Cảnh giác với bẫy tín dụng đen (2): Khi con nợ cùng đường

ANTD.VN - Đã có nhiều bài học liên quan tới việc vay nợ các đối tượng xã hội khiến người đi vay không những rơi vào cảnh trốn chui trốn lủi mà người nhà cũng lao đao vì phải gánh những khoản nợ lớn. Không chỉ lên án kẻ cho vay nặng lãi, mà lỗi cũng do cả những người đi vay bởi bản thân họ tự biến mình thành nạn nhân.

Những lời mời chào cho vay với thủ tục đơn giản xuất hiện khắp các gốc cây, cột điện

Đe dọa bủa vây

Hầu hết những người tìm tới các dịch vụ “cho vay ưu đãi” mà văn phòng làm việc thường đóng tại  các hiệu cầm đồ đều là những người có trình độ hiểu biết hạn chế như học sinh, sinh viên, tiểu thương hoặc công nhân lao động. Một số khác là những người máu mê cờ bạc và mắc các khoản nợ bị chủ đề, chủ bóng thúc ép.

Khi đã vướng vào vay nợ kiểu này thì họ đã ở cảnh cùng quẫn và nhắm mắt vay bừa, còn hậu quả ra sao thì… mai tính. Tuy nhiên, hệ lụy của nó lại không chỉ dừng lại ở các con nợ mà ngay cả người thân của họ cũng đau đầu không kém. 

Anh Nguyễn Minh Trung, chủ một quán bánh mỳ Thổ Nhĩ Kỳ ở phố Hàng Bạc (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) có người thân cũng từng mang nợ kiểu tín dụng đen. Do không đòi được con nợ, các chủ nợ quay ra đe dọa người thân của họ bằng nhiều chiêu thức khác nhau.

Anh Trung cho biết: “Gần Tết tôi liên tục bị một số đối tượng lạ mặt đến tận nhà quấy phá, đòi tiền mặc dù tôi không hề quen biết hay vay tiền của họ. Trước đây, đã một vài lần tôi đứng ra trả nợ hộ người nhà và yêu cầu chủ nợ không tiếp tục cho vay nữa. Nhưng chính họ sau đó lại tiếp tục “bơm” tiền cho người nhà tôi để lấy lãi cắt cổ. Đến khi thấy con nợ cùng đường thì chúng lại quay ra gây áp lực với gia đình tôi để đòi tiền”.

Chiêu trò thường được các đối tượng sử dụng  là rình ném chất bẩn nhằm tạo áp lực khiến cho người thân con nợ không thể làm ăn được. “Tôi buộc phải lắp camera an ninh trước cửa để ghi lại hình ảnh những kẻ đó để nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, xử lý” - anh Trung nói.

Thực chất, các loại hình cho vay như trên là hình thức cho vay nặng lãi trá hình. Theo quy định của ngân hàng thì lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Với kiểu vay nợ của tín dụng đen như hiện nay nếu chiểu theo Luật Dân sự thì kể cả có hợp đồng hay thỏa thuận bằng giấy tờ đi chăng nữa, riêng phần lãi suất cũng sẽ bị coi là vô hiệu.

Đánh mạnh vào ổ nhóm cho vay nặng lãi

Để đấu tranh với loại tội phạm chuyên cho vay nặng lãi, vừa qua Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý các cửa hàng cầm đồ và kinh doanh tài chính. Thiếu tá Dương Minh Tùng - Đội trưởng Đội đặc nhiệm cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố hoạt động tín dụng đen mặc dù không gây ra nhiều vụ gây bức xúc trong dư luận nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp. 

Việc hình thành nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ, tín dụng đã dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn trong kinh doanh, kéo theo đó là tranh chấp địa bàn dẫn đến các hành vi gây rối TTCC, cố ý gây thương tích... Thậm chí đã xuất hiện tình trạng các đối tượng người Hà Nội liên kết với các đối tượng lưu manh ở những địa bàn giáp ranh khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát  chúng mang theo hung khí để gây thanh thế và sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực khi không giải quyết được mâu thuẫn.

Các đối tượng cho vay tín dụng thường đưa ra cách thức, thủ tục vay tương đối dễ dàng để thu hút người vay, sau đó cử đàn em đi thu họ, rải họ, cho vay và tìm hiểu, nắm bắt thông tin về điều kiện, khả năng trả nợ của con nợ. Với người vay có tài sản thế chấp, các đối tượng thường chuyển hóa việc vay nợ bằng việc yêu cầu viết giấy mua bán, chuyển nhượng tài sản... sang tên người khác với mục đích chiếm đoạt. Nhiều nạn nhân không có khả năng thanh toán  thì sẽ bị chiếm đoạt tài sản thế chấp hoặc bị đe dọa, uy hiếp. 

Để ngăn chặn tình trạng này, Phòng CSHS đã triển khai Kế hoạch 231 đánh mạnh vào các ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cầm đồ, rải họ, các đối tượng tổ chức cho vay tín dụng không phép. Đến nay, các đơn vị đã khởi tố 39 vụ án, bắt 109 đối tượng, trong đó triệt phá 6 ổ nhóm có tổ chức bắt 27 đối tượng, 21 ổ nhóm hình sự bắt 70 đối tượng; 12 cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực cầm đồ, kinh doanh tài chính bị bắt giữ. Các đối tượng bị bắt giữ là chủ các cơ sở đã bị thu hồi giấy phép hoặc không phép.

Đối với các cơ sở có phép nhưng có biểu hiện phức tạp, CATP Hà Nội đã giao cho các đơn vị đã tổ chức quản lý và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý là phải tích cực phối hợp với cơ quan công an trong việc tố giác tội phạm và tránh giao dịch với những đối tượng này.