Cảnh sát giao thông Thủ đô tiên phong trên “mặt trận” xây dựng Chính phủ điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cụ thể hoá chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, lực lượng CSGT Thủ đô đã chủ động thực hiện nhiệm vụ trên hai lĩnh vực, đó là xử lý vi phạm TTATGT và đăng ký, quản lý phương tiện. Sau một tháng áp dụng, có thể thấy sự hài lòng của người dân chính là thước đo hữu hiệu cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Phòng CSGT - CATP Hà Nội.

Vi phạm giao thông, ngồi tại nhà vẫn nộp phạt dễ dàng

Có mặt tại trụ sở đội CSGT số 1, Phòng CSGT - CATP Hà Nội để nhận lại giấy tờ xe sau khi đã thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính khi tham gia giao thông qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chị Lương Thị N, tạm trú tại quận Cầu Giấy cho biết: “Cũng rất ít khi mình vi phạm giao thông, nhưng những lần trước việc nộp phạt rất mất thời gian, nói chung là mệt mỏi”.

Tuy nhiên lần này, chị N đã đỡ vất vả hơn. “Giờ nhập thông tin lên phần mềm dịch vụ công trực tuyến thuận lợi thật, mình không mất thời gian để đi lại vì còn công việc bận rộn nữa, có phải lúc nào cũng thu xếp để đi giải quyết được đâu. Vì cơ quan mình cũng gần trụ sở của Đội CSGT nên mình ra nhận lại giấy tờ luôn sau khi nộp phạt online, chứ nếu ở xa mình cũng đăng ký dịch công mức độ 4 để người ta đưa về tận tay cho mình” - chị N chia sẻ thêm.

Dù chẳng ai muốn vi phạm giao thông, nhưng trong tình huống là người vi phạm, thì sẽ xuất hiện tâm lý giải quyết nhanh, trong khi đó, việc giải quyết phải theo trình tự thủ tục hành chính, gây khó khăn cho người dân, cũng như áp lực cho cán bộ làm nhiệm vụ. Nếu như người vi phạm ở gần thì đỡ tốn nhiều công đi lại, nhưng ở xa thì thực sự là một vấn đề nan giải.

Người dân hưởng nhiều lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Người dân hưởng nhiều lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Ví dụ, người dân ở ngoại tỉnh vào Hà Nội mà vi phạm giao thông, họ sẽ phải di chuyển quãng đường rất xa để đến trụ sở cơ quan công an giải quyết thủ tục hành chính. Sau đó họ lại phải ra ngân hàng, hoặc kho bạc để nộp tiền phạt, nộp xong mang biên lai quay lại trụ sở rồi phải chờ tới 7 ngày sau mới lấy được giấy tờ về. Thủ tục rườm rà, phức tạp khiến bản thân người vi phạm cũng thấy không hài lòng.

Do vậy, việc triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được xem là một giải pháp hữu ích, mang lại nhiều sự thuận tiện cho người dân cũng như việc xử lý của cơ quan chức năng. Thứ nhất là tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân. Thứ hai, là tạo sự minh bạch trong công tác xử lý vi phạm. Thứ ba là hạn chế sự tiếp xúc trong đại dịch Covid-19, hạn chế lây lan dịch bệnh. Thứ tư, đây là biện pháp tuyên truyền trực tiếp đến người dân hiệu quả nhất, có tính lan tỏa cao…

“Đại đa số người dân hiện nay đều sử dụng điện thoại thông minh có mạng Internet, nên ngồi ở bất cứ đâu họ cũng có thể khai thông tin cá nhân và đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc 4. Nếu người dân ở xa có thể đăng ký dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giấy tờ sẽ được phía bưu điện chuyển tới tận tay mà không cần phải mất thời gian, công sức đi lại. Thủ tục thì nhanh gọn, thuận tiện…” - Đại diện Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết.

Lấy sự hài lòng của nhân dân là thước đo hiệu quả

Tại hội nghị đánh giá thực hiện đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày 14-4, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội thông tin: “Thực hiện Quyết định 10695/QĐ-BCA của Bộ Công an và Kế hoạch 215/KH-C08-P1 của Cục CSGT (Bộ Công an) về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đơn vị đã ngay lập tức tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ chiến sĩ; chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để làm sao ứng dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến không bị gián đoạn, phục vụ tốt nhất cho người dân. Chúng tôi xác định, hiệu quả công tác không phải là đánh giá xem làm được bao nhiêu, làm đến đâu, mà quan trọng nhất chính là sự hài lòng của người dân…”.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội

Với mục tiêu lấy lợi ích nhân dân làm đầu, Phòng CSGT Thủ đô đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo hình, báo điện tử, báo in và các trang mạng xã hội, để làm sao người dân nắm được chủ trương, đồng thời cùng với lực lượng CSGT Thủ đô nói riêng và các đơn vị hành chính nói chung làm tốt hơn nữa chủ trương của Chính phủ, góp phần thành công vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Kết quả cho thấy, sau hơn 1 tháng triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, CSGT Hà Nội đã giải quyết cho 1.387 trường hợp thực hiện dịch vụ công mức độ 3 và 105 trường hợp sử dụng dịch vụ công mức độ 4. Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức đăng ký xe ô tô trực tuyến mới cho 1.095 trường hợp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Dù con số chiếm tỷ lệ chưa cao, nhưng điều này đã cho thấy sự thay đổi dần về tư duy, nhận thức của người dân trong thời đại số.

Bên cạnh thuận lợi thì còn có những khó khăn, nhưng lực lượng CSGT Thủ đô với quyết tâm là đơn vị “xông pha” trên “mặt trận” chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức; nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế để khắc vụ dù khách quan hay chủ quan một cách sớm nhất, vừa góp phần vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính, vừa phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn.