Hệ lụy từ “tín dụng đen”: (2)

Chặn nguồn tội phạm

ANTĐ - Gần đây, hàng loạt vụ bắt giữ người trái pháp luật đã xảy ra và nguyên nhân dẫn đến các vụ án đều bắt nguồn từ giao dịch tiền bạc, nợ khó đòi. 

Bắt người để xiết nợ

Đó là lý do được các đối tượng bắt giữ người trái pháp luật đưa ra, hòng biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên, trắng trợn. Trao đổi với các điều tra viên của CAQ Đống Đa, được biết trong vụ án bắt giữ người trái pháp luật có sự tham gia của Nguyễn Đắc Thắng, trú tại phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình (Hà Nội), nguyên nhân dẫn đến hoạt động phạm tội của Thắng cùng đồng bọn đơn giản chỉ là “giúp” bạn bè đòi lại khoản nợ khó đòi trị giá 30 triệu đồng. Để thực hiện được việc đó, Thắng và các đối tượng liên quan đã dùng vũ lực đánh đập, đe dọa, hòng buộc gia đình người bị hại phải đáp ứng yêu cầu của chúng. Được biết, Thắng không chỉ là chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị nội thất xe hơi, mà còn là vận động viên quyền Anh nổi tiếng với nhiều thành tích trong nước và quốc tế.

Vụ án cướp tài sản và bắt giữ người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) mới đây cho thấy tính nghiêm trọng của những hệ lụy đằng sau các cuộc vay nợ tiền bạc. Trong vụ án này, anh Đỗ Minh, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), là người bị hại và cũng là “con nợ” của nhiều chủ nợ, trong đó có Đỗ Mai Phương, ở phường La Khê, quận Hà Đông. Khi chưa xoay xở được tiền, anh Minh đã bị người của “chủ nợ” tìm bắt, đánh đập rất dã man và đe dọa, ép gia đình phải trả số nợ đã vay. “Thủ đoạn xiết nợ của các đối tượng trong vụ án này rất tàn bạo. Chúng ép nạn nhân lên xe taxi đưa đến một số địa điểm vắng để tra tấn, rồi bắt viết giấy chuyển nhượng căn nhà đang ở để gán nợ” - Thượng tá Nguyễn Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Thanh Xuân cho biết. Cơ quan điều tra đã quyết định tạm giam các đối tượng gây án để xử lý.

“Lạt mềm buộc chặt”

Thượng tá Trương Thọ Toàn, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội cho biết: “Nhiều vụ án do mâu thuẫn tiền bạc xảy ra  trong thời gian gần đây. Những giao dịch vay, trả tiền bạc kiểu này đều do các đối tượng thỏa thuận ngầm với nhau, không được các cơ quan pháp luật chứng kiến và thừa nhận. Đây chính là nguyên nhân phát sinh các khoản nợ khó đòi, dẫn đến những vụ xiết nợ gây hậu quả nghiêm trọng”. Tìm hiểu một số “chuyên gia” trong lĩnh vực cho vay lãi suất cao, thấy rùng mình bởi kiểu làm ăn của họ. Chỉ cần biết “con nợ” có nhà cửa đàng hoàng hoặc có việc làm ổn định, chủ nợ sẵn sàng cho vay với giới hạn số tiền từ 500 triệu đồng trở xuống. Đây là hình thức cho vay “nóng” với lãi suất từ 7 đến 30 “phân”. Việc cho vay “nóng” này được ví như “lạt mềm buộc chặt”, nghĩa là thít dần lãi suất đối với “con nợ” và khi họ không có khả năng trả, chủ nợ liền áp dụng các biện pháp “mạnh” để xiết nợ… 

Đánh giá của một số chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho thấy, tình trạng vay nợ, làm ăn thua lỗ hiện nay đang gia tăng và hệ lụy sau đó là những vụ xiết nợ gây ảnh hưởng đến ANTT. Không cần biết “con nợ” có khả năng thanh khoản hay không, các chủ nợ chỉ cần biết đến hạn là phải trả lãi và gốc. Do vậy, hàng loạt các “công ty” thu hồi nợ và các ổ nhóm tội phạm chuyên đòi nợ thuê mọc ra như nấm, để “giải quyết” các vấn đề được coi là… nợ xấu.

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề vay nợ tiền bạc hiện nay, CATP Hà Nội đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa hoạt động của các đối tượng chuyên cho vay “nóng”. Phòng CSHS đã phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát để phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các đối tượng chuyên đòi nợ thuê vi phạm pháp luật. Trong những tháng gần đây, nhiều đối tượng và ổ nhóm liên quan đến hoạt động xiết nợ gây ảnh hưởng đến ANTT đã bị cơ quan công an bắt giữ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật xuất phát từ các cuộc vay mượn tiền bạc vẫn xảy ra.