Cầu thủ nhập tịch có phải chìa khoá mở cánh cửa World Cup?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, ba đội bóng Đông Nam Á nhận những kết quả khác nhau tại vòng loại World Cup 2022, song đều đang "nóng" với câu chuyện cầu thủ nhập tịch.

Trở về từ vòng loại thứ hai World Cup 2022 với kết thúc thứ tư chung cuộc bảng G và không thể góp mặt vòng loại cuối, đội tuyển Malaysia vấp phải làn sóng chỉ trích của người hâm mộ quê nhà, trong đó có vấn đề sử dụng cầu thủ nhập tịch.

Trong ba lượt trận cuối (thua UAE 0-4, thua Việt Nam 1-2, thắng Thái Lan 2-1), dàn cầu thủ nhập tịch chiếm một nửa đội hình chính của Malaysia gây thất vọng với màn trình diễn mờ nhạt và bị lên án vì thái độ thi đấu kém "nhiệt". Cầu thủ gốc Brazil - Paula góp 1 trong 3 bàn thắng của Malaysia, nhưng là trên chấm 11m, còn lại là các tình huống hỏng ăn.

Paula (gốc Brazil) cùng dàn cầu thủ nhập tịch Malaysia thi đấu thất vọng tại vòng loại World Cup

Paula (gốc Brazil) cùng dàn cầu thủ nhập tịch Malaysia thi đấu thất vọng tại vòng loại World Cup

Nội bộ bóng đá Malaysia đang mâu thuẫn trong chính sách nhập tịch cầu thủ ồ ạt để "đốt cháy giai đoạn" vươn ra châu Á, thế giới.

Đại bộ phận người hâm mộ Malaysia bày tỏ thất vọng và phản đối. Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) thì cho rằng không nên vội vã đổ lỗi thất bại cho cầu thủ nhập tịch. Trong khi, cố vấn cấp cao về thể thao của Malaysia - ông Pekan Ramli chỉ trích FAM đã "vội vã, dễ dãi, thiếu cân nhắc" với cầu thủ nhập tịch, dẫn đến tình trạng đội tuyển Malaysia bị xáo trộn lối chơi, mất bản sắc.

Trong khi tranh cãi về cầu thủ nhập tịch ở Malaysia chưa hồi kết thì tại Thái Lan, cổ động viên đang kêu gọi Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) mở cửa chính sách nhập tịch, bởi cho rằng, chỉ có sự giúp sức của các "ngoại binh" mới mong sớm được dự World Cup.

Đề xuất này đưa ra trong bối cảnh bóng đá Thái Lan suốt 20 năm - kể từ lần lọt vào vòng loại cuối World Cup 2002 đến vòng loại World Cup 2022 - miệt mài săn vé World Cup với 100% nội binh, song đến nay giấc mơ chưa thành hiện thực, thậm chí còn chứng kiến sự tụt lùi về thành tích.

Trong quá khứ, bóng đá Thái Lan chỉ kêu gọi các cầu thủ gốc Thái đang thi đấu nước ngoài về góp sức cho đội tuyển quốc gia, chứ chưa trao cơ hội cho các cầu thủ ngoại quốc thông qua chính sách nhập tịch.

Với người hâm mộ bóng đá Thái Lan lúc này, cầu thủ nhập tịch được xem là phương án cứu cánh cho giấc mơ World Cup.

Không nhập tịch ồ ạt như Malaysia (và cả Singapore, Philippines), bóng đá Việt Nam khá dè dặt trong vấn đề này.

Huỳnh Kesley hay Phan Văn Santos (cùng gốc Brazil) là những cầu thủ gốc ngoại hiếm hoi được triệu tập ĐTQG Việt Nam, thế nhưng đều không thể hiện được nhiều. So với họ, những cầu thủ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài được tạo cơ hội nhiều hơn, song đến nay, cũng chỉ có Mạc Hồng Quân và Đặng Văn Lâm là để lại dấu ấn.

Không phủ nhận giá trị chuyên môn của cầu thủ ngoại quốc (bằng chứng là phần lớn CLB ở V-League đang dựa vào ngoại binh), nhưng thành tích chỉ bền vững khi nó được xây dựng trên nền tảng chất lượng nội binh có chiều sâu, tính ổn định.

Đặc biệt với một đội tuyển quốc gia, ngoài chuyên môn thì yếu tố bản sắc quan trọng không kém.

Một ngoại binh giỏi có thể giúp đội tuyển có thêm những bàn thắng, nhưng chỉ một hành xử thiếu chuẩn mực sẽ vấy bẩn hình ảnh đội tuyển trong mắt bạn bè quốc tế. Lo lắng này không thừa khi với nhiều ngoại binh, nhập tịch và khoác áo đội tuyển quốc gia là cách giúp họ tăng thêm giá trị, thêm thu nhập và duy trì cơ hội việc làm tại Việt Nam, chứ không chỉ là "khát khao cống hiến" thuần tuý.

Không nên thành kiến với cầu thủ nhập tịch, song cũng cần cẩn trọng trước mỗi cơ hội trao đi, bởi nó ảnh hưởng thể diện quốc gia, dân tộc.

Tại vòng loại World Cup vừa qua, hình ảnh đại đa số tuyển thủ Malaysia đứng như pho tượng vì không thuộc, không thể hát quốc ca trong nghi thức trước trận; hay sự tức giận của khán giả Malaysia vì thái độ thi đấu thiếu lửa của dàn cầu thủ nhập tịch... đáng để chúng ta tham khảo, suy ngẫm.