Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc chủ trương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị lại luôn lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, kích động chống phá.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển là nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt của Đảng

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển là nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt của Đảng

“Thuyết âm mưu” nhuốm màu kích động của các thế lực chống đối

Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động, như thường lệ, lại tung lên những thông tin xuyên tạc vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Cố tình gieo rắc sự hoài nghi với dư luận, các đối tượng chống đối tung ra luận điệu vu khống trắng trợn rằng Đảng, Nhà nước không quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Một số trang mạng xã hội hay các diễn đàn quy tập nhiều phần tử bất mãn rêu rao rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng việc tổ chức Đại hội Đảng hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Nếu không thận trọng, cảnh giác, rất dễ sa vào “ma trận” những “thuyết âm mưu” nhuốm màu kích động của các thế lực này. Dưới ngòi bút bịa đặt của chúng, nhiều quan điểm, đường lối, chủ trương đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc bị xuyên tạc. Chúng hết bịa ra rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam quá nhu nhược, hèn yếu không có những động thái kiên quyết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo; lại dựng lên chuyện một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước… “im lặng”. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng cố tình tô vẽ, tung tin, cáo buộc trắng trợn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thỏa hiệp với nước ngoài; lu loa Chính phủ Việt Nam “hèn nhát”, “dâng biển cho giặc”... Từ đó, chúng kích động, kêu gọi người dân “xuống đường” thể hiện lòng yêu nước, gây mất an ninh, trật tự xã hội và kiếm cớ để tiếp tục chống phá.

Liên quan đến chính sách “bốn không” nêu trong Sách trắng Quốc phòng 2019 “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, các thế lực chống đối cho rằng chủ trương này đi ngược lại xu thế của thời đại, là “đường lối sai lầm, tự dâng non sông cho nước khác, tự cô lập mình, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn trong bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, chúng đưa ra yêu sách, đòi hỏi phi lý rằng Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập và tham gia liên minh quân sự với nước ngoài, tiến đến hợp tác toàn diện, trở thành đồng minh của các nước để chống lại hành động xâm phạm chủ quyền từ bên ngoài.

Có thể khẳng định đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn, đổi trắng thay đen những nỗ lực và quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Đảng và Nhà nước ta. Nó nằm trong âm mưu chống phá Đảng, chống phá Nhà nước của các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị nhằm gây xáo trộn cuộc sống ổn định, hòa bình hiện nay của nhân dân Việt Nam.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc

Thực tế hoàn toàn không như những gì mà các thế lực chống đối dựng lên. Trước hết phải thấy rằng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Với mỗi người dân Việt Nam, Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Làm sao có thể có chuyện Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhân nhượng, thỏa hiệp với các hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, trực tiếp là lực lượng vũ trang, chưa bao giờ chủ quan, lơ là trong bảo vệ Tổ quốc, nhất là trên Biển Đông. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biên giới, trên biển như Biên phòng, Công an, Hải quan, Cảnh sát biển, Kiểm ngư đã tích cực, chủ động tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trên biên giới và trong các vùng biển của Việt Nam

Ngày nay, trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội, nhiều quốc gia đang hướng ra biển để tìm kiếm, khai thác các nguồn tài nguyên, bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm. Với Việt Nam, biển và hải đảo cũng ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Chính vì thế, ngay từ tháng 6-1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nghị quyết cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phù hợp với các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Cùng với việc ban hành Luật Biển, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Biên giới quốc gia (năm 2003); Luật Hàng hải (năm 2015); Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015)…

Trong bối cảnh những năm gần đây tình hình trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán với chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo là phải kiên quyết, kiên trì với những đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo; kiên quyết không bị kích động, xúi giục gây xung đột vũ trang, chiến tranh; giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực, nhất là UNCLOS; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC) để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển.

Những quan điểm, chủ trương, đường lối, đối sách của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giải quyết các vấn đề liên quan là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Mỗi người chúng ta cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, kích động để không sa vào “ma trận” những mưu mô của các phần tử xấu và thế lực thù địch.