Thế giới nỗ lực “hạ nhiệt” cuộc xung đột Hamas - Israel

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi cuộc xung đột bùng phát bất ngờ giữa Hamas và Israel đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho cả hai phía, đặc biệt là thường dân vô tội, và có nguy cơ còn leo thang, khốc liệt hơn nữa, cộng đồng quốc tế đang chạy đua, nỗ lực nhằm giảm căng thẳng.

Tầm quan trọng của việc thiết lập một hành lang nhân đạo

Theo những công bố mới nhất, con số thương vong của hai phía trong cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas - Israel đang không ngừng gia tăng. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF, tức quân đội) ngày 11-10 công bố số người thiệt mạng trong cuộc xung đột với Hamas từ rạng sáng 7-10 đã là hơn 1.200 người, 3.000 người bị thương trong khi chưa rõ số phận của khoảng 150 người bị các tay súng Hamas bắt giữ và đưa về Dải Gaza.

Cuộc xung đột Hamas-Israel gây thương vong ngày càng nặng nề cho dân thường đòi hỏi cấp bách tìm kiếm một giải pháp hòa bình

Cuộc xung đột Hamas-Israel gây thương vong ngày càng nặng nề cho dân thường đòi hỏi cấp bách tìm kiếm một giải pháp hòa bình

IDF cho biết, đêm 10-10, quân đội nước này đã tiến hành không kích hơn 200 mục tiêu của lực lượng Hamas ở quận at-Tuffah thuộc thành phố Gaza và một cơ sở quân sự của phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), làm hơn 70 chiến binh Hamas và Jihad tại Dải Gaza thiệt mạng. Quân đội Israel cũng cho biết đã không kích lãnh thổ Syria ngay trong đêm sau khi có đạn cối từ phía này bắn về phía Israel.

Giám đốc Văn phòng truyền thông của Dải Gaza Salama Marouf thông tin, ít nhất 30 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương khi quân đội Israel tiến hành hàng trăm cuộc không kích Dải Gaza trong đêm 10, rạng sáng 11-10. Hàng chục tòa nhà, nhà máy, cửa hàng và đền thờ cũng bị tàn phá. Theo Cơ quan y tế tại Gaza, trong 4 ngày đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát rạng sáng 7-10, đã có hơn 900 người Palestine thiệt mạng và 4.500 người khác bị thương do các cuộc tấn công của Israel.

Cùng với con số thương vong tiếp tục gia tăng từ hai phía, hàng triệu người dân ở Dải Gaza đang đối mặt với thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn khi Israel tiến hành phong tỏa hoàn toàn vùng đất có hơn 2 triệu người Palestine này. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính, gần 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra giữa lực lượng Hamas và Israel và những người này đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, lương thực thực phẩm, điện… do lệnh phong tỏa toàn diện. Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas tiếp diễn, các nước khẩn trương triển khai công tác sơ tán công dân khỏi khu vực xung đột.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Israel phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, trong đó có lệnh cấm nhiên liệu và lương thực. Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cho rằng, việc Israel bao vây Dải Gaza khiến người dân ở vùng lãnh thổ này không tiếp cận được nhu yếu phẩm là hành vi bị cấm theo luật quốc tế. Người đứng đầu cơ quan Liên hợp quốc về nhân quyền nêu rõ, bất kỳ hành vi nào hạn chế người đi lại và hàng hóa lưu thông trong việc thực hiện lệnh bao vây đều phải có lý do chính đáng về quân sự, nếu không sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt tập thể.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 10-10 đã kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để ra vào Dải Gaza trong bối cảnh xung đột leo thang tại khu vực này. Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic nêu rõ, cần chấm dứt bạo lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một hành lang nhân đạo để giúp người dân tại Dải Gaza tiếp cận y tế thiết yếu.

Điều đáng nói, cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel có thể sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Việc Israel huy động 300.000 binh sĩ áp sát Dải Gaza cùng tuyên bố “xóa sổ mọi năng lực của Hamas” khiến giới chuyên gia quân sự cho rằng, Israel sắp mở cuộc tấn công trên bộ vào vùng đất này và quy mô cuộc tấn công có thể còn lớn hơn thời điểm năm 2014, khi Israel huy động 80.000 quân dự bị.

Tìm giải pháp công bằng cho cuộc xung đột

Trước những dấu hiệu leo thang xung đột Hamas - Israel, cộng đồng quốc tế đang chạy đua với những nỗ lực kéo giảm căng thẳng, tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của các nước trên thế giới ngay sau khi xung đột bùng phát đã xúc tiến ngay những động thái ngoại giao để tìm cách tháo gỡ căng thẳng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm ngày 10-10 về xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về những biện pháp nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông. Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tái khẳng định sự cần thiết phải có “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” và “nối lại đàm phán”.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hissein Brahim Taha nhằm hạ nhiệt “điểm nóng” căng thẳng mới ở khu vực. Ngoại trưởng Iran bày tỏ nước này sẵn sàng tổ chức một cuộc họp khẩn cấp Bộ trưởng của OIC để thảo luận về tình hình ở Dải Gaza và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ căng thẳng.

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 27 Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) diễn ra tại Oman đã tập trung thảo luận về tình hình Israel - Palestine nói chung và cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas, khả năng giảm leo thang xung đột và giải quyết khủng hoảng. Tại hội nghị, Hy Lạp đã đề xuất kế hoạch 5 điểm cho cuộc xung đột ở Trung Đông, bao gồm lên án bạo lực; ngay lập tức thả tất cả con tin và những người bị bắt giữ; tránh bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào các mục tiêu dân sự; đảm bảo hỗ trợ nhân đạo và tổ chức một hội nghị đặc biệt về tình hình ở Trung Đông, với sự tham gia của Liên hợp quốc, EU, Liên đoàn Arab, cùng với Israel và Chính quyền Palestine.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, trong đó đề cập tới những nỗ lực để liên lạc với nhiều bên “nhằm thúc đẩy giảm căng thẳng, đạt được sự bình tĩnh để ngăn chặn đổ máu và bảo vệ dân thường”. Trong khi đó, Thái tử Saudi Arabia đã khẳng định với Tổng thống Chính quyền Palestine rằng, đang nỗ lực để đảm bảo xung đột sẽ không lan rộng trong khu vực.

Quốc vương Abdullah II của Jordan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế leo thang căng thẳng, bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Ông đồng thời khẳng định vai trò của Liên hợp quốc trong việc kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt leo thang, cũng như tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Palestine - Israel nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong tuyên bố đưa ra ngày 9-10 đã kêu gọi chấm dứt vòng luẩn quẩn bạo lực giữa người Palestine và người Israel. Tổng Thư ký Guterres nêu rõ, tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rễ là cuộc xung đột lâu dài từ hàng chục năm trước và “chưa có hồi kết chính trị”, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt vòng luẩn quẩn này. Theo người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc, chỉ có một nền hòa bình đạt được thông qua đàm phán đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người Palestine và Israel, cùng với vấn đề an ninh của họ - như tầm nhìn lâu dài về giải pháp hai Nhà nước, phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đây - mới có thể mang lại sự ổn định lâu dài cho người dân vùng đất này và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.