- Hà Nội: Đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống là đúng quy hoạch
- Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời về giá nước sạch, xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch
- Năm đầu tiên Hà Nội không còn thiếu nước sạch
Chồng chéo vùng cấp nước
TP Hà Nội đặt mục tiêu hết năm 2020, toàn bộ dân cư vùng nông thôn sẽ được sử dụng nước sạch, cũng bởi vậy, thành phố đã tăng cường xã hội hóa lĩnh vực nước sạch. Tuy nhiên hiện nay, khu vực nông thôn của Hà Nội đang xảy ra tình trạng tranh chấp “vùng phục vụ cấp nước” giữa các doanh nghiệp nước sạch gây tình trạng bất ổn và chồng lấn, ảnh hưởng môi trường đầu tư và lãng phí trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, do không có sự thống nhất về “thỏa thuận vùng cấp nước” nên nhiều doanh nghiệp nước sạch chỉ muốn đầu tư bán sản phẩm tại những khu vực dân cư đông đúc, khu đô thị, còn khu vực dân cư nông thôn thì không muốn làm.
Đường ống nước đấu nối vào KĐT An Lạc, Vân Canh, Hoài Đức của VIWACO thi công mà không xin phép cơ quan chức năng
Năm 2017, Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội (WADACO) được UBND TP Hà Nội cấp phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 14 xã và 1 thị trấn trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Cuối tháng 5/2019, Công ty này đã gửi “Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước” tới Sở Xây dựng Hà Nội để làm cơ sở cho việc thực hiện cấp nước của đơn vị. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thỏa thuận trên vẫn chưa được xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Đình Hà, Tổng Giám đốc Công ty WADOCO cho biết, theo Sở Xây dựng Hà Nội, đang có tranh chấp về vùng cấp nước trên địa bàn. Cụ thể, ở đây là tranh chấp với Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (VIWACO).
Theo phía WADACO, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có quyết định 1842 nêu rõ “vùng cấp nước của Công ty gồm 14 xã và 1 thị trấn trên địa bàn Hoài Đức”, nhưng phía WIWACO khi triển khai xây dựng tuyến ống truyền dẫn DN400 trên đường vành đai 3,5 đoạn từ đại lộ Thăng Long đến QL32 đã tranh thủ đấu nối, cung cấp nước sạch cho các KĐT trên địa bàn xã Vân Canh như KĐT An Lạc Green Symphony. Đáng nói, việc đấu nối của VIWACO không xin phép bất kỳ đơn vị nào.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Đình Linh, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức xác nhận, ngày 14/4 vừa qua, Ban QLDA đã lập biên bản ghi nhận việc thi công đấu nối không xin phép của Công ty VIWACO vào KĐT An Lạc Green Symphony trên địa bàn huyện Hoài Đức.
“Chúng tôi đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu công ty dừng mọi hoạt động thi công đấu nối vì tuyến đường ống truyền dẫn DN400 sẽ phải di dời để xử lý nền đất yếu của dự án đường vành đai 3,5”- ông Linh thông tin.
Tuy nhiên, phía Công ty VIWACO cũng có cơ sở pháp lý để chứng minh việc Công ty được UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt dự án đường ống truyền dẫn DN400 và cấp nước cho các KĐT của Vân Canh, Kim Chung, Di Trạch của huyện Hoài Đức từ năm 2015.
Bà Võ Thị Mai Anh, Giám đốc Ban Quan hệ khách hàng, Công ty VIWACO khẳng định, từ năm 2015-2016, UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội đã phê duyệt dự án đường ống DN400 cho công ty, trong đó địa bàn cấp nước có bao gồm xã Vân Canh. “Chúng tôi không vi phạm hay lấy địa bàn cấp nước của đơn vị khác”- bà Mai Anh khẳng định.
Tuy nhiên, về việc thi công đường ống đấu nối vào KĐT An Lạc trên địa bàn xã Vân Canh không xin phép, bà Mai Anh lý giải, do phía chủ đầu tư KĐT An Lạc thúc giục tiến độ nên Công ty mới vội vàng thi công mà không thông báo cho Ban QLDA của huyện Hoài Đức.
Nên sớm ký thỏa thuận vùng cấp nước
Được biết, hiện nay, nhiều công ty nước sạch đều rơi vào tình trạng không thể ký “thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước”. Điều này đã dẫn đến việc tranh chấp, chồng lấn địa bàn gây lãng phí. Thỏa thuận vùng cấp nước vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của đơn vị cấp nước. Trên một vùng cấp nước, có thể có nhiều khu vực hạ tầng khác nhau, và kể cả khi số hộ dân sử dụng nước máy còn ít nhưng doanh nghiệp buộc phải đầu tư đầy đủ hạ tầng cấp nước đến từng hộ dân.
Nhưng nhiều đơn vị cấp nước chỉ muốn cấp nước bán cho các khu đô thị còn vùng dân cư xa xôi thì không đảm nhận, gây bất bình đẳng và tạo tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư nước sạch vùng nông thôn.
Cũng theo thông tin từ bà Mai Anh, VIWACO đang cấp nước cho khoảng 500 hộ dân ở khu đô thị trên địa bàn xã Vân Canh. Khi phóng viên đề cập tại sao không thực hiện cấp nước cho các khu dân cư khác? Phải chăng vì đầu tư tốn kém trong khi số nước tiêu thụ ít? Bà Mai Anh cho rằng, không muốn xâm lấn vào địa bàn đã được giao cho Công ty WADACO.
Tại văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào ngày 20/4/2020 về việc này, đại diện WADACO kiến nghị, các công ty cấp nước cần thực hiện nghiêm theo quy định về “vùng cấp nước được phân”, tránh lấn sang vùng cấp nước của đơn vị khác mà chưa được phép để hạn chế tình trạng lãng phí cơ sở hạ tầng giữa các đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng nên sớm ký thỏa thuận vùng cấp nước cho các đơn vị, làm cơ sở cho các công ty cấp nước thực hiện nghiêm.