Cao tốc Nội Bài- Lào Cai phải kéo giãn tiến độ vì nhà thầu ngoại khó khăn về kinh phí
Mới được 50% công việc
Khởi công vào tháng 7-2009, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245 km (giai đoạn I), với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, dự kiến thời gian thông xe vào cuối năm 2013. Đầu tháng 11-2013, Chính phủ đã có văn bản gửi các địa phương có đường cao tốc đi qua, yêu cầu giải phóng, bàn giao mặt bằng trong tháng 11-2013. Nhưng, Bộ GTVT đánh giá, ngoài yếu tố mặt bằng, thì năng lực nhà thầu ngoại đang là vấn đề cản trở tiến độ. “Năng lực của nhà thầu chính (nhà thầu nước ngoài) tại một vài gói thầu không cung cấp đủ vốn cho các nhà thầu phụ, công tác giải phóng mặt bằng còn tồn tại không ít khó khăn… đã cản trở thi công dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận định.
Tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được chia làm 8 gói thầu xây lắp (từ gói thầu A1 đến gói thầu A8). Đến nay, khối lượng thực hiện của các nhà thầu tại các gói thầu A4 và A5 rất chậm, chưa đạt 50%. Các gói thầu A2, A3, A6 cũng chỉ đạt trên 50% và có nguy cơ không đạt tiến độ tổng thể dự án.
Ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng kế hoạch đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, dự án hiện vẫn còn tồn tại một số điểm vướng mắc rải rác dọc tuyến, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công. “Các vướng mắc mặt bằng diễn ra chủ yếu do người dân cản trở, tái lấn chiếm mặt bằng thi công”. Là nhà thầu phụ thi công 9,4 km cao tốc Nội Bài -Lào Cai gói thầu A4 (được Bộ GTVT điều động tăng cường cho nhà thầu chính để tăng tiến độ - PV), ông Nguyễn Tuấn Huynh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho biết, hiện đoạn tuyến vẫn còn tồn tại 12 điểm vướng mắc về mặt bằng tại các điểm cầu đường ngang dân sinh và núi đá, trong đó có nhiều điểm người dân ngăn cản không cho thi công.
Nhà thầu chính thiếu vốn, thầu phụ năng lực yếu
Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai phần lớn do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu) gồm: tập đoàn Posco, Keangnam, Doosan. 2 gói thầu còn lại do Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) và 1 nhà thầu Việt Nam thực hiện. Đại diện VEC cho hay, các gói A1, A2, A7, A8 có thể thông xe vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, hai gói thầu A4 và A5 của nhà thầu Keangnam đang gặp rất nhiều khó khăn. “Nhà thầu chính sử dụng nhiều nhà thầu phụ không đủ năng lực, không đáp ứng được yêu cầu về tài chính cho các nhà thầu phụ thi công dự án”, ông Đặng Hoài Nam cho biết.
Đơn cử, tại gói thầu A5, chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu chính 150 tỷ đồng, song nhà thầu chính mới giải ngân cho nhà thầu phụ 60 tỷ đồng. Còn tại gói A4, chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu chính 60 tỷ đồng nhưng đơn vị này vẫn chưa giải ngân cho nhà thầu phụ. Hoặc như đảm nhiệm việc chi viện cho gói thầu A4, đến nay khối lượng công việc mà Cienco 4 đã làm được khoảng 54 tỷ đồng nhưng cũng mới chỉ nhận được hơn 9 tỷ đồng từ nhà thầu chính Keangnam. Phó Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, đơn vị đã phản ánh với nhà thầu chính, nhưng phía Keangnam trả lời, tình hình tài chính khó khăn, trong vòng 4 - 5 tháng nữa cũng chưa có kinh phí để giải ngân.
Trước sự chậm trễ của nhà thầu trong việc thực hiện dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ GTVT và VEC đã cử đoàn công tác sang Hàn Quốc làm việc với lãnh đạo cao nhất của 3 tập đoàn có các đơn vị thi công đang chậm tiến độ tại Việt Nam. “Mặc dù lãnh đạo các tập đoàn cho biết đang gặp khó khăn nhưng Bộ GTVT kiên quyết yêu cầu nhà thầu chính phải thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng như đã cam kết”, một lãnh đạo của Bộ GTVT cho biết.
Mới đây, ngày 3-11, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đi kiểm tra tiến độ và chất lượng thi công tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Phó Thủ tướng gia hạn, phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 4-2014.