Chậm xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội do vướng chính sách?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bên cạnh việc xử phạt hành chính, kiện ra tòa, xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, được kỳ vọng làm giảm tình trạng nợ bảo hiểm, song hầu như không sử dụng được, do khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ và thủ tục pháp lý theo quy định.

Khó khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội do vướng thủ tục

Khó khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội do vướng thủ tục

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, những năm gần đây, tỷ lệ nợ so với số thu hàng năm đều giảm.

Tuy nhiên, từ năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động, cho nên người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến kết quả thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; vì vậy, nợ cũng tăng lên.

Cụ thể, năm 2020, tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội là 14.145 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,5%; năm 2021, số tiền chậm đóng là 15.070 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,7%. Tính đến hết quí I/2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội là hơn 20.500 tỷ đồng, chiếm 5,1%.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài khó khăn khách quan do dịch bệnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, có nguyên nhân chủ quan do ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiê, của nhiều chủ sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa có quy định về quản lý các đơn vị, số tiền chậm đóng, đặc biệt là doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, có chủ sở hữu bỏ trốn.

Tại Hà Nội, theo báo cáo, giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi giảm dần qua các năm, nhưng từ năm 2020, có phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội tăng, lớn nhất cả nước, tính đến tháng 5/2022, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 5.050,4 tỷ đồng, chiếm 8,94% kế hoạch thu, số tiền nợ phải tính lãi là 1.903,9 tỷ đồng (tăng 296,5 tỷ đồng so với năm 2021), chiếm 3,37% kế hoạch thu.

Số nợ bảo hiểm xã hội không thể thu hồi là 1.342,5 tỷ đồng do 11.675 đơn vị bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản (chiếm 26,6% so với tổng so nợ bảo hiểm xã hội).

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho rằng, thực hiện quy định tại Điều 191 Bộ Luật tố tụng dân sự và Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội, từ ngày 01/01/2016 chức năng khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội được chuyển từ cơ quan bảo hiểm xã hội sang Tổ chức Công đoàn thực hiện, dẫn đến việc khởi kiện gặp nhiều khó khăn do phải có sự ủy quyền của người lao động, nếu người lao động khởi kiện chính đơn vị sử dụng lao động của mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ và việc làm của người lao động tại doanh nghiệp đó.

Do khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ và thủ tục pháp lý, từ 2015 đến nay, Hà Nội chuyển 175 hồ sơ công đoàn khởi kiện sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý, tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị khởi kiện.

Để khắc phục tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Cụ thể, bổ sung về quản lý nợ bảo hiểm xã hội đối với các đơn vị mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngừng giao dịch; Có cơ chế, chính sách giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.