Cát tặc dưới chân cầu Thăng Long

ANTĐ - Sau khi CATP Hà Nội ra tay xử lý mạnh các tàu hút cát trái phép dọc tuyến sông Hồng, nạn cát tặc đã giảm hẳn. Tuy nhiên thời gian gần đây, các tàu hút cát trộm hoạt động trở lại, dù có dè dặt hơn trước.

Đất lở, di tích hỏng

Bắt đầu từ 22h, dưới chân cầu Thăng Long xuất hiện cả chục chiếc tàu lặng lẽ tiến sát vào bờ thuộc địa phận thôn Yên Hà (xã Hải Bối) và Võng La (xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) rồi thả vòi xuống thi nhau hút cát. Tiếng động cơ rầm rầm gây náo loạn cả một khúc sông. Anh Nguyễn Hữu Tuấn, trú tại thôn Yên Hà cho biết, nạn hút cát trộm đã diễn ra tại đây trong một thời gian khá dài.

Vào thời điểm các cơ quan chức năng truy quét cát tặc, các con tàu này đều biến mất. Người dân ở đây đã tưởng có thể sống yên ổn và không bị những “con bạch tuộc” này quấy nhiễu. Thế nhưng không hiểu sao, độ 1 tháng trở lại đây nạn cát tặc lại tái diễn. Các tàu hút cát này chỉ hoạt động vào quãng nửa đêm và đến sáng thì rút sạch, khúc sông dưới chân cầu Thăng Long lại trở nên yên bình.

Nhà anh Tuấn hiện chỉ cách mép nước sông Hồng độ 30m. Anh Tuấn bảo: “Trước đây, từ nhà tôi ra tới sông là cả một đoạn dài đất bãi. Nơi ấy tôi vẫn thường trồng rau, củ, hoa màu. Thế nhưng từ khi có nạn cát tặc, diện tích đất bãi chắn sóng đã bị lở xuống sông. Thậm chí cả những bụi tre, bụi chuối mới tháng trước vẫn còn xanh tốt nay đều biến mất cả.

Các con tàu cắm vòi xuống hút chỉ cách bờ độ hơn chục mét, tạo thành những vực nước, hàm ếch sâu hoắm. Mùa lũ như thế này chỉ cần sóng vỗ 1 ngày là bao nhiêu đất cũng trôi hết”. Không chỉ riêng nhà anh Tuấn, thôn Yên Hà hiện có khoảng 15 hộ có nhà gần mép sông cũng đều trong tình trạng tương tự.

Giáp thôn Yên Hà là chùa Bạch Sam thuộc thôn Võng La. Ngôi chùa này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2009. Sư thầy trụ trì Thích Đàm Hậu cho biết, hầu như đêm nào cũng bị tra tấn bởi tiếng ồn từ máy nổ của các con tàu hút cát. Tuy nhiên điều đó không đáng lo bằng việc sông Hồng đang ngày ngày “tịnh tiến” về phía sân nhà chùa.

“Họ hút ròng rã đêm này qua đêm khác khiến phần đất trước mặt nhà chùa cứ lở dần xuống sông. Chúng tôi cùng Phật tử đã phải bỏ tiền thuê máy xúc đắp đất, đồng thời trồng tre để chắn sóng. Nhưng với tốc độ hút của những con tàu công suất lớn này thì tất cả những cố gắng ấy đều thành công cốc. Nếu không ngăn chặn ngay nạn hút cát trộm thì chẳng mấy chốc, cả di tích lịch sử này cũng sẽ bị sụt lún, nứt hỏng” - sư thầy nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyết, một Phật tử nhà cạnh chùa Bạch Sam cũng kêu trời: “Tôi đã quan sát nhiều đêm, trong số tàu hút cát thì chiếc nhỏ nhất cũng phải 100 tấn, chiếc lớn nhất khoảng 500 tấn. Mỗi chiếc thực hiện từ 4-5 chuyến/ đêm thì đất của chúng tôi không mất mới lạ. Thôn Võng La hiện có gần 30 hộ sống ở ven sông và không hộ nào thoát khỏi tình trạng này. Cụ thể như nhà tôi đã bị mất ít nhất gần 300m2 đất bãi”.

Một vườn chuối ở khu đất bãi thôn Võng La đã bị sụt lở xuống sông vì tàu hút cát

“Bắt cóc bỏ đĩa”

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về những vấn đề người dân phản ánh, ông Nguyễn Hữu Thụ - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối cho biết, đúng là trên địa bàn xã có xảy ra tình trạng nhiều tàu hút cát trộm thường xuyên vào ven bờ khai thác gây sụt lở đất như bà con phản ánh. Sở dĩ có thể khẳng định đó là tàu hút cát trộm bởi chắc chắn khúc sông này không hề được cấp phép khai thác cát cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Kể cả nếu biện minh đó là nạo vét cũng không chấp nhận được bởi đây là khu vực chân cầu Thăng Long, hút cát có thể nguy hiểm đến trụ và móng cầu. “Chúng tôi cũng rất đau đầu trước những phản ánh của người dân. Tuy nhiên do đặc thù những hoạt động khai thác cát này diễn ra trên sông nước, địa phương không có tàu thuyền nên cũng chỉ biết gửi công văn đến các cơ quan cấp trên để có biện pháp phối hợp xử lý” - ông Nguyễn Hữu Thụ nói.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Ảnh - Hạt phó Hạt quản lý đê điều số 4 cũng cho biết: “Việc hút cát trộm tại đây không chỉ bây giờ mới xảy ra mà đã có từ trước. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến trao đổi với UBND huyện Đông Anh và các lực lượng chức năng khác để có biện pháp giải quyết triệt để, tuy nhiên hiện tượng này đang tái diễn.

Thậm chí không chỉ có 2 xã Hải Bối và Võng La mà gần đây, những con tàu hút cát trộm còn kéo  ra cả khu vực xã Mai Lâm để khai thác. Nếu tình trạng này không được xử lý thì chắc chắn sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực của dòng chảy. Việc sụt lún ven bờ tất yếu sẽ diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân”.