Câu chuyện trở thành tỷ phú của một người đàn bà bị “hủi” trong phim “Chuyện tử tế”

ANTĐ - Những năm cuối thập niên 1980, bộ phim Chuyện tử tế thật sự là một “cơn địa chấn” trong làn sóng đổi mới. Ấn tượng nhất là hình ảnh người phụ nữ bị hủi ở Thái Bình, đêm đêm ngồi đóng hàng vạn viên gạch với giấc mơ xây cho con trai một ngôi nhà tử tế. Tìm gặp hình mẫu người phụ nữ đó ngoài đời thực, mới thấy rằng cuộc đời bà như một giấc mơ, một giấc mơ có thật.

Bà Hằng bây giờ đã 70 tuổi, sống trong một biệt thự bề thế ở thành phố Thái Bình với đầy đủ xe cộ. Tuy vậy bà vẫn giữ vài sào ruộng để cấy, hàng ngày băm bèo nuôi lợn. Tiền với bà không thiếu, bất động sản nhiều vô kể. Con trai là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phòng chống mối - khử trùng Thái Bình. Từ nhiều năm nay, bà đã dành phần lớn tài sản của mình để cưu mang những mảnh đời bất hạnh, vì trước đây hai mẹ con bà cũng có hoàn cảnh giống như họ. Ngồi nghe bà kể lại cuộc đời mình, mới thấy rằng không có gì không làm được khi con người có ý chí và nghị lực.

Tủi cực một số phận

Năm 1970, cô thôn nữ Trần Thị Hằng lấy chồng và năm sau sinh đứa con trai đầu lòng nhưng trong khi đang trú dưới hầm Yên Bệ ở Hà Tây cũ thì con trai bị chết ngạt. Không đau xót sao được khi đứa con trai duy nhất ra đi, trong khi chồng vẫn ở chiến trường. 2 năm sau khi mất con, chồng bà từ chiến trường Campuchia trở về nhưng vì bị lạc trong rừng nên bị kết tội đào ngũ. Lúc bây giờ bà đang là cán bộ của kho quân nhu nhưng không chịu được dị nghị nên bà bỏ về quê chồng ở Bắc Ninh, nhưng về địa phương người ta không chịu nhập hộ khẩu cho chị. Năm 1975 đứa con trai Tú Anh ra đời như bù lại nỗi đau xót mất con của bà. Nhưng cuộc đời bà cũng bắt đầu từ đây nổi chìm sóng gió. Không chịu được cái nghèo, chồng bà đã bỏ mẹ con bà để đi theo người đàn bà khác khi bà mang bầu 6 tháng. Nhà chồng cũng đuổi bà đi. Cùng lúc đó bà bị tiền sản giật, may được hàng xóm đưa đi bệnh viện kịp thời không thì giờ bà đã ở thế giới bên kia. Mang nỗi đau mất đứa con khi chưa kịp có mặt trên đời, trở về nhà khi người chồng công khai dẫn người đàn bà khác về sống trong nhà mình, bà đau khổ dắt theo Tú Anh về quê ngoại ở Thái Bình để nương nhờ. 

Nhưng cuộc sống thật cùng quẫn, mẹ chị không có nhà nên phải tá túc ở nhà cô con gái lớn. Bà không thể về đó được. Nhưng biết đi đâu khi hai bàn tay trắng, không nhà không cửa, con thơ dại. Bà đành ra cuối làng, nhờ người ghim cho chiếc bè bằng mấy cây chuối dựng tạm trên cái ao nhỏ. Túp lều quá bé khiến đêm bà chỉ có thể ngủ ngồi để nhường chỗ cho con trai. Lúc đó bà chỉ ao ước có một mái nhà để che mưa che nắng cho 2 mẹ con, có vất vả đến đâu chị cũng chấp nhận. Nhiều hôm 2 mẹ con phải nhịn đói, đi vay cũng không ai cho vay. Cứ như thế này thì chỉ còn nước chết. Cùng quẫn, chị gánh con ra chợ Rồng (Nam Định) lấy hàng để bán. Nhưng vốn không có, bà kể: Tôi bảo với bà chủ hàng rau là, em gửi con trai em ở đây và lấy rau đi bán, trưa bán hết em mang tiền về trả và chuộc con em. Bà chủ tin, đồng ý nhận vật thế chấp bất đắc dĩ để bà lấy rau đi bán. Chiều hết hàng bà lại mang tiền về trả và đón con về. Đường từ chợ Rồng về nhà quá xa nên có hôm về không kịp, 2 mẹ con phải ngủ dọc đường. Sợ Tú Anh bị muỗi đốt, bà phải cho con vào bao tải buộc lại, còn mình ngồi bên cạnh thức trắng đêm cho đến sáng hôm sau bị muỗi đốt chi chít vào mặt.

Ngoài việc bán rau hàng ngay, bà nhận đủ việc từ cắt cỏ thuê, xếp hàng gánh nước cho người ta, nắm than thuê… ai bảo việc gì bà cũng làm. Ngày nào cũng làm việc quần quật như vậy nhưng bà chỉ muối một hũ su hào to để ăn, còn nhường cơm cho con trai. Bà ấp ủ ao ước cố gắng tiết kiệm để cất một cái nhà cho hai mẹ con có chỗ chui ra chui vào. Rồi bà cũng gom góp đủ tiền mua được một mảnh ao.

Bị bỏ vào rọ mang lên trại phong

Muốn xây nhà đầu tiên phải có gạch. Nghĩ vậy bà tự đào đất quanh ao để đóng gạch. Cứ đêm đến, khi con trai chìm vào giấc ngủ là bà lại quần quật đóng gạch. Cho đến khi số gạch lên đến hàng nghìn thì những ngón tay của bà bỗng dưng bị hoại tử. Không tiền bạc, bà không thể vào viện. Bà nghĩ ra cách chữa bệnh rất kinh khủng là nung đỏ con dao rồi kê từng ngón vào chặt đứt chỗ hoại tử. Đau đớn khủng khiếp, bà ngất lên ngất xuống. Để cầm máu, bà trộn bồ hóng với tro bếp rồi bôi vào. Thấy bà tự dưng mất hết các ngón tay, người ta đồn đại bà bị hủi và báo lên chính quyền. Dân quân đến nhà bỏ bà vào rọ mang đến làng phong Văn Môn. Đến đây sau khi khám bác sĩ kết luận bà không bị hủi và cho về. Tuy vậy người làng vẫn không tin và cho rằng bà bị hủi thật. 2 mẹ con bà bị xa lánh, Tú Anh đi học bị bạn bè trêu chọc. Trong cơn quẫn trí, bà viết mấy dòng chữ để trong túp lều nhỏ gửi cho mẹ già: “Khi con chết đi, mẹ đừng đưa Tú Anh vào trại trẻ mồ côi, mẹ cũng đừng đưa nó sang Bắc Ninh vì nhà chồng con chẳng thương yêu gì nó đâu” rồi lẳng lặng đi ra bờ sông tự vẫn. Bà muốn kết thúc cuộc đời quá đau khổ và bất hạnh của mình, bà không thiết sống nữa. Chị chạy ào xuống sông, vừa chạy vừa khóc. Khi dòng nước dần nhấn chìm bà xuống thì bất ngờ có một bàn tay nắm tóc bà lôi lên. Bà giãy giụa: Tôi muốn chết, tôi không muốn sống nữa. Nhưng người đàn ông lôi bà từ dưới sông lên nói: Sống mới có ý nghĩa chứ chết đi thì làm được gì. Hãy về với đứa con trai, đừng nghĩ đến cái chết mà hãy nghĩ đến một tương lai tươi sáng phía trước. Nói rồi ông cho bà 1.000 đồng bảo mang về mua gạo cho con, đừng nghĩ quẩn nữa.

Nhất định phải sống

Trở về, bà vừa đi vừa khóc như một đứa trẻ. Bà quyết định phải sống, phải làm lại cuộc đời, để người ta không thể coi thường bà nữa. Bà lại tiếp tục công việc đóng gạch hàng đêm. Dù hai bàn tay bị cụt hết các ngón nhưng bà vẫn đào đất, đóng gạch. Bà đóng miệt mài hết đêm này đến đêm khác. Kéo dài chừng 6-7 năm thì được gần 20 vạn viên gạch mộc. Bà muốn xây một ngôi nhà cho con trai, sau đó có nhắm mắt xuôi tay cũng cam lòng. Nhưng nhà không thể chỉ xây bằng gạch. Bà liền đem bán gạch mộc lấy tiền mua than về nung, làm móng nhà. Khi ngôi nhà bắt đầu hình thành thì ông trời dường như muốn thử thách bà thêm một lần nữa bằng trận ốm thập tử nhất sinh. Bà nằm liệt giường, Tú Anh chạy khắp nơi cầu cứu người đưa mẹ đi viện nhưng chẳng ai thèm nhòm ngó đến vì người ta sợ bị lây hủi. Nằm mấy tháng trời rồi sức khỏe bà dần hồi phục dù chẳng có thuốc men hay bồi bổ gì. “Cuộc sống nhiều khi có những điều kỳ diệu thật, mình không lý giải nổi nhưng phải tin”, bà Hằng tâm sự. Sau mỗi lần trở về từ cõi chết, bà lại càng quý sự sống hơn, càng thấy rằng phải đứng lên để không ai có thể chà đạp nữa.

Có mấy đồng vốn nhỏ, bà mua một đôi lợn về nuôi. Vừa chăm lợn, bà vừa bốc đất ở ao lên cấy lúa. Bán đôi lợn đầu tiên, bà để dành một ít chi tiêu, còn lại mua đôi lợn khác. Xung quanh cái ao được đắp bờ cẩn thận, chỗ nông bà trồng lúa, chỗ sâu hơn trồng rau muống, còn lại bà thả cá. Bà kể: “Ở thời điểm những năm 1992-1993 trong chuồng lúc nào cũng có 100 con lợn, bà cứ quay vòng với chúng như đám con mọn”.

Cuộc sống cứ thế phất lên. Dù hai bàn tay bị cụt nhưng bà vẫn nấu cám, băm bèo, gặt lúa nhanh thoăn thoắt. Nhiều gia đình trước đây xa lánh bà vì nghi bà bị hủi thì giờ lại tới nhà bà vay thóc. 

Trở thành tỷ phú

Cùng lúc này, bà nhận tin cậu con trai Tú Anh đỗ vào Đại học Kinh tế Quốc dân, đây là món quà quý nhất đối với bà. Có vốn từ đàn lợn, bà xoay sang đi buôn. Bà buôn đất, buôn vàng. Ông trời như rủ lòng thương, những vụ buôn bán làm ăn của bà đều thành công. Để bù lại những năm tháng cơ cực và cùng quẫn, bà quyết định xây một căn biệt thự thật to. Nhiều người không tin được đó là ngôi nhà của người đàn bà mang tiếng bị hủi, bị xa lánh, phải thế chấp con để lấy hàng rau đi bán, phải tìm đến cái chết để chấm dứt sự cùng khổ. 

Hiện nay, con trai bà đã có gia đình. Với bà đó là điều hạnh phúc nhất, chứ không phải những tài sản nhà đất kia. Để không quên những tháng ngày vất vả, lam lũ, bà đi làm từ thiện. Cái ao làng năm xưa bà vẫn trồng lúa, thả cá, nuôi lợn và tự tay làm hết những công việc đó. Dù hai bàn tay đã cụt hết ngón nhưng chính đôi tay ấy đã viết nên một câu chuyện về nghị lực sống. Chia tay bà chúng tôi vẫn không thể tin rằng ẩn đằng sau một người phụ nữ chân chất, lam lũ kia lại có một sức mạnh, một nghị lực phi thường đến thế.