Chặt mắt xích đường dây lừa đảo xuyên quốc gia giả danh Công ty Shopee

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong vai người có hoàn cảnh khó khăn, cần tìm việc làm thêm, trinh sát đã lần tìm manh mối để phá đường dây giả danh sàn thương mại điện tử Shopee để lừa đảo xuyên quốc gia.
Các đối tượng nhận nhiệm vụ “giết khách” trong đường dây giả danh Công ty Shopee lừa đảo xuyên quốc gia bị bắt giữ

Các đối tượng nhận nhiệm vụ “giết khách” trong đường dây giả danh Công ty Shopee lừa đảo xuyên quốc gia bị bắt giữ

Chiêu thức tinh vi

Sau thời gian giãn cách vì Covid-19, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp. Không ít người tìm đủ việc để làm thêm, kiếm thu nhập lo cho bản thân và gia đình. Đánh vào tâm lý này, tội phạm đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo, đưa những người có hoàn cảnh khó khăn vào một cái “bẫy” giăng sẵn. Còn những nạn nhân, vốn đã khó khăn lại càng thêm khó cho đến khi biết bị lừa thì họ mới tự trách mình dễ dãi mà tin vào những kẻ xa lạ trên mạng xã hội.

Đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Hoài T (32 tuổi) vẫn còn cảm thấy run khi nhớ lại khoảng thời gian ngắn ngủi bị lừa. Dù số tiền chỉ hơn 20 triệu đồng, nhưng với chị, đó là bài học không thể nào quên cho sự tin người một cách mù quáng. Vì ở nhà chăm con nhỏ, không có tiền, lại sợ mang tiếng ăn bám chồng nên khi được mời gọi tham gia làm cộng tác viên cho “Công ty Shopee” với công việc khá đơn giản, chị đã đồng ý ngay. Thực tế ban đầu, chị T cũng sợ bị lừa, nhưng thấy “công ty” cho nhân viên tư vấn nhiệt tình, nhẹ nhàng nên chị quyết định thử. “Chúng yêu cầu tôi thanh toán trước các đơn hàng và trả “hoa hồng” là 10% giá trị đơn hàng. Tôi đánh liều thử với đơn hàng đầu tiên là hơn 500.000 đồng. Sau đó, tài khoản của tôi được bồi hoàn số tiền bỏ ra cộng với 10% giá trị đơn hàng. Trong hôm đầu tiên tôi thanh toán 2 đơn hàng thì đều có tiền trả lại nên tôi nghĩ vừa ở nhà trông con, vừa kiếm thêm thu nhập kiểu này cũng ổn…” - chị Hoài T. kể lại.

Thế nhưng sau đó, chúng yêu cầu chị T thanh toán những đơn hàng giá trị cao hơn. Tuy nhiên, chị T không nhận lại được tiền bồi hoàn cũng như “hoa hồng” nên có nhắn hỏi thì được “nhân viên công ty” thông báo là giao dịch bị lỗi nên cứ yên tâm. Sau đó, chúng tiếp tục đề nghị chị thanh toán tiếp các đơn hàng khác rồi nhận tiền một thể. “Lúc này tôi chỉ nghĩ, thôi đã trót rồi thì cố, sau đó lấy lại tiền sau cũng không sao. Thậm chí tôi còn vay thêm người thân nữa. Khi tôi nghi ngờ chúng lừa đảo thì liên lạc đã bị chặn” - nạn nhân nói thêm.

Tương tự là trường hợp chị Trần Thị Thanh H (ở Hà Nội) cũng bị các đối tượng giả danh Công ty Shopee để mời gọi tham gia cộng tác viên, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo lời kể của chị H, những kẻ lừa đảo không cho số điện thoại để chị kết bạn trên mạng xã hội Zalo mà chủ động xin số điện thoại của chị để liên hệ. “Những tin nhắn trao đổi qua Zalo đều được các đối tượng thực hiện trên máy tính vì khi trò chuyện, trên màn hình tin nhắn hiển thị ngay. Lúc đó tôi không nghĩ chúng sử dụng máy tính để ẩn danh, mà cho rằng đó là cách làm chuyên nghiệp, có nhân viên công ty trực tiếp làm việc tại văn phòng nhắn tin cho cộng tác viên” - chị Thanh H. cho biết.

Trung tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Hoàn Kiếm (Hà Nội) khẳng định, thông qua tra soát hóa đơn mà những kẻ lừa đảo lưu lại để trả tiền “hoa hồng” ban đầu nhằm tạo lòng tin đối với nạn nhân,CAQ Hoàn Kiếm phát hiện, chỉ riêng trong tháng 2-2022 đã có tới hơn 40 người trở thành nạn nhân của đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này.

Tin nhắn mời tham gia cộng tác viên của các đối tượng

Tin nhắn mời tham gia cộng tác viên của các đối tượng

Lộ chân tướng lừa đảo

Cuối năm 2021 đầu 2022, CAQ Hoàn Kiếm nhận được đơn trình báo của một số bị hại về việc bị nhóm đối tượng giả danh Công ty Shopee lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ban đầu chúng nhắn tin mời gọi làm cộng tác viên, sau đó thiết lập mạng lưới tư vấn, hỗ trợ khách hàng một cách chuyên nghiệp để tạo lòng tin cho “con mồi”. “Trong quá trình xác minh, điều tra, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả các bị hại đều chưa từng liên hệ trực tiếp với các đối tượng trong đường dây này. Chúng đều giao dịch qua mạng xã hội Zalo bằng máy tính chứ không phải qua số điện thoại. Vì vậy rất khó lần ra manh mối của ổ nhóm này. Có thể nói, nhiều lúc cuộc điều tra của chúng tôi đi vào ngõ cụt. Ngay cả những số tài khoản chúng cung cấp cho nạn nhân để chuyển tiền thanh toán đơn hàng thì người thụ hưởng và chủ tài khoản là 2 người khác nhau. Đây chính là những số tài khoản đã được rao bán trên mạng xã hội và được chúng mua lại, hòng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân” - Chỉ huy CAQ Hoàn Kiếm thông tin.

Rà soát địa chỉ IP của các thiết bị dùng để liên hệ với các bị hại, trinh sát cho biết, toàn bộ hệ thống máy chủ được đặt tại Campuchia. Dù khó khăn là thế, nhưng cán bộ chiến sĩ không nản lòng, quyết tâm bắt bằng được các đối tượng bởi nếu không sẽ còn rất nhiều người trở thành nạn nhân của chúng. Lúc này, trinh sát trong vai một người muốn làm cộng tác viên của “công ty”. Thông qua những cuộc trò chuyện trên mạng xã hội Zalo, những manh mối bắt đầu được mở dần. Một đối tượng trong đường dây hé lộ chuyến đi chơi tại TP.HCM vào đầu tháng 5-2022. Ngay lập tức, một tổ công tác đã cấp tốc lên đường đón lõng và ngày 2-5, một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia đã “sa lưới”. Một ngày sau đó, đồng bọn của hắn cũng bị bắt giữ. Từ đây, chân tướng của đường dây lừa đảo chuyên nghiệp được gọi là “Giết khách” được làm rõ.

Theo đó, ổ nhóm lừa đảo tinh vi này do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu. Chúng đặt trụ sở tại đặc khu Mộc Bài, tỉnh Bavet, Campuchia (nằm sát biên giới tỉnh Tây Ninh của Việt Nam). Sau khi bắt giữ các đối tượng được giao nhiệm vụ “Giết khách” gồm: Đoàn Trần Lê Hoàng (SN 2000), Vũ Văn Khôi (SN 1994), cùng trú tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang; Lê Văn Thành (SN 1996, trú tại Vũ Thư, Thái Bình); Nông Văn Hưng (SN 2005, trú tại Cư Jut, Đắk Nông); Nguyễn Ánh Hào (SN 2001, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội) và Phan Trí Đạt (SN 1996, trú tại Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu), CAQ Hoàn Kiếm phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) cũng xác định, ổ nhóm này được phân tầng rất chuyên nghiệp từ F1 đến F5. Trong đó, F1 là đối tượng cầm đầu tổ chức người Trung Quốc, thường gọi là “Lão Đại”. F2 gồm 2 đối tượng người Trung Quốc gọi là “A Trí” và “Đầu Khấc”. Hai đối tượng này chịu trách nhiệm quản lý lượng tiền thu chi hàng ngày, hồ sơ cá nhân của nhân viên. F3 gồm 3 đối tượng Trung Quốc thường gọi là “Thiên Mã” - tổ trưởng, “Oằng Phăng” và một đối tượng chưa có thông tin, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ số nhân viên người Việt Nam, nếu người nào vi phạm nội quy sẽ phạt tiền hoặc đưa đi chỗ khác đánh đập. F4 là Tổ trưởng các tổ người Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên, hàng ngày báo cáo lại kết quả cho nhóm F3. F5 là các thành viên người Việt Nam được giao nhiệm vụ “Giết khách”, chịu trách nhiệm tiếp nhận khách được giao, tư vấn khách và yêu cầu khách thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền vào các tài khoản do nhóm Trung Quốc yêu cầu.

Đối với các đối tượng người Việt Nam trong vai trò “Giết khách”, chỉ trong vài tháng rất ngắn đã có thu nhập khoảng từ 100 - 200 triệu đồng, tùy thuộc vào khả năng lừa đảo của các đối tượng. Có thể nói, đường dây này hoạt động khá tinh vi, chuyên nghiệp và rất khó để truy bắt. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm, lực lượng Cảnh sát hình sự đã “chặt đứt” các mắt xích quan trọng liên kết giữa đường dây này với các bị hại. “Chúng tôi khuyến cáo người dân hãy tỉnh táo, không nên nghe theo các lời mời gọi tham gia cộng tác với các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội… để không trở thành nạn nhân của các đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - Trung tá Tống Đăng Công nói.

Đối với các đối tượng người Việt Nam trong vai trò “Giết khách”, chỉ trong vài tháng rất ngắn đã có thu nhập khoảng từ 100 - 200 triệu đồng, tùy thuộc vào khả năng lừa đảo của các đối tượng. Có thể nói, đường dây này hoạt động khá tinh vi, chuyên nghiệp và rất khó để truy bắt. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm, lực lượng Cảnh sát hình sự đã “chặt đứt” các mắt xích quan trọng liên kết giữa đường dây này với các bị hại. “Chúng tôi khuyến cáo người dân hãy tỉnh táo, không nên nghe theo các lời mời gọi tham gia cộng tác với các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội… để không trở thành nạn nhân của các đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - Trung tá Tống Đăng Công nói.