Cửa dự World Cup của tuyển Việt Nam nhìn từ... Thái Lan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 9 thập kỷ qua, bóng đá Đông Nam Á chưa có đại diện nào góp mặt vòng chung kết World Cup. Tiến xa nhất là đội tuyển Thái Lan cũng chỉ 2 lần lọt tới vòng loại cuối và đều thua tơi tả.

World Cup - giải đấu lớn nhất hành tinh - được xem là thước đo năng lực của các nền bóng đá. Điều này thể hiện rõ rệt với các đại diện Đông Nam Á, vốn đều đang nằm ngoài tốp 90 thế giới.

Lịch sử World Cup ghi nhận 1 đại diện Đông Nam Á từng thi đấu vòng chung kết năm 1938 là Indonesia, khi đó lấy tên gọi Đông Ấn Hà Lan.

Thái Lan (áo trắng) không thắng trận thắng nào ở 18 lượt trận vòng loại cuối World Cup

Thái Lan (áo trắng) không thắng trận thắng nào ở 18 lượt trận vòng loại cuối World Cup

Ở kỳ World Cup giai đoạn sơ khai này chỉ có 16 đội tham dự vòng chung kết, và mức độ cạnh tranh không cao khi chỉ có 37 đội đá vòng loại (bằng khoảng 1/4 số đội đá vòng loại World Cup 2022).

Đông Ấn Hà Lan khi đó thua Hungary 0-6 và bị loại ngay vòng đầu tiên. Kể từ đó đến nay, 9 thập kỷ trôi qua, không có thêm đại diện nào của khu vực dự World Cup.

Thái Lan - nền bóng đá thời gian dài chiếm vị trí số 1 Đông Nam Á - cũng chỉ 2 lần vào tới vòng loại cuối cùng (2002, 2018). Đều thắng "như chẻ tre" và kết thúc vòng loại thứ hai với vị trí nhất bảng, thế nhưng ở vòng đấu dành cho 12 đội mạnh nhất châu Á, đại diện "vùng trũng" để lộ ra sự chênh lệch đẳng cấp quá lớn.

Vòng loại cuối World Cup 2002, đội tuyển Thái Lan đá tổng cộng 8 lượt trận với 4 đối thủ Iran, Iraq, Bahrain và Ả Rập Xê Út, không thắng trận nào, hoà 4, thua 4, xếp chót bảng với 4 điểm.

16 năm sau, trong lần thứ hai vào vòng loại cuối World Cup, Thái Lan dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak đá 10 lượt trận với 5 đối thủ gồm Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Australia, UAE và Iraq. Kết quả, thắng 0, hoà 2 và thua 8, trong đó có những trận thua đậm 0-3, 0-4.

Kết thúc giải đấu năm đó, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đổ lỗi cho HLV Kiatisak, dẫn tới việc cựu danh thủ này từ chức ngay sau khi đội tuyển về nước.

Không ngộ nhận, đội tuyển Việt Nam cần kiên trì, nỗ lực để từng bước rút ngắn khoảng cách với các đối thủ đẳng cấp cao hơn

Không ngộ nhận, đội tuyển Việt Nam cần kiên trì, nỗ lực để từng bước rút ngắn khoảng cách với các đối thủ đẳng cấp cao hơn

Trước sự thất vọng của FAT cùng đại bộ phận người hâm mộ, HLV Kiatisak thẳng thắn rằng "đừng ngộ nhận" rằng bóng đá Thái Lan đã đạt đẳng cấp World Cup, cũng đừng lấy kết quả 4 điểm/8 trận của vòng loại World Cup 2002 để đòi hỏi 16 năm sau kết quả phải tốt hơn khi chênh lệch đẳng cấp với nhóm đội mạnh châu Á vẫn chưa được lấp đầy.

Đến vòng loại World Cup 2022, khi đội nhà thậm chí còn không vượt qua được vòng loại thứ hai và phải tranh vé vớt để được dự Asian Cup 2023, bóng đá Thái Lan mới thực sự ngưng "ảo tưởng sức mạnh".

Nhìn sang bóng đá Thái Lan, với hành trình 20 năm săn tìm vé dự World Cup để có cái nhìn đa chiều và công bằng hơn với thầy trò HLV Park Hang-seo ở thời điểm này.

Chúng ta vừa lần đầu tiên vào tới vòng loại thứ ba - điều mà Thái Lan đã làm được từ 20 năm trước, một thành tích rất đáng khích lệ nhưng cần tỉnh táo để không rơi vào ngộ nhận về sức mạnh hiện tại của bản thân.

Sẽ rất bình thường nếu tại vòng loại tới, thầy trò Park Hang-seo liên tiếp hứng chịu những trận thua với tỉ số đậm, như những gì Thái Lan đã trải qua năm 2002 hay 2018, bởi khoảng cách đẳng cấp không thể lấp đầy trong ngày một ngày hai.

Muốn dự World Cup phải có nhiều lần vào tới vòng loại cuối. Và ở thử thách khắc nghiệt nhưng cực kỳ quý báu này, chúng ta buộc phải học cách làm quen.

Không ngộ nhận song cũng chẳng nên bi quan, tự ti. Hãy đến vòng loại cuối World Cup với tinh thần như tuyển Việt Nam và điển hình là tiền vệ Minh Vương đã thể hiện ở trận đấu với UAE: Bị đối thủ dẫn trước 3 bàn song không nản chí, vẫn cần cù, nỗ lực từng phút để ghi những bàn thắng rút ngắn tỉ số trận đấu, rút ngắn khoảng cách với đối thủ đẳng cấp cao hơn.