho tất cả người trưởng thành, đặc biệt là người trên 40 tuổi. Giám đốc ECDC Andrea Ammon nhấn mạnh các biện pháp mà các quốc gia châu Âu cần nhanh chóng triển khai ngay gồm thu hẹp khoảng cách về tiêm chủng, tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành và tái áp đặt các biện pháp kiểm soát. Thông báo mới của ECDC được đưa ra chỉ một ngày sau khi WHO cảnh báo các nước “lục địa già” và khu vực Trung Á có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong do Covid-19 vào tháng 3 tới nếu không hành động kịp thời.

Theo thống kê của AFP, trong số hơn 2,5 triệu ca mắc mới và gần 30.000 ca tử vong trên thế giới trong tuần trước, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chiếm hơn 60% số ca nhiễm mới trên toàn cầu. Trong ngày 24-11, số ca mắc mới đã phá kỷ lục ở nhiều nước châu Âu như Slovakia, Cộng hòa Czech và Hungary. Biểu đồ số người nhiễm Covid-19 đi lên theo hướng thẳng đứng đang gây áp lực lên các hệ thống y tế ở châu Âu và đẩy các nhân viên y tế vào tình trạng kiệt sức.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh khiến châu Âu trở tay không kịp. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm giữa các nước chưa đồng đều đã tạo lỗ hổng về miễn dịch khiến virus SARS-CoV-2 lan mạnh. Chẳng hạn, tỷ lệ tiêm đủ liều tại Bulgaria chỉ là 24,2%, chênh lệch đáng kể so với mức 86,7% của Bồ Đào Nha. Hệ quả là số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc mới và tử vong tập trung nhiều tại những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất khu vực, thuộc Trung và Đông Âu.

Việc châu Âu trở lại thành điểm nóng của dịch bệnh đã buộc một số quốc gia tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch, thậm chí Đức, Áo và Italy đã ban hành các quy định hạn chế đối với những đối tượng chưa tiêm chủng. ECDC cảnh báo rằng, nếu không có biện pháp y tế và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên toàn dân, hệ thống y tế tại các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn trong tháng 12-2021 và tháng 1-2022.

Mũi vaccine tăng cường - “bình thường mới” trong đại dịch

Khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) về mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật đối phó với dịch bệnh của châu Âu. Ngoài lý do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì khuyến cáo mới của ECDC còn xuất phát từ kết quả của các nghiên cứu mới đây nhất về vaccine phòng Covid-19. Theo đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy số lượng kháng thể trong máu của người tiêm vaccine giảm dần theo thời gian. Các dữ liệu cũng chỉ ra rằng, trước khi biến thể Delta xuất hiện, trung bình các loại vaccine giúp giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm, nhưng khi Delta xuất hiện thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 40%.

Với vaccine sử dụng công nghệ mRNA, hiệu lực bảo vệ có xu hướng giảm nhanh sau sáu tháng kể từ thời điểm hoàn tất mũi tiêm thứ hai. Với loại vaccine một liều như của Johnson & Johnson, thời gian giảm hiệu lực còn sớm hơn. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy hai mũi vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% sau 1 tháng, nhưng sau 5 hoặc 6 tháng chỉ còn 74%. Trong khi đó, vaccine Oxford/ AstraZeneca giảm hiệu quả từ 77% xuống 67%. Hãng Moderna thì phát hiện rằng, các ca mắc đã tăng từ 88 trên tổng số 11.431 người đã chích mũi hai sau 3 tháng lên 162 ca trên tổng số 16.747 người được tiêm chủng sau 5 tháng - mức tăng khoảng 36%. Còn Pfizer tiết lộ vaccine của họ giảm hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng từ 96% xuống còn 83,7% sau bốn tháng.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của ECDC khẳng định các bằng chứng thuyết phục từ Israel và Vương quốc Anh cho thấy, mũi tiêm tăng cường làm tăng đáng kể khả năng bảo vệ trước virus và nguy cơ bị bệnh nặng ở tất cả các nhóm tuổi trong ngắn hạn. Theo dữ liệu từ Israel, nơi được coi là “phòng thí nghiệm” trong đại dịch Covid-19 với hơn 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm một mũi tăng cường là vaccine của Pfizer, số ca nhiễm trùng nói chung cũng như số ca bệnh nặng do Covid-19 gây ra đều giảm.

Còn theo nghiên cứu của hãng Pfizer-BioNTech, hiệu quả các vaccine của họ đạt trên 90% đối với các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng và sau đó sẽ giảm dần theo thời gian nhưng có thể được cải thiện với liều bổ trợ thứ 3. Lượng kháng thể sinh ra sau mũi tiêm tăng cường cao hơn từ 5-10 lần so với sau khi tiêm hai mũi. Không những thế, nghiên cứu của họ còn cho thấy nếu mũi tăng cường được tiêm vào khoảng ít nhất 6 tháng sau mũi thứ hai, nó sẽ tạo ra các kháng thể giúp phòng ngừa không chỉ virus SARS-CoV-2 nguyên bản, mà còn với cả chủng biến thể virus gần đây.

Suy yếu miễn dịch theo thời gian sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 đang là vấn đề toàn cầu mà các nhà khoa học hy vọng sẽ giải quyết bằng mũi tiêm tăng cường. Tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ là “bình thường mới” trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang tìm cách điều chỉnh để tạo ra các loại vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai có thể tăng cường khả năng bảo vệ trước biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, như cách từng làm với các loại vaccine ngừa cúm mùa.