CATP Hà Nội mở kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

ANTD.VN - Thực hiện Kế hoạch số 35 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, CATP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch 104 triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, sẽ tăng cường công tác điều tra cơ bản tập trung vào các đối tượng, tuyến, địa bàn trọng điểm. Cụ thể là các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, kinh doanh trốn thuế lớn như các đối tượng hoạt động có tổ chức, đường dây vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, sản xuất, tàng trữ, buôn bán pháo, vật liệu nổ; đầu cơ thu gom hàng hóa tạo ra khan hiếm giả, tăng giá để trục lợi và đối tượng bảo kê cho các hoạt động này.

Các cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa kinh doanh hàng xuất nhập khẩu để gian lận thương mại, lập chi nhánh, đại diện ở các tỉnh biên giới để tập kết, vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng cấm vào nội địa.

CATP Hà Nội triển khai kế hoạch 104  đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019 trên địa bàn thành phố

Các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, bưu chính viễn thông vận chuyển hàng lậu cho các chủ đầu nậu.  Các đối tượng hoạt động trong các tổ chức, đường dây vận chuyển, buôn bán các loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất có nguồn gốc nhập lậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như: rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh mứt kẹo, bột ngọt... tại các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối.

Các đối tượng, đường dây vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại hàng hoá, thực phẩm, thuốc chữa bệnh do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quá hạn sử dụng, hàng dệt may, giày dép nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là các sản phẩm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc nhập khẩu, chưa đăng ký kiểm định chất lượng, các loại nước giải khát, các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm sau giết mổ (nội tạng, phủ tạng động vật)..., các mặt hàng công nghiệp (sắt thép xây dựng, kính xây dựng, giấy viết, phân bón...

Cùng với đó, kế hoạch cũng đề cập đến đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ bao gồm các đối tượng hoạt động có tổ chức, đường dây vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, làm giả các loại hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như: rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh mứt kẹo... tại các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối. Các đối tượng, đường dây vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại hàng hóa, thực phẩm, thuốc chữa bệnh giả và kém chất lượng, quá hạn sử dụng, hàng dệt may, giày dép, các vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là các sản phẩm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc nhập khẩu, chưa đăng ký kiểm định chất lượng, các loại nước giải khát, các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm sau giết mổ như lòng, phủ tạng..., các mặt hàng công nghiệp như sắt thép xây dựng, kính xây dựng, giấy viết, phân bón... Các đối tượng, ổ nhóm vận chuyển, buôn bán, sản xuất các loại tiền giả, giấy tờ giả, hóa đơn VAT, vé tàu, vé xe giả, tem giả...

Ngoài ra, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng xác định địa bàn, tuyến, tụ điểm cần tập trung đấu tranh gồm các chợ tập trung các mặt hàng chuyên dùng như điện tử, điện lạnh, vải, thuốc tân dược, phụ tùng ô tô, xe máy, điện máy, ga và các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT như vũ trường, quán bar trong nội thành; địa bàn ngoại thành; các cửa khẩu hải quan; các tụ điểm sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; các tuyến hàng không.