Cấp giấy phép vào phố cấm: Đúng quy trình, nhanh gọn và chính xác

ANTĐ - Nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ giảm tối thiểu 10% số vụ TNGT, 20% số vụ ùn tắc giao thông, thời gian qua, UBND TP Hà Nội và các ngành chức năng ráo riết thực hiện hàng loạt các biện pháp, trong đó có việc hạn chế xe tải hoạt động trong giờ cao điểm theo Quyết định 06 của UBND TP. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội sau 6 tháng triển khai Quyết định này.
Cấp giấy phép vào phố cấm: Đúng quy trình, nhanh gọn và chính xác ảnh 1
Quy trình cấp giấy phép cho các xe tải vào thành phố cấm được 
Phòng CSGT thực hiện đúng theo quyết định 06 của UBND TP Hà Nội 
(Trong ảnh: Cấp giấy phép vào phố cấm cho xe tải tại trụ sở Phòng CSGT Hà Nội)

- PV: Công tác cấp giấy phép cho xe ô tô tải vào phố cấm theo quyết định trên được đơn vị thực hiện như thế nào, thưa Đại tá? 

- Đại tá Đào Vịnh Thắng: Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 25/1/2013 của UBND TP Hà Nội nhằm điều tiết lưu lượng phương tiện, bảo đảm trật tự ATGT thông suốt, giảm ùn tắc và TNGT. Nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc vận chuyển hàng hóa, Phòng CSGT đang tổ chức cấp hai loại giấy phép (3 tháng và 3 ngày) theo quy định tại trụ sở đơn vị và các Đội CSGT số 5, 6, 8, 9, 10, 11, 12. Việc cấp phép này không thu lệ phí. Phòng CSGT đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác hỗ trợ cho người tham gia giao thông, chủ phương tiện. Cụ thể, phối hợp với Sở GTVT cắm 76 biển báo hiệu đường bộ để xác định phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện và các đoạn tuyến đường đô thị mà các phương tiện được hoạt động trong khu vực hạn chế theo Quyết định số 06. Đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi những nội dung của quyết định trên cho nhân dân nắm được, cũng như hướng dẫn người dân về trình tự, thủ tục cấp giấy phép vào phố cấm.

Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, Phòng CSGT đã chủ động chuẩn bị phòng tiếp dân đủ rộng; bổ sung bàn ghế, nước uống, giấy bút..., đồng thời bố trí đủ CBCS hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhanh gọn, đúng quy định.

- Quy trình cấp giấy phép cho phương tiện đi vào phố cấm được thực hiện ra sao?

- Theo trình tự, CBCS tiếp nhận cấp giấy phép phải xem xét kỹ các quy định đối với từng loại xe và đối chiếu hồ sơ đề nghị cấp phép với tình hình, đặc điểm các tuyến đường trong thành phố, thị xã như tuyến đường hẹp, thường xảy ra ùn tắc và TNGT, hành lang cần bảo vệ để quyết định việc cấp giấy phép hay không cấp, in giấy phép, trả giấy phép... Cũng thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT đã xử lý 3.508 trường hợp xe ô tô đi vào đường cấm (không có giấy phép vào phố cấm), thu giữ 3 giấy phép giả. Những vụ việc trên đã được đơn vị chuyển Cơ quan CSĐT CAQ Đống Đa thụ lý, điều tra làm rõ.

- Việc hạn chế xe tải trong giờ cao điểm đã đem lại hiệu quả nào, thưa Đại tá? 

- Công tác cấp phép vào phố cấm đã góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế, các sự kiện kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, hoạt động trên cũng đáp ứng được nhu cầu chính đáng của nhân dân trong việc vận chuyển hàng hóa, tham quan của khách du lịch; đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, góp phần làm chuyển biến tích cực tình hình ùn tắc, TNGT trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn Thủ đô ùn tắc giao thông chỉ xảy ra 2 vụ (giảm 10 vụ = 83,3%), gồm 1 vụ do va chạm giao thông và 1 vụ liên quan đến cháy nhà. Hiện tại thành phố còn 57 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, giảm 10 điểm so với cuối năm 2012. TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương (Xảy ra 935 vụ, làm 318 người chết, 739 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2012: Giảm 22,7% số vụ, giảm 3,3% số người chết, giảm 25% số 251 người bị thương).

- Nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề. Công tác cấp giấy phép cho xe tải vào phố cấm sẽ tiếp tục được CSGT thực hiện ra sao? 

- Với tinh thần phục vụ nhân dân cao nhất, CSBC đều nỗ lực hết mình, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, trung bình mỗi CBCS tiếp nhận cấp phép đã nỗ lực làm thêm trên gần 600 giờ (ngoài giờ hành chính) để phục vụ nhân dân. Phòng CSGT cũng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức chỉnh sửa lại phần mềm cấp phép cho xe vào phố cấm phù hợp hơn với tình hình thực tế (bổ sung bảng mã, tuyến phố…) đáp ứng đủ thông tin của trên 500 tuyến phố. Đơn vị còn đẩy mạnh tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý và thay thế ngay các trường hợp CBCS vi phạm quy trình, quy định, có biểu hiện tiêu cực khi thực thi nhiệm vụ.

Để đảm bảo ANTT, thực hiện nghiêm các quy định cũng như bảo vệ quyền lợi của mình, Phòng CSGT lưu ý các lái xe, chủ phương tiện và đại diện cá nhân, tổ chức cần trực tiếp liên hệ với CBCS làm thủ tục cấp giấy phép cho xe ô tô vào phố cấm tại đơn vị; không thông qua các đối tượng “cò mồi”, “chân gỗ”, lừa đảo. Trường hợp phát hiện các đối tượng trên, đề nghị thông báo cho các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.