Cảnh giác với thuốc lọc nước rởm

(ANTĐ) - Một tháng trở lại đây, trên địa bàn khu dân cư Xóm Mới và Thôn Cầu, thuộc xã Thuỵ Phương, khu dân cư Xuân Lộc, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, xuất hiện một nhóm người thường xuyên vào tận nhà dân, lấy mẫu nước giếng khoan rồi “phán” rằng nước ở đây đang bị ô nhiễm nặng và không quên kèm theo “show” quảng cáo về một loại thuốc không rõ xuất xứ có tên gọi: “Chất keo tụ làm trong nước PCAN-95”.

Cảnh giác với thuốc lọc nước rởm

(ANTĐ) - Một tháng trở lại đây, trên địa bàn khu dân cư Xóm Mới và Thôn Cầu, thuộc xã Thuỵ Phương, khu dân cư Xuân Lộc, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, xuất hiện một nhóm người thường xuyên vào tận nhà dân, lấy mẫu nước giếng khoan rồi “phán” rằng nước ở đây đang bị ô nhiễm nặng và không quên kèm theo “show” quảng cáo về một loại thuốc không rõ xuất xứ có tên gọi: “Chất keo tụ làm trong nước PCAN-95”.

Những túi thuốc lọc nước dởm không rõ xuất xứ.
Những túi thuốc lọc nước dởm không rõ xuất xứ.

Chất keo tụ PACN-95 khi hoà tan vào trong nước sẽ tạo màng hạt keo, liên kết với cặn bẩn thành các bông cặn lớn và tự lắng xuống với tốc độ lắng cặn nhanh. Nhờ tính năng trên mà PACN-95 được khuyến khích sử dụng không chỉ trong việc xử lý nước thải mà còn cho cả những gia đình đang khai thác nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan.

Nhóm cán bộ của Liên hiệp khoa học...!?

Theo phản ánh của người dân sống trên địa bàn Xóm Mới và Thôn Cầu, trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua, một nhóm khoảng hai, ba người cả nam và nữ xuất hiện, tự xưng là cán bộ của Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ hoá học. Khác với những chiêu thức lừa đảo khác, nhóm người này đã đến “xin phép” được đến từng nhà ngỏ ý muốn lấy mẫu nước để kiểm tra và xây bể lọc nước cho nhân dân. Cứ đinh ninh đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực đối với người dân nên chính quyền xã đã không ngần ngại đưa họp đến từng nhà trong thôn xóm để lấy mẫu nước.

Ông Cao Văn Bách, trú tại khu Xóm Mới kể lại, sau khi lấy và thử vài ba mẫu nước từ giếng khoan của các hộ sống trong thôn, họ yêu cầu có một cuộc họp đại diện giữa các hộ gia đình và trong cuộc họp ấy, họ đưa ra kết luận nguồn nước tại đây đều bị nhiễm bẩn, chứa nhiều chất sắt và chua nặng, nếu tiếp tục sử dụng trực tiếp mà không có biện pháp lọc nước nào sẽ không đảm bảo sức khoẻ, gây các bệnh ngoài da, hô hấp và đau mắt hột....

Ông Bách còn cho biết thêm, họ còn nói nếu sử dụng nguồn nước này lâu dài sẽ dẫn đến căn bệnh ung thư và để hoàn thành vụ “thuyết trình” và đưa ra một số dẫn chứng từ những thôn, xóm đang bị bệnh ung thư hoành hành do nguồn nước giếng khoan.

Do đánh  trúng tâm lý đang hoang mang, lo lắng cho sức khoẻ của người dân, họ liền bảo sẽ kêu gọi viện trợ từ ngân sách nhà nước (?!) để xây dựng những bể lọc nước sạch, nhưng trước mắt, trong thời gian chờ đợi, họ đưa ra giới thiệu và “khuyến khích” người dân mua loại thuốc lọc nước “Chất keo tụ làm trong nước PACN-95 do Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ hoá học, địa chỉ 56 Đội Cấn sản xuất”.

Bà Vũ Thị Duyên, trú tại khu Thôn Cầu phản ánh, khi thấy người dân vẫn còn đang phân vân, lưỡng lự, một trong số nhóm người đó đã tuyên truyền nghệ thuật hơn như “Sản phẩm “Chất keo tụ làm trong nước PACN-95” của chúng tôi do những nhà khoa học đầu ngành tham gia nghiên cứu và sản xuất. Bà con hãy tin và dùng với sản phẩm của chúng tôi để làm cho nguồn nước ngày một sạch và trong hơn”. Họ còn “khuyên” người dân không nên tìm mua những loại thuốc lọc nước đang được bán ngoài thị trường vì không có độ tin cậy (?!). Thậm chí, họ còn làm thí nghiệm ngay tại chỗ cho bà con xem. Những lời giới thiệu như rót mật vào tai đã khiến hy vọng từ nay gia đình mình sẽ có một nguồn nước sạch hơn để dùng của người dân lớn hơn bao giờ hết, vì thế mà mỗi gia đình đã mua đến cả chục gói, mỗi gói giá 20 nghìn đồng. So với giá thị trường thì giá của gói thuốc dởm này rẻ hơn đến một nửa.

500 nghìn mua nước... mỳ chính!

Anh Ngô Văn Toàn bức xúc, gia đình tôi vì tin tưởng mà đã bỏ tiền ra mua đến 500 nghìn tiền thuốc lọc nước này, đến khi mang về cho vào bể nước dùng mới thấy có mùi rất lạ, vị nước lờ lợ như cho mỳ chính.

Khi sang hỏi các gia đình khác xem nước có bị mùi lạ như thế không, anh Toàn cũng được câu trả lời tương tự. Lúc đầu ai cung nghĩ chắc là mùi thuốc như vậy nhưng khi thấy cặn bẩn vẫn “lù lù” trong chậu nước thì ai cũng biết rằng mình đã bị lừa. Đến lúc này mọi người mới xúm lại, cùng nhau xem xuất xứ trên bao bì của gói thuốc, gọi điện đến số điện thoại 04-7331183 được in trên bao bì thì mới biết số điện thoại này không tồn tại. Tìm hiểu thêm thì cũng biết địa chỉ của Liên Hiệp Khoa học sản xuất công nghệ hoá học không phải ở 56 Đội Cấn như in trên bao bì mà trụ sử chính là ở Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên, 18 Hoàng Quốc Việt.

Theo ý kiến của người dân, việc đến từng gia đình để hướng dẫn làm bể và thử các mẫu nước rồi bán thuốc là một việc làm thiết thực. Nhưng chúng đã lợi dụng lòng tin này của chính quyền và nhân dân để lừa đảo và liếm lời bất chính.

Do đánh trúng tâm lý muốn có nguồn nước sạch để dùng và lợi dụng tâm lý cả tin của người dân nên chúng tiếp tục hành nghề và kiếm lời hàng trăn nghìn đồng từ những gói thuốc lọc nước dởm này. Người dân thì mất cả núi tiền, trong khi loại thuốc giả này lại chưa được kiểm định nên hậu quả chưa thể lường hết được.

Thiết nghĩ, chính quyền và người dân địa phương cần nâng cao cảnh giác, đừng vì giá rẻ mà mua phải thuốc lọc nước  dởm của bọn lừa đảo “tinh vi” này.

Hồng Trang