Cảnh tỉnh thảm họa diệt chủng

ANTĐ - Những thảm họa diệt chủng tại Rwanda, Campuchia… luôn cảnh tỉnh nhân loại không thể bàng quan, thậm chí tiếp tay cho những kẻ đồ tể khát máu gây ra tội ác “trời không dung, đất không tha”.

Cảnh tỉnh thảm họa diệt chủng ảnh 1Một em bé người Tutsi may mắn sống sót sau một cuộc thảm sát của các tay súng Hutu

Ngày 7-4, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại hội đồng LHQ khóa 69 đã tổ chức cuộc gặp nhân Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân của nạn diệt chủng ở Rwanda (7-4-1994) với sự tham gia của đông đảo các vị đại sứ, đại diện các quốc gia thành viên. Phát biểu tại đây, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, sự kiện đau lòng xảy ra cách đây 21 năm, khiến hơn 800.000 người thiệt mạng ở Rwanda sẽ mãi mãi là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người phải luôn cảnh giác và cùng nhau hành động, ngăn chặn kịp thời để không bao giờ được lặp lại những thảm kịch tương tự.

Những ngày này cách đây tròn 21 năm tại quốc gia Trung Phi Rwanda đã bắt đầu một trong những cuộc diệt chủng đẫm máu bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Tối 6-4-1994, chuyên cơ chở Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana, một người Hutu, trên đường trở về nước sau khi ký hiệp định hòa bình tại Burundi với đại diện sắc tộc Tutsi, cộng đồng vốn tồn tại mâu thuẫn sâu sắc với cộng đồng Hutu hàng trăm năm nay tại Rwanda, đã bị trúng đạn khiến toàn bộ số người trên máy bay thiệt mạng.

Vài giờ sau cái chết của ông Habyarimana, lực lượng bảo vệ của vị Tổng thống người Hutu này đổ lỗi cho người Tutsi, đồng thời phát động chiến dịch “trừng phạt”, sát hại hàng loạt chính khách sắc tộc Tutsi. Cũng chỉ trong vòng vài giờ, lực lượng vũ trang Hutu được triển khai nhanh trên khắp đất nước Rwanda, không chỉ giết các chính trị gia mà tất cả những người sắc tộc Tutsi, không phân biệt già, trẻ, trai, gái, trẻ em hay phụ nữ.

Bị kích động bởi lực lượng bảo vệ Tổng thống Habyarimana, nhóm vũ  trang có tên Interahamwe được huy động sau đó, với lúc cao điểm lên tới 30.000 tay súng người Hutu, đã tiến hành chiến dịch thảm sát đẫm máu trên khắp đất nước Rwanda. Theo số liệu của LHQ, chỉ trong 100 ngày mà có tới 800.000 người, chủ yếu là người Tutsi thiểu số, đã bị sát hại; khoảng 95.000 trẻ em mồ côi cha mẹ; khoảng 2.000 phụ nữ nhiễm HIV/AIDS do bị hãm hiếp và số trẻ em bị mất bố hoặc mẹ do căn bệnh thế kỷ này lên tới 264.000 em vào năm 2001 và 350.000 em vào năm 2010.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày bắt đầu cuộc diệt chủng tại Rwanda, thế giới lại cảnh tỉnh với bài học đau đớn vì sao không thể ngăn cản sớm hơn cuộc diệt chủng được xem là kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử nhân loại này. Năm nay, vào dịp tròn 21 năm bắt đầu cuộc diệt chủng Rwanda, Pháp đã tiết lộ các tài liệu trong kho dữ liệu của Phủ Tổng thống Pháp liên quan đến nạn diệt chủng vào năm 1994 tại quốc gia Trung Phi này, nhằm chứng minh Paris không hề hỗ trợ cho người Hutu thảm sát hàng trăm nghìn người Tutsi. 

Từ cuộc diệt chủng Rwanda đến cuộc diệt chủng tại Campuchia… đều là vết nhơ trong lịch sử loài người. Bài học và lời cảnh tỉnh từ các vụ diệt chủng này thúc giục cộng đồng quốc tế, trước hết là LHQ, cần phải nỗ lực ngăn chặn và chống lại những tội ác nguy hiểm trong bối cảnh xung đột bạo lực vẫn ngày ngày tiếp diễn trên khắp thế giới.