Cảnh giác với bẫy tín dụng đen (1): Ngậm đắng nuốt cay vì… tín dụng đen

ANTD.VN - Nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của những người cần vay nóng một số tiền hoặc gần đến ngày phải đáo hạn các khoản nợ, hàng loạt các loại hình tín dụng đen đã đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Với những hình thức “ưu đãi” như: Không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, chỉ với 1 chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu, đây chính là những chiếc bẫy giăng sẵn chờ đợi những nạn nhân túng thiếu và… liều.

Những lời mời chào cho vay với thủ tục đơn giản xuất hiện khắp các gốc cây, cột điện

Lãi mẹ đẻ lãi con

Ra đường có thể thấy nhan nhản tại các gốc cây, cột điện, bờ tường, cổng ký túc xá sinh viên hay thậm chí ngay cạnh các máy rút tiền tự động ATM những tờ rơi được quảng cáo vô cùng hấp dẫn về hạn mức cho vay, thời gian giải ngân hoặc tỷ lệ lãi suất. Tuy nhiên trên các tờ rơi này, phần giới thiệu về tổ chức cho vay lại rất lập lờ.

Đại đa số chỉ giới thiệu là: Công ty tài chính uy tín; Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; Ngân hàng quốc tế; hoặc Tổ chức tín dụng phi chính phủ, thậm chí cũng chẳng cần giới thiệu đơn vị cho vay mà chỉ cần kèm theo đó số điện thoại để liên lạc. Ai có nhu cầu thì bấm điện thoại là ngay lập tức sẽ được hướng dẫn các thủ tục cho vay. Dĩ nhiên là hầu hết người vay sau khi nhận tiền đều rơi vào cảnh ngậm đắng nuốt cay.

Anh Nguyễn Hoài Sơn, sinh viên trường Đại học Thủy lợi là người đã từng tìm đến Công ty tài chính EB để mượn khoản tiền 50 triệu đồng. Anh Sơn kể: “Em vừa đi học vừa hùn vốn với người bạn mở cửa hàng bán điện thoại di động, nhưng do gặp khó khăn nên cả hai cần gấp một khoản tiền lớn. Thấy tờ áp phích dán ở cổng trường mời cho vay với lãi suất chỉ “từ 3k đến 5k”, chúng em gọi điện liên lạc thì được hướng dẫn đến một địa chỉ trên đường Láng, quận Đống Đa. Tới nơi, em chẳng thấy Công ty tài chính EB nào mà đó chỉ là một  hiệu cầm đồ. Chủ hiệu tên Hưng cho biết, lãi suất “3k đến 5k” (3.000 đồng đến 5.000 đồng) là từ… năm ngoái. Bây giờ mọi thứ leo thang, người vay đông nên công ty cũng khan vốn, do đó lãi có tăng nhẹ lên khoảng 5.000 đến 7.000 đồng/ triệu/ ngày, nhưng giá đó cũng phải có người quen bảo lãnh. Nếu càng vay nhiều thì công ty sẽ tính cho lãi suất ưu đãi hơn. Vì quá bí, em đành gật đầu. Chủ hiệu cầm đồ yêu cầu đưa CMND, thẻ sinh viên và hẹn sáng hôm sau sẽ giao đủ cho chúng em 50 triệu đồng”.

Sau này, Sơn mới biết chủ  hiệu cầm đồ không đưa tiền ngay mà hẹn hôm sau là bởi anh ta cần thời gian để cử đệ tử đi tìm hiểu xem có đúng Sơn học tại trường ĐH Thủy lợi và có cửa hàng điện thoại thật không. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại. Với lãi suất 7.000 đồng/ triệu/ ngày thì mỗi ngày Sơn phải trả 350.000 đồng, một tháng là 10,5 triệu đồng. Cứ với mức lãi suất đó thì sau nửa năm số tiền lãi sẽ là hơn 60 triệu đồng, cao hơn cả số tiền gốc.

“Sau đúng 1 tháng chúng em tới  hiệu cầm đồ trả 10,5 triệu đồng tiền lãi thì chủ cho vay trả lời rất tưng tửng rằng: “Giá 7k/ triệu/ ngày là giá ưu đãi, do đó các  chú phải đóng lãi theo ngày chứ không phải theo tháng. Vì để dồn lại cuối tháng mới trả nên số tiền lãi hàng tháng không còn là 10,5 triệu đồng nữa mà đã tăng thêm”. Như thế có nghĩa là sau mỗi ngày nếu bọn em không trả lãi thì số tiền 350.000 đồng sẽ bị cộng vào gốc và tiếp tục bị tính lãi theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con” - Sơn  bức xúc nói. Khiếp sợ với kiểu làm ăn này nên dù đang rất khó khăn, Sơn và bạn bàn nhau bán hết xe máy và vay người thân để nhanh chóng thoát nợ với loại “tín dụng ưu đãi” này.

“Bốc họ” - đầu tư nhỏ, lãi suất lớn

Hầu hết những đối tượng đứng ra tổ chức hoạt động kinh doanh tín dụng đều là những kẻ có máu mặt trong giới “dân xã hội”. Nguyễn Văn K - chủ một hiệu cầm đồ trên phố Đặng Dung, quận Ba Đình cũng đã từng có nhiều bài học xương máu khi bị kẻ đi vay… bùng nợ. K từng đi tù “3 tăng” nên gã thừa đủ kinh nghiệm để đối phó và xử lý những kẻ chây ì không chịu trả tiền khi vay của gã. Tuy nhiên K bảo, đôi khi “ông vua cũng thua thằng Chí”, khi con nợ đã cùng đường không có khả năng thanh toán và bỏ trốn thì việc bị mất trắng số tiền là rất cao.

Do đó, hiện nay cửa hàng cầm đồ của K chỉ cho một vài trường hợp vay số tiền lớn với điều kiện phải có tài sản thế chấp như xe ô tô hoặc giấy tờ nhà. Còn lại thì ưu tiên cho những đối tượng vay theo kiểu cò con dưới dạng “bốc bát họ” ở mức 5-10 triệu đồng. Cho vay kiểu này tuy số tiền nhỏ, nhưng lợi nhuận cũng tương đương bởi khách hàng rất đông. Mặt khác, nếu có rủi ro thì thiệt hại cũng không đáng kể. Và điều cơ bản nhất là với số tiền vay ít thì con nợ cũng có thể trả được chứ không… “mất tích”.

Theo K, kinh doanh tín dụng theo kiểu bốc họ hiện nay rất phổ biến. Cụ thể, thay vì cho một khách vay 100 triệu đồng thì chia ra làm 10 bát họ, mỗi bát 10 triệu đồng. Khi con nợ bốc 1 bát, chủ nợ sẽ cắt ngay khoảng 2 triệu đồng tiền lãi, nghĩa là con nợ thực tế chỉ được cầm về 8 triệu đồng và phải đóng mỗi ngày 200.000 đồng trong 50 ngày. Như vậy với 10 bát họ thì K đã có ngay trong tay 20 triệu đồng (tương đương 2 bát họ mới).

Số tiền mới cắt lãi ấy, K lại cho những kẻ khác vay tiếp và lại cắt lãi ngay sau khi giao tiền. Cứ bát nọ nối bát kia. Số khách vay của K lên tới cả trăm người và K đều thu tiền lãi mỗi ngày. Có một điều luật bất thành văn đối với con nợ khi “bốc họ”, đó là nếu hàng ngày vì lý do nào đó không kịp đóng tiền thì con nợ sẽ phải chấp nhận mức phạt gấp đôi của ngày chậm nộp đó.

Dĩ nhiên, để có một lượng khách ổn định, đàn em của K ngoài nhiệm vụ đi thu họ hàng ngày còn có thêm một việc khác là dán những tờ bướm khắp các gốc  cây, cột điện để chào mời. “Cho vay số tiền nhiều hay ít không quan trọng, miễn tỷ lệ lợi nhuận không giảm là được. “Ếch” to hay “ếch” nhỏ thì hàng tháng tôi vẫn thu chừng ấy tiền lãi là ok” - K nói.

(Còn tiếp)