Cấp bách ngăn xung đột Hamas - Israel không “rơi xuống vực thẳm”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi Liên hợp quốc cảnh báo khu vực Trung Đông đang “bên bờ vực thẳm” khi cuộc xung đột giữa Hamas - Israel có dấu hiệu leo thang nguy hiểm thành một cuộc chiến trên bộ, hàng triệu người dân Palestine ở Dải Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo do cạn kiệt điện, nước và các nguồn cung thiết yếu khác.

Hàng triệu người ở Dải Gaza đối mặt với khủng hoảng nhân đạo

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại khu vực Trung Đông, đồng thời cho biết hơn 1 triệu người dân Palestine buộc phải sơ tán khỏi miền Bắc Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng phát giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel từ ngày 7-10 vừa qua. Theo Liên hợp quốc, người dân ở Dải Gaza đang cạn kiệt điện, nước và các nguồn cung thiết yếu khác do bị Israel bao vây toàn diện từ 10 ngày qua.

Hàng triệu người dân ở dải Gaza nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo

Hàng triệu người dân ở dải Gaza nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo

Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết, các kho dự trữ thực phẩm, nước, vật tư y tế và nhiên liệu của Liên hợp quốc tại các khu vực Ai Cập, Jordan, Bờ Tây và Israel có thể được chuyển đi trong vòng vài giờ, do đó, những hàng hóa này cần được tạo điều kiện để có thể vận chuyển vào Dải Gaza một cách suôn sẻ và an toàn. Tuy nhiên, do Dải Gaza bị Israel bao vây hoàn toàn nên Liên hợp quốc kêu gọi Israel cho phép viện trợ nhân đạo và lực lượng Hamas lập tức trả tự do cho tất cả những người đang bị bắt giữ. Tổng Thư ký khẳng định, Liên hợp quốc có trách nhiệm đưa ra cả hai lời kêu gọi này bởi khu vực Trung Đông đang “bên bờ vực thẳm”.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) Philippe Lazzarini cho biết, ước tính 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà ở trong tuần đầu tiên xung đột bùng phát ở Dải Gaza và con số này dự kiến tăng cao hơn trong thời gian tới. Vị quan chức của Liên hợp quốc cũng cảnh báo Dải Gaza đang phải đối mặt với “thảm họa nhân đạo chưa từng có” vì bị phong tỏa và đánh bom.

Người đứng đầu UNRWA kêu gọi, cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo bởi các nhân viên của UNRWA ở Gaza hiện không thể viện trợ nhân đạo cho người dân. Trước đó, Israel đã yêu cầu 1,1 triệu người Palestine rời khỏi miền Bắc Gaza. Theo Liên hợp quốc, yêu cầu sơ tán của Israel đối với người dân Palestine sống ở phía Bắc Dải Gaza đã gây ra sự “tản cư ồ ạt” về phía Nam của dải đất này.

Trước nguy cơ xảy ra một thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Hamas thả các con tin. Giáo hoàng Francis cho biết, vẫn đang theo dõi diễn biến ở Israel và Dải Gaza; đồng thời nhấn mạnh rất nhiều người bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em và người già, do đó cần tôn trọng luật nhân đạo, đặc biệt là ở Dải Gaza, nơi cần bảo đảm khẩn cấp hành lang nhân đạo và giải cứu tất cả người dân.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15-10 cho biết, cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza sẽ được mở cửa trở lại nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại khu vực do lực lượng Hamas kiểm soát này. Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ cùng Liên hợp quốc, Ai Cập, Israel và các bên khác đang thúc đẩy thiết lập một cơ chế hỗ trợ nhân đạo cho những người cần thiết, song không đưa ra thời gian cụ thể mở cửa trở lại cửa khẩu Rafah

Cửa khẩu Rafa - lối đi duy nhất ra vào Dải Gaza không do Israel kiểm soát - đã bị đóng cửa kể từ ngày 10-10. Hàng trăm tấn hàng viện trợ nhân đạo đang mắc kẹt tại bán đảo Sinai ở Ai Cập trong lúc chờ thỏa thuận cho phép vận chuyển hàng an toàn đến Dải Gaza và sơ tán một số người mang hộ chiếu nước ngoài qua cửa khẩu Rafah. Israel cũng đã cắt các nguồn cung cấp nước, điện và thực phẩm cho khu vực Dải Gaza và chỉ mới nối lại nguồn cung cấp nước cho khu vực này vào ngày 15-10.

Kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức

Bên cạnh nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đang nóng lên từng ngày, đặc biệt sau khi quân đội Israel ngày 15-10 tuyên bố đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Việc Israel tuyên bố đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn theo cả “đường không, đường biển và đường bộ” vào Dải Gaza có thấy nguy cơ một cuộc chiến khốc liệt đang tăng dần, thương vong của cả hai bên có thể tăng lên và cuộc chiến sẽ kéo dài.

Giới quan sát cho rằng, Israel sắp mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza bởi nhận thấy tấn công vào vùng đất diện tích 365 km2 có khoảng 2,4 triệu người Palestine sinh sống không mang lại hiệu quả trong việc “tiêu diệt Hamas” như nước này tuyên bố. Mặc dù các vụ tấn công từ xa bằng các loại vũ khí chính xác đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng cũng như gây thương vong lớn nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn khả năng tấn công của Hamas.

Vì vậy, chính giới Israel cũng như giới quân sự nước nước này cùng chung quan điểm cho rằng cần phải thay đổi chiến thuật và giải pháp tiến vào dải đất hẹp Gaza. Giáo sư Kobi Michael, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) tại Israel, cho rằng sẽ có nhiều khả năng và kịch bản xảy ra nếu Israel tiến vào Gaza. Hiện tại, quân đội nước này đang tập trung mục tiêu vào lực lượng Hamas để xóa bỏ năng lực quân sự, thậm chí làm tan rã tổ chức này. Vị chuyên gia này cho rằng, sau khi hoàn thành các mục tiêu trên, “lựa chọn tốt nhất cho Israel và toàn bộ khu vực là đưa chính quyền Palestine nắm quyền quản lý Dải Gaza”. Tuy nhiên, đây không phải là một bước đi dễ dàng và cũng khó thực hiện trong tương lai gần.

Hiện không ai có thể đưa ra nhận định về thời gian kéo dài một cuộc chiến trên bộ của Israel vào Dải Gaza, song giới chuyên gia cùng chung nhận định rằng, trong trường hợp này, cuộc chiến xảy ra sẽ khó có thể sớm kết thúc. Một chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza trong trường hợp diễn ra, khó có thể kết thúc chỉ trong một vài tháng nếu Israel muốn đạt tới mục tiêu “xóa sổ Hamas”.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột Israel - Hamas nếu leo thang thành cuộc chiến trên bộ khốc liệt và kéo dài có thể dẫn tới sự tham gia của các bên liên quan khác. Hiện nay lực lượng Hezbollah ở Lebanon mới chỉ đang thực hiện một số cuộc tấn công cường độ thấp nhằm vào Israel và cũng đã bị phía Israel tấn công trả đũa. Dù không nhiều khả năng Hezbollah thực sự quyết định tham gia cuộc chiến giữa Israel và Hamas, nhưng cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này. Thêm nữa, Iran - quốc gia ủng hộ cả Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Lebanon - đã cảnh báo về nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Do vậy, ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza cũng như nguy cơ xung đột giữa Hamas - Israel đang là những đòi hỏi cấp bách vào lúc này ở Trung Đông. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15-10 đã thảo luận về khả năng đưa ra nghị quyết về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, khi có tới 2 dự thảo được đưa ra xem xét.

Một dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất, kêu gọi các bên đạt được lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, cần duy trì lâu dài và tuân thủ hoàn. Dự thảo của Nga kêu gọi “không cản trở” công tác hỗ trợ nhân đạo tới Dải Gaza, đồng thời lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và thù địch nhằm vào dân thường. Trong khi đó, Brazil - nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cũng đã đưa ra dự thảo nghị quyết riêng rẽ.

Cộng đồng quốc tế hiện đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn cuộc xung đột Israel - Hamas leo thang và lan rộng. Trong khi có tin Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đến Trung Đông, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến họp trực tuyến trong ngày 17-10 để thảo luận về cuộc khủng hoảng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, cần phải thúc đẩy hòa bình, tìm kiếm giải pháp ngăn chặn xung đột leo thang trong khu vực.