Châu Á trước 10 cảnh báo

ANTĐ - Hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg vừa đưa ra 10 cảnh báo với các nền kinh tế châu Á đang phải đương đầu với những biến động khó lường trong tương lai.

Thị trường chứng khoán châu Á đang khá ảm đạm do tác động của thị trường chứng khoán Mỹ

10 cảnh báo này được ông W. Pesek, nhà phân tích kinh tế thế giới của Hãng tin tài chính Mỹ Bloomberg, nêu ra trong chuyên mục “Ý kiến Bloomber”. Đó là những tình huống mà theo ông W. Pesek, các nền kinh tế châu Á cần lường trước và tính toán các giải pháp thích hợp để đối phó với những biến động, bảo vệ nền kinh tế khu vực và vượt qua năm tài chính 2011.

Không thể phủ nhận thực tế chính sự trỗi dậy của châu Á đã đóng vai trò đầu tàu, kéo nền kinh tế thế giới khỏi cơn suy thoái thế kỷ. Với tốc độ tăng trưởng trung bình của Đông Á vào khoảng 7,9% trong năm 2011 và 7,7% trong năm 2012, sức mạnh kinh tế đang dần chuyển sang phương Đông. Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm các đối tác châu Âu và Mỹ phải làm quen với việc thức đêm để bàn công việc theo lịch mà các đối tác châu Á đặt ra, trái ngược với thực tế hiện nay, đang đến gần.

Tuy nhiên, trên thực tế, châu Á cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Nguy cơ đầu tiên là sự rủi ro của nguồn dự trữ lớn bằng đồng USD của châu Á trong bối cảnh kinh tế Mỹ khá bấp bênh. Hai là khả năng suy thoái kép của nền kinh tế thế giới, kịch bản giống như với nước Mỹ vào thời kỳ Đại suy thoái 1929-1933. Sau thời gian phục hồi 5 năm, kinh tế Mỹ lại tiếp tục rơi vào suy thoái lần thứ hai (suy thoái kép) cũng với thời gian 5 năm. Trong giai đoạn suy thoái kép, chỉ số Dow Jones mất 50% giá trị tính từ đỉnh phục hồi.

Thứ ba là nguy cơ tràn ngập tiền mặt bởi Quỹ dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu hiện có rất nhiều tiền nhàn rỗi. Nếu dòng tiền này ồ ạt đổ vào các nền kinh tế của châu lục, nó có thể làm nổ tung những thị trường như bất động sản, chứng khoán… Tiếp đó là nguy cơ suy thoái của châu Âu do không giải quyết được tình trạng nợ công đang tàn phá Hy Lạp, Italy, Iceland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Nguy cơ thứ năm là mối đe dọa giảm phát do nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi sau khủng hoảng, dẫn tới việc giá hàng tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh. Sáu là nguy cơ nổ tung chứng khoán hoặc cổ phiếu được các công ty phát hành lần đầu tiên ra thị trường nhằm tìm vốn mở rộng sản xuất hoặc để buôn bán trên thị trường chứng khoán. Lúc đó, các công ty sẽ thiếu tiền để mở rộng sản xuất, nghiên cứu, thuê lao động, tăng lương và tạo ra sự thịnh vượng.

Bảy là sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế Trung Quốc (hiện đang xấp xỉ hai con số) có thể đẩy lạm phát trong nước lên tới mức khó kiểm soát. Tám là những sự kiện bất ngờ không thể lường bất ngờ nổi lên tàn phá thị trường toàn cầu. Các sự kiện này có thể là khả năng thị trường trái phiếu Nhật Bản sụp đổ, bạo động, các cuộc tấn công khủng bố và xung đột ở các khu vực.

Hai thách thức cuối cùng liên quan đến các mối quan hệ kinh tế toàn cầu. Trước hết là khả năng hợp tác quốc tế suy giảm do các nước hiện đều có xu hướng hướng nội do phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Tiếp đó là nguy cơ nền kinh tế toàn cầu không có lãnh đạo. Thực tế cho thấy trong khi nền kinh tế toàn cầu đang cần hơn bao giờ hết các chính sách nhìn xa trông rộng, hiểu biết và đáng tin cậy, thì các trung tâm hoạch định chính sách kinh tế thế giới như Washington, Brussels, Tokyo... lại khá im ắng.