Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội:

Chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm

ANTĐ - Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã cắt giảm 10% chi thường xuyên, nhưng qua 9 tháng con số này đã vượt dự toán. Bên lề Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã trao đổi về vấn đề này.

- PV: Nhiều đại biểu cho rằng các khoản chi cho lễ hội, hành chính sự nghiệp và quản lý hành chính vẫn nhiều. Trong khi đó, năm nay là một năm khó khăn, đầu năm kiên quyết cắt giảm nhưng đến giờ vẫn vượt dự toán, vậy theo ông nguyên nhân tại sao?

- Ông Phùng Quốc Hiển: Quốc hội vẫn đặt ra vấn đề tiết kiệm chi, đặc biệt là chi thường xuyên, nhất là những khoản chi được cho là tiêu phí. Quốc hội đã nêu điều đó và tất cả các Nghị quyết của Quốc hội đều nói là tiết kiệm chi. Hàng năm, Chính phủ sau khi xác định mức chi đều phải cắt đi 10% chi thường xuyên, trừ yếu tố tiền lương. Trong dự toán năm nay đã cắt giảm 500 tỷ đồng để đầu tư sang lĩnh vực an sinh xã hội khác như xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có sự phát sinh về hội nghị, khánh tiết, mua sắm xe công, lễ hội… Cái đó đã được cảnh báo là chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, cần cương quyết loại bỏ. Tới đây, trong kiến nghị của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cũng nói đến vấn đề tiết kiệm chi tiêu, nhất là chi tiêu cho lễ hội, mua sắm, khánh tiết… Cương quyết tiết giảm từ khâu dự toán, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra xuất toán những khoản chi. 

- Năm tới xu hướng nguồn thu khả năng còn khó khăn, bội chi ngân sách giảm chậm, Ủy ban Tài chính, Ngân sách có khuyến cáo gì với Chính phủ để cân bằng thu chi?

- Chúng ta thấy rõ đang đứng trước khó khăn. Khó khăn thứ nhất là về nguồn thu, tăng trưởng kinh tế không như mong muốn, do đó nguồn thu bị thu hẹp lại. Thứ hai là xu hướng thu thuế phải giảm dần và khoan thư sức dân. Dư địa để khai thác nguồn thu rất hạn chế, chính vì thế phải tính đến chuyện chi như thế nào. Khuyến cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là khi xác định nhiệm vụ chi thì phải tính đến khả năng thu và an ninh tài chính như thế nào. Đề nghị cố gắng thực hiện chính sách chi đã ban hành, hạn chế việc ban hành chính sách mới. Nếu không tính đến khả năng thu thì nó cứ cộng vào, mỗi thứ một tí trở thành một khoản lớn. Bội chi sẽ phải khống chế, Quốc hội chỉ cho trần nợ công như thế thôi để còn xác định khả năng trả nợ. Dư địa khó khăn thì chúng ta càng phải thận trọng hơn khi quyết định những vấn đề về chi. Do đó, cần tái cơ cấu đầu tư thu chi, cố gắng tránh bội chi kép, vừa bội chi theo chu kỳ vừa bội chi theo cơ cấu. 

- Xin cảm ơn ông!