Canh cánh nỗi lo xảy cháy nhà ở kết hợp kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hỏa hoạn luôn tiềm ẩn ở mọi nơi, mọi lúc, ngay cả đối với những công trình hiện đại hay căn nhà trang bị đầy đủ thiết bị PCCC. Hơn thế nữa, đối với những ngôi nhà thuộc loại hình hỗn hợp vừa kinh doanh kết hợp nơi ở, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Vậy, nguyên nhân do đâu và biện pháp hạn chế thế nào?
Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp cận trong đêm tìm kiếm cứu nạn

Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp cận trong đêm tìm kiếm cứu nạn

Ý thức và sự cẩn trọng là cần thiết

Vụ cháy nhà dân tại phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra vào rạng sáng 15-1-2024 gióng lên hồi chuông cảnh báo chủ quan, lơ là của người dân đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC với chính nơi ở của mình, đặc biệt là loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều loại hình nhà như vậy và những ngôi nhà ở mặt phố cổ có những căn chỉ rộng khoảng 20m2, nhưng phía dưới là máy móc giặt là, máy làm bánh mì, bánh ngọt, hoặc chứa đồ kinh doanh các loại, còn phía trên là gác xép, nơi chủ nhân ở. Với thực trạng nhà nhỏ và nhu cầu mưu sinh của người dân lớn, nếu muốn an toàn thì việc quan trọng nhất chính là sự cẩn trọng của mỗi người...

Tuân thủ biện pháp an toàn cháy, nổ là nhiệm vụ quan trọng không phải của riêng lực lượng chức năng và Cảnh sát PCCC mà còn gắn với chuỗi sinh hoạt của mỗi gia đình. Nếu như mỗi người dân ý thức tốt về PCCC, sẽ hạn chế tối đa các vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Tại sao nói cháy, nổ là hiểm hoạ, bởi "bà hỏa" luôn rình rập ở bất cứ đâu nếu nơi đó còn có sự chủ quan lơ là của chính con người. Một ngôi nhà xây kiên cố vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy dù trang bị đầy đủ thiết bị PCCC, chỉ có điều nguy cơ thấp hơn so với công trình, hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh. Vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế ITC ở TP. HCM năm 2002 đã biến thành thảm họa khiến nhiều người thương vong... Đó là công trình được đánh giá hiện đại với đầy đủ trang thiết bị PCCC, nhưng xuất phát từ sự chủ quan đã dẫn đến hậu quả khôn lường.

Ngôi nhà xảy cháy

Ngôi nhà xảy cháy

Con người là chủ thể của mọi hành động và phải hiểu rằng máy móc có thể tự động chữa cháy, nhưng không thể tự động biết nó còn tốt hay không, còn hoạt động được, hay đã hỏng. Do đó, sự kiểm tra thường xuyên thiết bị có trong công trình, tòa nhà đã đi vào hoạt động là nhiệm vụ quan trọng số một và sẽ lường trước được các rủi ro. Kiểm tra thiết bị PCCC thường xuyên là để phát hiện kịp thời những sự cố trong thiết bị, hệ thống chữa cháy còn hoạt động hay không, dây dẫn điện hở chỗ nào để thay thế và công tắc điện bật hay tắt... Còn nếu chỉ mang suy nghĩ chủ quan đã có máy móc hiện đại và mang trong đầu suy nghĩ một cách võ đoán: “cháy làm sao được với những cỗ máy móc hiện đại, hay những khối bê tông này..., hay cái máy đó mới kiểm tra lần trước...", thì sự cố cháy, nổ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, sớm hay muộn!

Rất cần lối thoát nạn thứ 2

Đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh dễ xảy ra cháy và khi cháy thường khó thoát nạn. Bởi lẽ, loại hình nhà này đều hạn chế về diện tích hoặc có diện tích lớn, nhưng chủ nhân làm luôn nơi chứa hàng hóa. Sự tận dụng tối đa không gian làm nơi chứa hàng hóa, số người sinh hoạt đã là một nguy cơ và khi xảy ra cháy thường cháy lan, cháy lớn, khó thoát nạn do hàng hóa cháy bị đổ sập chặn lối đi.

Lý do, hàng hóa chất nhiều ở tầng 1 hoặc tầng 2, phần còn lại phía trên làm nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ. Tuy nhiên, ai cũng chỉ rõ được tồn tại nhưng việc khắc phục lại không triệt để, trong khi có thể thực hiện được để tạo môi trường an toàn cho chính mình.

Nếu ai cũng tuân thủ quy định, chấp hành nghiêm ngặt an toàn cháy, nổ và chủ động trang thiết bị báo cháy sớm, báo khói, thường xuyên kiểm tra thiết bị điện trong nhà, chú trọng hương, nến vàng mã khi hóa thì sẽ khắc tinh được "bà hỏa".

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH làm nhiệm vụ tại hiện trường xảy cháy trên phố Hàng Lược ngày 15-1

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH làm nhiệm vụ tại hiện trường xảy cháy

trên phố Hàng Lược ngày 15-1

Thực tế nhiều vụ cháy xảy ra thường về đêm và rạng sáng. Phân tích về nguyên nhân này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm khuyến cáo: “Thời điểm xảy cháy thường vào đêm và rạng sáng, lúc người dân ngủ say không biết. Tuy nhiên, để dẫn đến hậu quả khôn lường lại xuất phát từ sự chủ quan của người dân trong sinh hoạt. Với các thiết bị điện đã cũ bật từ tối nhưng đêm quên không tắt sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Bởi lẽ, thời gian ban đêm nguồn điện mạnh hơn vì ít người sử dụng, dẫn đến chập cháy các thiết bị điện đã cũ như ổ, phích cắm, các loại đèn báo ổ cáo, hay báo các thiết bị vận hành điện, hoặc trường hợp máy móc bảo quản hàng hóa chạy quá lâu không được bảo dưỡng dẫn đến chập cháy. Nếu người dân thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và chủ động lắp máy báo cháy, báo khói, sẽ phát hiện sớm khi vụ cháy mới phát sinh. Quan trọng hơn là trước khi đi ngủ, mọi người dân cần kiểm tra và tắt hết các thiết bị điện không cần thiết cho sinh hoạt, hương, nến... sẽ hạn chế được sự cố cháy, nổ xảy ra”.