Cảnh giác không thừa

ANTĐ - Thời gian gần đây, tại địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận xuất hiện nhiều vụ lừa đảo khá tinh vi. Đặc trưng của những vụ việc này là các đối tượng phạm tội đã dàn dựng kịch bản rất kỹ nên không ít người dù đã cảnh giác nhưng vẫn sập bẫy. 

Chiêu lừa tinh vi

Cần cảnh giác với chiêu lừa đổi tiền

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, anh Vũ Văn B - chủ một cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm trên quận Cầu Giấy bức xúc: “Cách đây 3 tháng tôi mở một cửa hàng bán lẻ văn phòng phẩm ở mặt phố để thuận tiện cho việc kinh doanh và giao dịch. Một hôm, có hai người một nam, một nữ khoảng 30-40 tuổi đến cửa hàng của tôi, giới thiệu là có bán các mặt hàng như phong bì, hồ sơ xin việc. Tôi nói chưa có nhu cầu và lấy số điện thoại khi nào cần sẽ gọi. Trước khi ra khỏi cửa hàng, người phụ nữ còn dặn thêm: “Chị bán cả hợp đồng lao động, giá mềm”.

Khoảng 1 tuần sau, có một thanh niên khoảng 35 tuổi, đến cửa hàng xưng là nhân viên phòng nhân sự của một công ty lớn. Anh ta nói muốn mua khoảng 30 bộ hồ sơ xin việc. Thanh toán xong, anh ta hỏi tiếp: “Ở đây có bán hợp đồng lao động không, tôi muốn mua khoảng 1.000 tờ”. Nghe anh ta nói vậy, tôi nghĩ ngay đến người phụ nữ tiếp thị hôm trước nên liền gọi cho chị ta. Người phụ nữ này báo giá là 4.600 đồng/tờ, bán lẻ thì giá là 6.000 đồng/tờ. Người mua hàng đã trả giá là 5.400 đồng/tờ. Sau khi thỏa thuận xong, anh ta đặt cọc 500.000 đồng rồi hẹn lát nữa quay lại. Sau khi người này đi khỏi, thì khoảng 30 phút sau, người phụ nữ đến mang theo 2.000 tờ hợp đồng lao động. Tôi thấy lãi nên đã đồng ý lấy hết và đưa cho chị ta tổng cộng là 9.200.000 đồng. Sau đó, tôi gọi điện cho người đã đặt hàng thì thấy tắt máy. Khi lên mạng, tôi mới biết là giá của hợp đồng lao động chỉ có 500 đồng/tờ”. 

“Gia đình tôi có một cửa hàng thu mua phế liệu tại khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội. Vào buổi sáng đầu năm 2012, có 2 thanh niên mặc quần áo công nhân mang sắt đến bán. Sau khi thanh toán 1,2 triệu đồng, một trong hai thanh niên đã xin một cốc nước, vừa uống anh ta vừa quan sát cửa hàng. Khi nhìn thấy mấy bao hợp chất vi sinh dùng để đổ vào bể phốt (mấy bao này do một thanh niên tự nhận là ở công ty hóa chất đến gửi bán và người nhận sẽ được hưởng 50% nếu bán được sản phẩm), anh ta tỏ vẻ mừng rỡ: “May quá, tòa nhà bên cháu đang xây rất cần chất vi sinh này để đổ vào bể phốt với số lượng lớn”. Sau đó, anh ta đề nghị tôi cung cấp hàng với tổng giá trị khoảng 10 triệu đồng, hẹn chiều đến lấy. Để làm tin, 2 thanh niên này đã để lại số tiền 1,2 triệu đồng vừa bán sắt và số điện thoại liên hệ. Khi họ vừa đi khỏi, tôi vội vã gọi cho người ở công ty cung cấp hợp chất vi sinh đề nghị mua hàng giá trị 10 triệu đồng và mừng thầm vì nghĩ rằng mình sẽ được hưởng 5 triệu đồng. 20 phút sau một ô tô chở các bao hợp chất vi sinh đến tập kết tại cửa hàng. Hàng và tiền được trao nhanh chóng. Tuy vậy, khi tôi gọi cho 2 thanh niên bán sắt đến để giao hàng thì máy báo “thuê bao không liên lạc được”. Tìm hiểu tôi mới biết, các bao hợp chất vi sinh tôi đã nhận là hàng kém chất lượng, cho không cũng chẳng ai lấy” - Ông Đặng Hùng T ở huyện Thanh Trì, Hà Nội kể lại.

Lừa mua hàng, đổi tiền

Chị Vũ Thanh H ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng nhớ lại: “Tôi kinh doanh mỹ phẩm. Hôm đó vào sáng sớm khi tôi vừa mở hàng thì có một người đàn ông đi xe ôm đến hỏi mua một sản phẩm chỉ có giá vài chục nghìn nhưng lại đưa cho tôi tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Do chưa có khách mua hàng nên tôi phải lấy tiền ở ngăn tủ ra để trả tiền thừa. Khi tôi đang đếm tiền để trả thì người đàn ông này lại gần giật lấy túi tiền khoảng 10 triệu đồng của tôi bảo rằng “không lấy tiền cũ” rồi chỉ vào những tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng. Tôi lấy lại túi và trả tiền thừa cho ông ta. Tuy vậy, một lúc sau khi tôi kiểm lại tiền trong túi thì đã thấy thiếu 3 triệu đồng”.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra một số vụ người dân bị khách nước ngoài lừa đảo bằng chiêu đổi tiền. Số tiền bị lừa trong mỗi vụ thường lên đến tới hàng chục triệu đồng... Thủ phạm là những đối tượng người nước ngoài, vào Việt Nam theo con đường du lịch. Cách đây không lâu, anh Trần Văn D (SN 1965, ở Phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng khi đang giao hàng cho khách tại quận Long Biên thì có 2 người nước ngoài đi xe ô tô dừng lại đến hỏi chuyện về giá cả, cách sinh hoạt tại Việt Nam, việc quy đổi tiền USD sang tiền VNĐ. Với vốn tiếng Anh khá, anh D đã nhiệt tình tiếp chuyện 2 vị du khách. Khi hai bên trở nên gần gũi, anh D còn lấy túi tiền hàng trên xe của mình ra để giải thích, minh họa. Người nước ngoài cầm tiền Việt Nam, khen đẹp và đếm thử, sau đó trả lại. Trước khi rời đi, họ còn lịch sự rút tiền ra tặng anh D và người đi cùng mỗi người 1 USD. Khi 2 người này đi khỏi, linh tính có chuyện chẳng lành, anh D kiểm lại số tiền trong túi thì phát hiện mất hàng chục triệu đồng”… 

Khi phát hiện có dấu hiệu không bình thường, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, bắt giữ, xử lý kịp thời…