Chất lượng thực phẩm - "thủ phạm" khiến 25% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng

ANTD.VN - Theo GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, hiện vẫn có tới 24,9% trẻ em dưới 5 tuổi nước ta bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt vẫn còn tới xấp xỉ 7% trẻ suy dinh dưỡng thể gầy còm và tình trạng này đang được cải thiện rất chậm…

Dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm là một thách thức lớn ở nước ta

Thông tin trên được GS.TS Lê Thị Hợp đưa ra sáng nay, 5-12, tại hội thảo khoa học “Dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng” do Chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm phối hợp với Công ty Nutricare tổ chức. Bà Hợp nêu rõ, dù đã có nhiều cố gắng trong các năm qua song hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi nước ta vẫn ở mức cao.

Cụ thể, tỷ lệ suy sinh dưỡng thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi là 24,9%, thể gầy còm là 6,8%. Ngược lại, tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, nhất là trẻ tiểu học lại đang gia tăng, hiện chiếm 4,8%. Điều này tạo ra một gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ em mà nước ta đang phải giải quyết.

Theo bà Hợp, thực phẩm không an toàn không chỉ là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm mà còn là nguồn truyền mầm bệnh vi khuẩn, ký sinh trùng, gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe... Hội Dinh dưỡng Việt Nam chỉ ra có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em nước ta được cải thiện chậm, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm giữ vai trò then chốt.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, ATTP hiện vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là tình trạng tồn dư chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích sinh trưởng, thuốc kháng sinh và sự hiện diện của vi sinh vật gây bệnh trong các sản phẩm nông nghiệp quá ngưỡng cho phép. Tình trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm không đúng quy cách…

Đặc biệt, theo báo cáo “Hệ thống đảm bảo có sự tham gia để kiểm soát chất lượng rau an toàn ở Việt Nam” của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Trần Thị Định, Chủ tịch Mạng lưới Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt – Bỉ thực hiện đã chỉ ra rằng, trong số các sản phẩm nông nghiệp, rau tươi có tần suất tồn dư hóa chất cao nhất.

Theo PGS.TS Trần Thị Định, để kiểm soát vấn đề này, phương pháp tiếp cận chính là phải xây dựng một chương trình tiêu chuẩn dựa trên quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) kết hợp với chứng nhận của bên thứ ba. Tuy nhiên chi phí để được cấp chứng nhận GAP rất cao và chỉ phù hợp với sản xuất quy mô lớn, trong khi 80% nông hộ ở Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ. Do đó, việc kiểm soát này hiện vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là sự hạn chế hiểu biết của người dân về kiến thức dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, nhất là những người sống ở các vùng sâu, vùng xa, cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ... đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.