Những mảnh đời bị bán mua(2)

Chặt “mầm” tội phạm

ANTĐ - Trước tính chất hoạt động phức tạp của tội phạm bắt cóc trẻ em, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các cấp mạnh tay trấn áp loại tội phạm này.  

Chặt “mầm” tội phạm ảnh 1
Công an Việt Nam và Công an Trung Quốc trao đổi, phối hợp phòng ngừa,
đấu tranh với hoạt động bắt cóc trẻ em và mua bán người xuyên quốc gia

Tăng cường phòng ngừa

Với phương châm “Hướng về cơ sở, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội ở địa phương, lấy phòng ngừa là yếu tố cơ bản”, Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền những vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em tại cộng đồng. Trọng tâm tuyên truyền tại 104 xã chỉ đạo điểm thuộc 27 tỉnh, thành phố trong cả nước, là những nơi xảy ra nhiều vụ bắt cóc trẻ em và mua bán người xuyên quốc gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng website đăng tải thông tin phòng chống mua bán người, tổ chức các diễn đàn trẻ em Việt Nam với trẻ em các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Lào và khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. 

Cùng với các biện pháp nêu trên, Bộ Công an phối hợp với nhiều đơn vị chức năng biên soạn và phát hành nhiều cuốn sách về hệ thống các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung phổ biến những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm bắt cóc trẻ em để các bậc phụ huynh nắm vững, chủ động bảo vệ con em mình. Gần 3.000 câu lạc bộ phòng chống tội phạm mua bán người được thành lập tại các tỉnh, thành phố, nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ cộng đồng cho hàng chục triệu lượt người tham dự, nhờ vậy, đã nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phòng, chống mua bán người nói chung và phòng ngừa hoạt động của tội phạm bắt cóc, mua bán trẻ em nói riêng. Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ đã xây dựng được mạng lưới báo cáo viên nòng cốt, có kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả về phòng chống mua bán người. Một số nơi làm tốt công tác truyền thông phòng chống mua bán người là Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Quảng Nam, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang…

Quyết liệt tấn công

Bộ Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các ngành có liên quan đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, trấn áp mạnh hoạt động của các đối tượng bắt cóc chiếm đoạt trẻ em. Các đơn vị phối hợp đã tổng rà soát, điều tra tội phạm và các đối tượng khác liên quan đến mua bán người mà khách thể bị xâm hại của chúng là những đứa trẻ. Qua đó xác định được nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm thường diễn ra hoạt động bắt cóc trẻ em, mua bán người qua biên giới. Mặt khác, lập danh sách đưa vào diện quản lý đặc biệt hơn 5.000 đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội và trên 9.000 nạn nhân bị bán ra nước ngoài, cũng như trẻ em bị mất tích, nghi có liên quan đến các vụ mua bán người xuyên quốc gia để làm tài liệu phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm. Bên cạnh những biện pháp nêu trên, Bộ Công an phối hợp với lực lượng chức năng các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, tại các tỉnh biên giới giáp Việt Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát những cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, hiệu cắt tóc, gội đầu và những tụ điểm cờ bạc ở khu vực biên giới, phát hiện và ngăn chặn từ xa nhiều hoạt động của tội phạm mua bán người. 

Với chức năng là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 130/CP của Chính phủ, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xây dựng, hoàn thiện Đề án “Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống mua bán người”; đặc biệt chú trọng tới công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm bắt cóc trẻ em. 8 tháng vừa qua, Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng bổ sung hồ sơ hơn 300 đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán người, chủ yếu là mua bán trẻ em và dựng mới hơn 120 đường dây tội phạm với gần 300 đối tượng hoạt động tội phạm xuyên quốc gia; xác định hàng chục tuyến và hơn 150 địa bàn trọng điểm để có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Cũng trong thời gian ngày, các đơn vị thuộc Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác khám phá 122 vụ bắt 257 đối tượng mua bán người, trong đó có tới 2/3 số vụ liên quan đến hoạt động bắt cóc, mua bán trẻ em. Riêng 7 tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên, lực lượng công an đã phát hiện và điều tra khám phá gần 60 vụ với hơn 80 đối tượng phạm tội.

Kiểm điểm công tác này cho thấy, việc nắm tình hình, điều tra, khám phá các vụ án ở một số nơi còn đạt tỷ lệ thấp, chưa phản ánh được thực trạng hoạt động của tội phạm. Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành và nhiều địa phương còn thiếu các chương trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm chỉ đạo cụ thể công tác này. Do vậy, Bộ Công an đã tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng các cấp đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh với những đường dây tội phạm mua bán người, bắt cóc trẻ em mang tính chất xuyên quốc gia. Tập trung trấn áp mạnh loại tội phạm này trên nhiều tuyến biên giới, trọng tâm là các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Phối hợp với Viện Kiểm sát và Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử lưu động một số vụ án điểm về bắt cóc trẻ em, mua bán người để răn đe tội phạm và phát động nhân dân dũng cảm tố giác tội phạm.