Cha sát hại mẹ, chị cả bươn bải nuôi 4 đứa em

ANTĐ - Mỗi ngày đi qua, cô gái 20 tuổi vừa làm chị, vừa làm cha, làm mẹ của 4 đứa em ấy đang gồng mình để cho chúng không đứt gánh giấc mơ giảng đường như mình. Nghị lực ấy, đáng để khâm phục và tự hào.

Mặc dù, cánh cửa đại học đã khép lại với Bùi Thị Phương, 20 tuổi, ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cách đây hơn 2 năm, nhưng đến lúc này, em vẫn ao ước được quay lại ngôi trường mình đã từng học. Giá như, bi kịch gia đình không xảy ra, nếu bố em không vì bệnh tâm thần vô cớ gây ra cái chết tức tưởi cho mẹ, để lại 5 đứa con thơ bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời thì giờ em đã là sinh viên năm 3, ngành kế toán trường Đại học Nha Trang.

Phương không phải là trường hợp đặc biệt, và tôi cũng biết trong cuộc sống này, ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này, đang có rất nhiều cô gái có hoàn cảnh như em, biết vươn lên để khẳng định mình trong cuộc sống. Nhưng tôi khâm phục Phương bởi ở tuổi 20, em đang quyết tâm để một mình nuôi 4 đứa em vào giảng đường đại học, trong khi bản thân em cũng luôn ao ước được trở lại chốn này.

Bi kịch trong gia đình bố tâm thần giết mẹ

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại Phương, cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn ấy đã phải gác lại giấc mơ giảng đường để trở thành trụ cột sau biến cố gia đình cách đây 2 năm. Sinh ra trong một gia đình thuần nông có 5 chị em, Phương là chị cả nên từ nhỏ đã phải lam lũ, tảo tần đề đỡ đần bố mẹ, chăm em. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng 5 chị em Phương đều ngoan ngoãn và học giỏi. Suốt 12 năm học, Phương đều là học sinh tiến tiến của trường. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, Phương thường cùng em gái đi bắt cua hến, hái rau má để mẹ ra chợ bán kiếm thêm tiền học cho mấy chị em. Thấy sự vất vả của mẹ, vài lần Phương đã có ý định xin nghỉ học để vào Nam kiếm tiền phụ thêm chi phí cho các em đi học nhưng bố mẹ không đồng ý vì không muốn con nghỉ học giữa chừng, sự cố gắng đó cũng đã được đền đáp xứng đáng khi Phương cầm trong tay giấy báo trúng tuyển Đại học.

Bước chân vào giảng đường trường Đại học Nha Trang với bộn bề khó khăn, Phương vẫn gắng vượt qua, vừa học vừa làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, với tâm niệm ra trường sẽ kiếm việc làm đỡ đần cho bố mẹ ở quê. Nhưng rồi, ước mơ và dự định nhỏ nhoi đó đó bị phá tan bởi bi kịch gia đình ập đến quá bất ngờ trước sự ngỡ ngàng của cô gái mới bước sang tuổi 19. Năm 2011, khi vừa bước vào năm thứ 2 đại học thì em choáng váng nhận tin ở quê nhà, mẹ đã qua đời, bố bị bắt giam. Sự thật đau đớn hơn là khi người cướp đi sinh mạng sống của mẹ mình không ai khác chính lại là người bố xưa nay chưa bao giờ nặng tay với 5 chị em.

Ảnh minh họa

Cũng kể từ tấn bi kịch đó, gia đình Phương không còn có khả năng kinh tế để Phương quay lại trường học tiếp vì không còn ai ở cạnh lo cho mấy chị em. Phương đã làm đơn bảo lưu kết quả học tập với hi vọng một ngày nào đó mình được quay lại trường học tiếp nhưng tới nay, thời gian đã trôi qua gần 4 học kì, Phương vẫn không thực hiện được ước nguyện này. Giờ đây, em cũng chẳng còn nuôi hi vọng đó nữa vì Phương biết sẽ chẳng có điều kì diệu ấy xảy ra, bởi trước mắt Phương còn có 4 đứa em đang tuổi ăn học. Phương chỉ mong các em được học tới nơi tới chốn, không đứa nào phải đứt gánh giữa chừng như mình cả.

Một mình bươn chải nuôi 4 đứa em ăn học

Hiện nay, 5 chị em Phương đang sống trong ngôi nhà bố mẹ để lại ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Căn nhà ấy, đã có lúc là tổ ấm, là niềm tự hào nhưng giờ đây, đã trở thành vết cứa xót xa trong tâm hồn mấy chị em mà Phương, với vai trò là người chị cả, đang tìm cách hàn gắn, để nỗi đau không thêm dài. Em út đang học lớp 4 và em kế Phương năm nay sẽ dự thi đại học Giao thông vận tải. Cuối tháng 3 âm lịch vừa rồi cũng là ngày giỗ thứ 2 của mẹ Phương. Trong khi đó, Bố Phương thì sau ngày vào trại được một thời gian đã được chuyển vào bệnh viện tâm thần để điều trị, hiện giờ vẫn chưa bình phục. Để có tiền nuôi em, vừa rồi Phương đã làm hồ sơ xin vào làm tại một công ty may ở Đô Lương. Hàng ngày, em phải chạy xe đi về hơn ba chục cây số, nhiều hôm trời mưa nắng thất thường, Phương phải gói cơm trưa ăn tại công ty.

Hỏi, có khi nào Phương hờn trách hay khóc hận bố vì đã gây ra thảm kịch cho gia đình, nước mắt cô bất chợt lăn dài trên má. Nói không trách giận bố là thực ra đang dối lòng mình, nhưng chuyện đã xảy ra, bát nước một khi đã hắt đi chẳng thể nào đong lại được. Ngày mới xảy ra thảm kịch, chị em Phương ai cũng ghét bố, nhưng sau này, qua những lần thăm nuôi trong trai giam, và giờ là bệnh viện tâm thần, thấy ông gầy gò ốm yếu, tình thương đã lấn át, đủ để xóa tan mọi thù hận. Lúc ấy, hẳn bố cũng vô thức, căn bệnh tâm thần kinh trong bố thì mấy chị em chẳng lạ gì, kể cả mẹ.

Thường ngày, bố rất yêu thương vợ con, nhưng trái gió trở trời, bệnh tình tái phát, ông lại như con thú hoang, đập tan đồ đạc trong nhà rồi cứ thế lang thang khắp nơi, có khi áo quần không mặc. Tâm nguyện lớn nhất của chị em Phương bây giờ là mong bố mau chóng bình phục để đưa về nhà chăm nuôi, các em đã mất đi mẹ, giờ không muốn xa bố thêm bất cứ giây phút nào nữa, bất luận ông là người đã đang tâm phá nát tổ ấm gia đình sau 20 năm vun vén.

Sau nhiều vất vả, Phương giờ đây trông có vẻ trưởng thành hơn tuổi 20 của mình, trên đôi mắt đó thoáng vẻ buồn buồn và lo toan. Tôi biết, Phương cũng buồn khi mỗi dịp tết, hè về thấy những đứa bạn của mình đứa nào cũng trắng trẻo, xinh tươi dẫn người yêu đi chơi. Nói đến chuyện tình cảm, Phương cũng có một vài người theo đuổi nhưng cô gạt ra sau vì, trước mắt là lo việc gia đình đã. Với một cô gái mới qua tuổi 20, ít ai có thể ngờ đằng sau sự thầm lặng, yếu đuối đó là cả một nghị lực sống và những lo toan chưa bao giờ yên.

Khi được hỏi về mong ước hiện tại của Phương, cô nhỏ nhẹ nói: "Chỉ mong cho các em được học tới cùng vì trông đứa nào cũng học giỏi cả. Có năng lực mà không được đi học thì tội chúng nó lắm. Khi rảnh, em bày dạy cho các em học tập. Còn về tương lai, cũng chưa hứa được điều gì, bản thân chỉ biết cố gắng hết sức thôi, tới đâu hay tới đó, chỉ mong chẳng đứa nào phải nghỉ học giữa chừng như chị nó".

Ước muốn được đi học có lẽ rất đỗi đơn giản với nhiều người, nhưng đối với Phương, đó là gánh nặng lớn nhất trong lòng cô. Hi vọng rằng, những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với mấy chị em Phương, Phương sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Giờ đây, sóng gió đã ngủ yên, nhưng nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên" trong tâm khảm của Phương. Mỗi ngày đi qua, cô gái 20 tuổi vừa làm chị, vừa làm cha, làm mẹ của 4 đứa em ấy đang gồng mình để cho chúng không đứt gánh giấc mơ giảng đường như mình. Nghị lực ấy, đáng để khâm phục và tự hào.

Vụ án xảy ra vào tháng 2/2011 tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương. Tại thời điểm nói trên, Bùi Đức Khánh (SN 1975) sau một thời gian đi làm ăn xa tại Quỳ Hớp trở về nhà đã bất ngờ vung dao giết chết vợ là chị Trần Thị Lan (SN 1978), đẩy 5 đứa con, đứa lớn đang học đại học và đứa bé học lớp 2 vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Sau khi vào cuộc, Cơ quan điều tra xác định Bùi Đức Khánh bị bệnh tâm thần nên đã không khởi tố vụ án hình sự mà chỉ ra quyết định đưa đi điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.