Ký họp thứ 4, quốc hội khóa XII:
“Chậm ban hành luật, gây thiệt hại có phải bồi thường?”
(ANTĐ) - Ngày 8-11, QH đã thảo luận tại Hội trường về hai dự án Luật Bồi thường Nhà nước và Luật Quy hoạch đô thị. Nhiều ĐB than phiền về sự quá phức tạp của các thủ tục hành chính khi người dân yêu cầu được bồi thường…
ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nhấn mạnh: “Thật là bất bình đẳng, khi dự luật đòi hỏi người yêu cầu bồi thường phải chứng minh được lỗi vi phạm của cán bộ công chức”. ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) tán đồng: “Chưa thể hiện được sự sòng phẳng giữa Nhà nước với người dân” và khẳng định: “Nếu không muốn gọi là con kiến đi kiện củ khoai thì phải sửa đổi nội dung quy định thủ tục để được bồi thường”.
Với lý do hạn chế về tài chính, Dự án Luật Bồi thường Nhà nước quy định, công chức thực hiện nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì mới phải bồi thường. Tuy nhiên, ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) dẫn chứng, áp dụng Nghị định số 47, trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2007 mới có khoảng 170 vụ việc được giải quyết, với số tiền bồi thường hơn 16 tỷ đồng; còn đối với bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Nghị quyết số 388, tính đến hết năm 2007 (sau 4 năm thi hành), các cơ quan tiến hành tố tụng đã giải quyết được gần 200 vụ, với số tiền phải bồi thường là gần 15 tỷ đồng. ĐB Hằng “chốt”: “Bài toán ngân sách là không khó”, và đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, để đội ngũ cán bộ công chức biết trùng tay khi có tiêu cực, có cách hành xử đúng mực với người dân. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) hưởng ứng: “Không thể dung túng bộ máy kém hiệu quả mãi được”, và đề nghị luật phải bổ sung thêm quy định, công chức không thực hiện nhiệm vụ, nhưng gây thiệt hại cho cá nhân, tập thể cũng phải bồi thường…
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: “Chậm ban hành luật, ban hành trái luật mang lại hậu quả pháp lý phức tạp, gây thiệt hại rộng thì có được bồi thường không?”
Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu quan điểm, nhiều quy định của dự luật thiếu tính thực tiễn và không khả thi. Theo ĐB Nga, dự luật phải bổ sung thêm quy định, khi hết hạn điều tra mà không tìm được hành vi phạm tội thì cũng được bồi thường. Có những quy định phiến diện: “Sai phạm khi thu giữ, tạm giữ khi kê biên tài sản thì được bồi thường nhưng cái sai lớn hơn trong xử lý trách nhiệm hình sự thì lại không được bồi thường, chẳng hạn như lúc đầu thì xử người ta 7 năm tù, sau đó thì cho hưởng án treo” - ĐB Nga nêu ví dụ.
Nguyễn Hà
Đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm gian lận thuế, trốn thuế Thông qua Nghị quyết về Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2009 với tỷ lệ tán thành là 88,44%. (ANTĐ) - Hôm qua 8-11, Quốc hội đã thông qua Dự toán Ngân sách Nhà nước với đa số phiếu tán thành. Theo đó, điều chỉnh Dự toán tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2009 đạt 389.900 tỷ đồng (chiếm 21,5% GDP), giảm 28.100 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ, trong đó giảm từ xuất khẩu dầu thô là 63.700 tỷ đồng (giảm 17.700 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ). Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2009 là 491.300 tỷ đồng, bội chi ngân sách là 87.300 tỷ đồng, bằng 4,82% GDP. Giảm chi ngân sách Trung ương, cụ thể là giảm chi cho đầu tư từ 118.88 tỷ xuống còn 112.800 tỷ đồng, giảm chi thường xuyên còn 269.300 tỷ đồng, giảm chi tiền lương từ 43.600 tỷ đồng xuống còn 36.600 tỷ đồng, vẫn điều chỉnh lương tối thiểu nhưng giãn tiến thời điểm thực hiện đến khoảng tháng 5.2009. QH yêu cầu Chính phủ, năm 2009 phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về gian lận thuế, trốn thuế. Năm 2009 sẽ giãn tiến độ nộp thuế cho một số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, tăng chi cho an sinh xã hội, chi cho đầu tư phát triển nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công. QH đồng ý năm 2009 sẽ phát hành 36.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi. Vũ Thu |