Chàng trai lập trình bằng... ngón chân

(ANTĐ) - Ở Trung tâm đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech, người ta vẫn gọi cậu bé ấy bằng cái tên thân mật: “Chàng trai lập trình bằng... ngón chân”.

Chàng trai lập trình bằng... ngón chân

(ANTĐ) - Ở Trung tâm đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech, người ta vẫn gọi cậu bé ấy bằng cái tên thân mật: “Chàng trai lập trình bằng... ngón chân”.

Nguyễn Thanh Tùng
Nguyễn Thanh Tùng

Người mang cái biệt danh “ấn tượng” ấy có tên là Nguyễn Thanh Tùng hiện đang là học viên năm thứ nhất của Aptech. Câu chuyện để trở thành một lập trình viên tại một trong những “lò” đào tạo chuyên gia lập trình nổi tiếng thế giới giống như một câu chuyện cổ tích.

Tùng sinh năm 1986, năm nay mới vừa tròn 21 tuổi. Không giống như bao bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của Tùng là những chuỗi ngày đầy bất hạnh. Khi mới lên 8 tuổi, một tai nạn về điện khiến cho cậu bé hiếu động này vĩnh viễn mất đi đôi tay. Vụ tai nạn sau đó để lại di chứng nặng nề đến mức cậu bé phải nằm viện hàng tháng trời và phải nghỉ học ở nhà chạy chữa vết thương suốt hai năm ròng rã.

Lúc đó, Tùng là con trai duy nhất trong gia đình, mọi niềm tin, hy vọng của bố mẹ đều dành cho cậu con tai bỗng tan tành như mây khói. Các cụ vẫn bảo, “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, không ai nghĩ sau vụ tai nạn Tùng lại có thể tiếp tục đi học. Với người lớn, việc này còn là khó huống hồ đây lại chỉ là một cậu nhóc. Suốt những ngày tháng nằm nhà phục hồi vết thương nhìn bạn bè cùng trang lứa vẫn ngày ngày cắp sách đến trường, trong khi mình rong chơi từ sáng đến tối, Tùng buồn lắm. Cậu nhớ lại: “Khi đó, em chỉ có một thèm muốn duy nhất là có lại được đôi tay như chúng bạn để có thể đến trường, nhưng ước muốn đó dường như quá xa vời”. Rất tình cờ một bác hàng xóm tốt bụng thương cậu bé bất hạnh đã mang tặng Tùng một cuốn băng có tựa đề “Kim cổ kỳ quan”.

Nguyễn Thanh Tùng và chiếc máy tính thân yêu của mình.
Nguyễn Thanh Tùng và chiếc máy tính thân yêu của mình.

Trong cuốn băng đó có nói về trường hợp một phụ nữ người Trung Quốc mất hai tay nhưng vẫn có thể tự làm mọi việc bằng đôi chân của mình. Xem xong, Tùng nghĩ “em cũng có thể làm được như vậy”, thế là cậu nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Bắt chiếc trong băng, chú bé bắt đầu tự học viết bằng chân. Việc này không khó - Tùng nói - Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã từng làm được. Cái khó là ngoài viết còn phải làm được nhiều việc khác quan trọng hơn. Thế là Tùng đi học trở lại trong sự ngỡ ngàng của tất cả thầy cô giáo và bạn bè.

Trong suốt những năm cấp I và cấp II, việc học tương đối vất vả. Tùng phải ngồi một mình trên chiếc bàn dành riêng để viết bằng chân, nhưng bù lại cậu học khá tốt, Sang đến năm cấp III thì mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn, Tùng có thể ngồi viết trên bàn như một học sinh bình thường, chỉ khác ở chỗ thay vì dùng tay thì cậu lại đặt chân lên bàn. “Em không muốn có một sự khác biệt và ưu tiên nào so với các bạn trong lớp. Thậm chí kể cả việc được cho thêm thời gian làm bài bởi việc viết bằng chân chậm hơn rất nhiều so với viết bằng tay” - Tùng tâm sự. Chính nhờ những nỗ lực như thế nên cậu liên tục đạt học sinh khá, giỏi và được trao học bổng Odor Valle của Pháp.

 Bất hạnh ập đến ngay từ khi còn là một cậu bé chưa đầy 10 tuổi. Cánh cửa tương lai tưởng chừng đã đóng sập ngay trước mắt, thế nhưng cùng với một ý chí kiên cường, cậu bé ấy đã trỗi dậy. Và đứng lên, hơn nữa, đứng thẳng như bất cứ một chàng trai bình thường nào.

Khi máy tính bắt đầu phổ biến Tùng lập tức mày mò như một niềm đam mê, dùng chân kỳ cạch với chuột và bàn phím, suốt ngày cậu lên mạng, tự học cách đánh máy, thiết kế web, tham gia các diễn đàn. Cuối năm lớp 11, khi biết tin Aptech tổ chức thi tuyển lập trình viên, cậu đâm liều nộp hồ sơ thi thử với mục đích đơn giản là “để xem khả năng mình đến đâu”. Nào ngờ thi thử nhưng đỗ thật, thậm chí còn đỗ với số điểm khá cao. Tuy thế nhưng vì chưa tốt nghiệp THPT nên Tùng đành xin bảo lưu kết quả để học xong chương trình của lớp 12. Sau này, khi đã tốt nghiệp cấp III, nhưng cậu vẫn chưa dám quyết có nên tiếp tục theo học tại Aptech hay không bởi học phí cho một năm học tại đây lên tới gần 2.000USD/ năm. Đây là mức học phí được Aptech áp dụng ở hầu hết các trung tâm đào tạo tại châu Á, nhưng với một  học trò như Tùng thì nó quả là bức tường chắn quá lớn.

Rất may, ngay sau khi biết về trường hợp của Tùng, anh Đinh Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Aprotrain - Aptech đã hết sức khâm phục nỗ lực cũng như nghị lực và tinh thần ham học hỏi của cậu nên đã quyết định can thiệp để có thể trao cho cậu sinh viên hiếu học này một học bổng 99%, bởi đây cũng chính là tôn chỉ mà bản thân Aptech theo đuổi: “We change the life (Chúng tôi thay đổi cuộc sống)”. Điều đó có nghĩa là Tùng chỉ phải đóng 10USD tượng trưng cho một năm học. Tùng tâm sự: “Chương trình học của Aptech vốn rất nặng. Nếu học trên lớp 1h thì về nhà phải học thêm 4h nữa mới có thể nắm hết được những vấn đề. Chính vì thế em luôn phải cố gắng không ngừng”. Hiện nay cậu đang đặt ra “chỉ tiêu” là sẽ học thêm một bằng đại học chuyên ngành kinh tế. Tùng bảo, đấy là mơ ước lớn nhất của em: Một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nguyễn Long