Chặng đường mới

(ANTĐ) - Một chặng đường phát triển mới của đất nước đã được mở ra với những thách thức mà Đại hội Đảng XI đã xác định. Đi theo đó là những nhiệm vụ to lớn mà Đại hội đã đặt ra. Đó là: Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, coi tăng trưởng bền vững là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển; Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu duy nhất: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Chặng đường mới

(ANTĐ) - Một chặng đường phát triển mới của đất nước đã được mở ra với những thách thức mà Đại hội Đảng XI đã xác định. Đi theo đó là những nhiệm vụ to lớn mà Đại hội đã đặt ra. Đó là: Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, coi tăng trưởng bền vững là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển; Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu duy nhất: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Suy cho cùng, phát triển bền vững cũng là vì con người, cho con người. Vì thế, Đại hội Đảng một lần nữa khẳng định, trên chặng đường mới này, phải mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Những nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt lên vai Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, rõ ràng là không hề dễ dàng.

Dù những dấu mốc đã đạt được là hết sức ấn tượng, nhưng đằng sau thành quả tăng trưởng kinh tế cũng để lại những tồn tại nặng trĩu. Cụ thể là, bất ổn vĩ mô, môi trường xuống cấp và ô nhiễm, phân hóa giàu nghèo gia tăng; hội nhập kinh tế, dù mang lại một số lợi ích, song cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho nền kinh tế và giới doanh nghiệp khi cơ cấu kinh tế không kịp “lột xác” theo mô hình mới vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư. Hệ lụy và hậu quả đã quá rõ: năng suất lao động thấp do công nghệ lạc hậu, tay nghề lao động, kỹ năng quản lý kém vì nền giáo dục-đào tạo không theo kịp yêu cầu, trong khi đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng nhưng hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng kém do phân tán, lãng phí, dàn trải… Bước vào chặng đường mới, tất nhiên phải có niềm tin mới, khí thế mới, tuy nhiên không thể cứ thế “lao” lên phía trước mà không nhìn lại những gì để lại phía sau, những gì đã làm được và chưa làm được hoặc làm không ra gì. Nhìn lại không có nghĩa là để kể khó khăn, trở ngại mà để thấy rõ sức lực, khả năng cũng như điểm mạnh, yếu của bản thân nền kinh tế.

Làm gì để giải quyết thành công những thách thức to lớn đó? Làm gì để hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề mang tính lịch sử, nếu coi 25 năm đổi mới vừa qua là giai đoạn khởi đầu đổi mới chủ yếu mang ý nghĩa giải phóng sức sản xuất bị kìm hãm và giai đoạn đổi mới tiếp theo đang mở ra chính là giai đoạn phải tìm ra và khơi dậy động lực phát triển mới? Giải pháp nằm ngay trong quan điểm phát triển với chiến lược mười năm 2011-2020 đã được Đại hội Đảng XI xác định rõ ràng. Đó là phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Có làm như vậy mới huy động được toàn bộ nguồn lực tinh thần, trí tuệ và nguồn lực vật chất trong nhân dân cho công cuộc phát triển. Vấn đề nổi lên hiện nay là nút thắt về nguồn nhân lực. Đây là lĩnh vực mà đầu tư nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong giai đoạn mới, làm “bệ phóng” cho động lực phát triển nguồn nhân lực. Nếu cơ cấu đầu tư công thay đổi theo hướng đầu tư vào nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh thì sẽ không chỉ mang lại kết quả bền vững của cả chặng đường, mà còn tác động mạnh mẽ đến nền tảng xã hội.

Chặng đường mới phát triển đất nước bền vững đã được Đại hội Đảng XI vạch hướng, chỉ đường với 3 khâu đột phá, trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, được coi là mũi nhọn đột phá quan trọng nhất.

Đan Thanh