Dấu ấn cấp ủy Đảng trong đột phá cấp sổ đỏ ở Hà Nội (3):

Chậm phải xin lỗi, minh bạch để chống tiêu cực

ANTD.VN - Nhiều năm trước, nói tới cấp sổ đỏ, người ta liên tưởng ngay tới một “rừng” thủ tục vô cùng phức tạp, khó hiểu với hàng xấp giấy tờ; những gương mặt lạnh lùng, vô cảm của cán bộ địa chính và đối tượng “cò” môi giới làm sổ đỏ hay nạn phong bao, phong bì “đi đêm” là chuyện đương nhiên, thì nay, những điều tiếng đó đã giảm rất nhiều. 

Chậm phải xin lỗi, minh bạch để chống tiêu cực ảnh 1Cán bộ tiếp dân phải biết nở nụ cười, phải xin lỗi nếu để xảy ra chậm, muộn hồ sơ

Có điều tiếng là luân chuyển ngay

Tiếp xúc hàng ngày với người dân, dù đội ngũ cán bộ giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ đã thường xuyên được giáo dục, hướng dẫn; nâng cao năng lực chuyên môn, văn hóa ứng xử... nhưng thực tế rất khó tránh được mâu thuẫn, va chạm với người dân đến giao dịch. Rõ ràng, khả năng xảy ra nhũng nhiễu, vòi vĩnh, bức xúc trong xét cấp sổ đỏ luôn hiện hữu. Thế nên, phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực này luôn là nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy Đảng tại các đơn vị liên quan. Ngay tại Chỉ thị số 09-CT/TU, Thành ủy Hà Nội đã đặc biệt lưu ý: “Không được để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, làm trái quy định...”.

Không ứng dụng công nghệ, xử lý hồ sơ rất mất thời gian

“Sở TN-MT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính như Công an, Tư pháp… để xử lý nhiều đối tượng làm sổ đỏ giả. Nói như vậy để thấy rằng, trước khi xử lý các hồ sơ, chúng tôi luôn thận trọng kiểm tra giấy tờ lưu trữ. Thực tế, số hồ sơ cũ phần lớn đều là bản giấy nên việc tra cứu, đối chiếu rất mệt. Do đó, nếu không tận dụng công nghệ thông tin, cải tiến hệ thống lưu trữ thì cán bộ sẽ mất rất nhiều thời gian”. 

Ông Lê Thanh Nam (Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội)

Chia sẻ mối lo này, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nói: “Đây là việc chúng tôi quan tâm từ nhiều năm nay. Nếu ta cứ cải cách chính sách nhưng thiếu quan tâm tới giáo dục, đào tạo, đãi ngộ con người thực hiện công việc đó thì rất dễ xảy ra tiêu cực và cải cách không thể có kết quả. Trong năm cao điểm về cấp sổ đỏ 2017, cũng là “Năm kỷ cương hành chính”, chúng tôi càng đặc biệt quan tâm tới chấn chỉnh thái độ làm việc, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ ngành TN-MT”. 

Giám đốc Sở TN-MT nêu giải pháp: “Chúng tôi thường xuyên quán triệt tới từng đơn vị, nhất là bộ phận “một cửa”, phải hướng dẫn người dân tận tình, thái độ hòa nhã, niềm nở, đúng mực. Phải cố gắng cao nhất để trả hồ sơ đúng hẹn. Trường hợp làm chậm, muộn do lý do khách quan thì phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp. Nếu 2 lần làm chậm, muộn hồ sơ hoặc có dư luận, điều tiếng không tốt, Sở sẽ điều chuyển công tác sang vị trí khác, không để tiếp tục trực tiếp thụ lý, tiếp nhận hồ sơ nữa. Thực tế, chúng tôi đã luân chuyển một số trường hợp như vậy chứ không phải đặt ra quy định rồi để đó…”.

Chính vì chế tài nghiêm như vậy nên ý thức của cán bộ, công chức được nâng lên rất nhiều, hạn chế tới mức thấp nhất hiện tượng tiêu cực hay bức xúc... Ngoài ra, Thanh tra và lãnh đạo Sở phải liên tục kiểm tra đột xuất chứ không chủ quan, “khoán trắng” cho các đơn vị. “Ngoài quy định, chế tài rõ ràng vẫn phải giám sát chặt chẽ và nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm, không có ngoại lệ…” - ông Nguyễn Trọng Đông nói.

Cấm cán bộ la cà quán nước

Giảm thiểu tất cả vướng mắc, bức xúc được xem là tiêu chí quan trọng nhất trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần nỗ lực từ hai phía. Theo ông Lê Thanh Nam, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cơ quan  TN-MT luôn cố gắng làm sao để minh bạch toàn bộ thủ tục pháp lý. Các quyết định hành chính được niêm yết công khai; có hệ thống máy tra cứu thông tin, đường đi nước bước... để thực hiện giao dịch. Sở TN-MT còn bố trí cán bộ ở bộ phận một cửa để hướng dẫn khách tới giao dịch. Theo đó, một tổ trực hướng dẫn trực tiếp, một tổ trực đường dây nóng để ghi nhận những phản ánh chưa hài lòng hoặc giải thích chuyên sâu về những thắc mắc của người dân. 

Bên cạnh đó, cũng theo ông Lê Thanh Nam, cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và nắm rõ hơn về những thay đổi trong hệ thống quy định pháp luật về cấp sổ đỏ. “Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng người dân cũng cần lưu ý, trước khi tới giải quyết thủ tục, có thể ngồi nhà tra cứu thông tin trên mạng (Cổng thông tin điện tử của thành phố, của Sở đều có hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục, giấy tờ cần thiết) sẽ đỡ mất thời gian cũng như tránh được khả năng bị “hành” - ông Lê Thanh Nam nói.

Ở cấp cơ sở, ông Phạm Tôn, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - quận Hai Bà Trưng cho biết, Chi ủy và lãnh đạo Chi nhánh liên tục nhắc nhở cán bộ phải tạo mọi điều kiện khi người dân tới làm thủ tục; tuyệt đối không được phép có hành vi cản trở, nhũng nhiễu. Quan điểm của Chi ủy Chi nhánh là phải thường xuyên giáo dục, nhắc nhở để cán bộ tự ý thức được trách nhiệm của mình. 

“Để phòng ngừa sai phạm, tránh tình trạng nhân viên thông đồng với “cò mồi”, chúng tôi không cho phép cán bộ la cà quán cà phê, hàng nước xung quanh văn phòng Chi nhánh trong phạm vi 3km. Thực tế, đã có cán bộ vi phạm quy định này bị xử lý. Cũng nhờ siết chặt như thế nên hiện tượng tiêu cực tới nay chưa xảy ra” - Bí thư Chi bộ Phạm Tôn nói.

Cải cách chưa dừng lại

Dù thủ tục cấp sổ đỏ ở Hà Nội đã được cắt giảm rất nhiều so với quy định của luật nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thành phố sẽ tiếp tục cải cách để thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận hơn nữa. Ghi nhận thực tế đó, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo phải nghiên cứu để tiếp tục rút gọn thủ tục chứ không dừng lại: “Tôi cho là thủ tục cấp sổ đỏ vẫn còn giảm được nữa. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính là một quá trình. Trong đó, phải tính tới nhiều yếu tố để làm sao thủ tục rút ngắn, quy trình giải quyết minh bạch hơn; người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ, tránh được sai sót và phù hợp với năng lực của cơ quan hành chính…”. 

Nêu ví dụ thủ tục làm sổ đỏ nhà dự án ở Hà Nội bây giờ chỉ còn 14 ngày, trong đó, có thời gian vài ngày để tính thuế, Giám đốc Sở TN-MT phân tích: “Quy trình hiện nay đã có sự liên thông giữa các đơn vị và gửi văn bản điện tử thay vì bản giấy để rút ngắn thời gian. Như thế đã là nhanh rồi nhưng tới đây, chúng tôi sẽ đổi mới, áp dụng chuyển cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan, không phải ban hành văn bản nữa. Nhờ đó, việc tính thuế chỉ còn vài giờ hoặc chậm nhất là trong ngày chứ không mất vài ngày như hiện nay”.

“Thành phố đã đặt ra yêu cầu rất cao về tinh giản biên chế nên từ nay tới năm 2020, nhân sự dành cho cấp sổ đỏ không thể tăng thêm. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp số 1 để tạo ra đột phá trong rút gọn thủ tục cấp sổ đỏ. Đó là yêu cầu bắt buộc mà các cấp ủy đều đã quán triệt” - ông Nguyễn Trọng Đông chia sẻ.

Nhiệm vụ vẫn còn nặng nề

“Giai đoạn sắp tới, nhiệm vụ vẫn còn nặng nề. Hiện nay, sổ đỏ cấp lần đầu đã cơ bản xong nhưng khối lượng đăng ký biến động hàng ngày (chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, tặng, cho, chia tách, nhập thửa…) còn rất lớn. Thời gian cấp đăng ký biến động ngắn, trong khi số lượng giao dịch rất lớn (một năm ở Hà Nội có tới xấp xỉ 1 triệu lượt sổ đỏ đăng ký biến động) và tất cả các hồ sơ này đều do hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai thụ lý…”. 

Ông Nguyễn Trọng Đông (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)