Chấm dứt việc giám hộ

(ANTĐ) - Cha mẹ tôi chết trong một vụ tai nạn giao thông từ khi tôi còn nhỏ. Tôi được bác ruột nhận làm giám hộ nuôi tôi. Nay tôi được 18 tuổi đã đi làm và có thể tự nuôi sống bản thân nên không muốn bác phải lo lắng cho tôi. Và tôi muốn đề nghị bác không phải giám hộ cho tôi nữa có được không? Việc chấm dứt giám hộ được quy định như thế nào?

Chấm dứt việc giám hộ

(ANTĐ) - Cha mẹ tôi chết trong một vụ tai nạn giao thông từ khi tôi còn nhỏ. Tôi được bác ruột nhận làm giám hộ nuôi tôi. Nay tôi được 18 tuổi đã đi làm và có thể tự nuôi sống bản thân nên không muốn bác phải lo lắng cho tôi. Và tôi muốn đề nghị bác không phải giám hộ cho tôi nữa có được không? Việc chấm dứt giám hộ được quy định như thế nào?

T.M.H (Hà Nội)

Trả lời: Nếu bạn đã đủ 18 tuổi thì bạn là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu bạn không thuộc trường hợp quy định tại điều 22 về Mất năng lực hành vi dân sự và không thuộc trường hợp quy định tại điều 23 - Bộ luật Dân sự về Hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bác bạn đương nhiên không còn là người giám hộ của bạn nữa mà bạn không cần phải yêu cầu chấm dứt việc giám hộ.

Theo quy định tại điều 72 - Bộ luật Dân sự năm 2005 thì việc chấm dứt việc giám hộ được quy định trong các trường hợp sau đây:

1. Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Người được giám hộ chết.

3. Cha, mẹ của người được giám hộ đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

4. Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.

Theo điều 73 - Bộ luật Dân sự năm 2005 thì hậu quả chấm dứt việc giám hộ được quy định như sau: Khi việc giám hộ chấm dứt thì trong thời hạn ba tháng, kể từ thời điểm chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người được giám hộ hoặc với cha, mẹ của người được giám hộ.

Trong trường hợp người được giám hộ chết thì trong thời hạn ba tháng, kể từ thời điểm chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người thừa kế của người được giám hộ; nếu hết thời hạn đó mà chưa xác định được người thừa kế thì người giám hộ tiếp tục quản lý tài sản của người được giám hộ cho đến khi tài sản được giải quyết theo quy dịnh của pháp luật về thừa kế và thông báo cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được giám hộ cư trú.

Việc thanh toán tài sản được thực hiện dưới sự giám sát của người giám sát việc giám hộ.

LS. Bạch Tuyết Hoa

(Văn phòng LS Phúc Thọ - 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)