Cảnh báo ‘tiền mất tật mang’ khi mua pháo hoa trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người đến nay vẫn quan niệm, Tết thì phải có tiếng pháo mới vui cửa vui nhà, báo hiệu một năm mới thành công, rực rỡ, vì thế họ tìm mua pháo hoa thông qua các trang mạng xã hội. Thế nhưng, việc này cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là bỏ tiền triệu nhưng thứ nhận lại chỉ là những “ống pháo” được làm giả khá tinh vi.

Thủ đoạn khó lường

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… rất nhiều bài viết rao bán các loại pháo hoa đã được đăng tải. Thậm chí, nhiều hội nhóm buôn bán, kinh doanh pháo hoa Tết đã được lập, thu hút hàng nghìn người tham gia. Đọc các bình luận có thể thấy, nhu cầu chơi pháo hoa Tết của người dân cũng rất lớn. Đây không chỉ là dịp để các cá nhân kinh doanh, kiếm lời với mặt hàng khan hiếm này mà còn là cơ hội để một số đối tượng lợi dụng kinh doanh pháo hoa giả, thu lợi nhuận “khủng”.

Người sử dụng có thể gặp nguy hiểm tính mạng với các loại pháo không kiểm định chất lượng như thế này

Người sử dụng có thể gặp nguy hiểm tính mạng với các loại pháo không kiểm định chất lượng như thế này

“Tội phạm thường đánh vào sở thích, nhu cầu của người dân vì ít ai nghĩ rằng mặt hàng này có thể làm giả. Nếu mua pháo hoa được cấp phép thì giá thành sẽ cao, do vậy nhiều người đã tìm tới các đối tượng buôn bán, kinh doanh pháo hoa nhập lậu, vừa được giá rẻ hơn mà lại phục vụ được thú chơi pháo hoa Tết. Song, nếu không cẩn trọng sẽ rơi vào bẫy của tội phạm. Thực tế chúng tôi cũng đã phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn làm giả pháo hoa rồi bán cho khách hàng, thu lợi hàng triệu đồng với mỗi đơn hàng” - Trung tá Nguyễn Phi Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.

Lật lại hồ sơ vụ án, tháng 11-2021, do cần tiền chi tiêu cá nhân nên Nguyễn Thành Công và Nguyễn Xuân Thủy đã nảy sinh ý định đóng gói pháo hoa giả để bán cho khách kiếm lời. Công lên mạng xã hội Facebook tìm hiểu cách đóng gói pháo hoa giả, đồng thời đặt mua các nguyên liệu đóng gói từ các đối tượng chưa rõ lai lịch. Để thực hiện được việc này, Công đã chỉ đạo Thủy thuê thêm người đóng gói, vận chuyển hàng.

Trong thời gian từ tháng 11 đến 12-2021, Thủy đã thuê các đối tượng gồm: Nguyễn Văn Kiên, Phùng Quang Điển, Hoàng Văn Long, Phan Thảo, Hoàng Xuân Xuân với tiền công là 5 triệu đồng/tháng để đóng gói, vận chuyển pháo hoa giả. Thủy cũng chỉ đạo Long thuê địa điểm địa chỉ số 44 và 46 hẻm 22, ngách 41, ngõ 184 Hoa Bằng, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy là nơi tập kết nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển số pháo giả. Trong đó, Kiên, Điển và Xuân có nhiệm vụ đóng gói pháo hoa giả, Thảo và Long sẽ vận chuyển số thành phẩm đi giao cho khách tại khu vực Hà Nội, hoặc giao cho các nhà xe khách để vận chuyển đi các tỉnh.

Để qua mặt lực lượng chức năng cũng như khiến khách hàng tin tưởng, Công và Thủy đã cho người đi mở tài khoản ngân hàng, sau đó đưa lại cho mình. Với thông tin cá nhân của những người này, 2 đối tượng lập các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook trùng với tên trên tài khoản ngân hàng. Như vậy, khi khách hàng chuyển khoản đặt cọc sẽ không nghi ngờ gì. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng những tài khoản này để chạy quảng cáo, nhằm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Gần 150kg pháo hoa không rõ nguồn gốc bị Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thu giữ

Gần 150kg pháo hoa không rõ nguồn gốc bị Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thu giữ

Khách hàng có nhu cầu mua pháo hoa sẽ để lại thông tin và số điện thoại trên bài viết hoặc nhắn tin trao đổi qua Facebook. Công sẽ gọi điện tư vấn, báo giá, nếu khách hàng đồng ý thì “ông chủ” này báo số lượng cho Kiên, Điển và Xuân để đóng hàng, gửi thông tin số điện thoại và địa chỉ của khách cho Phan Thảo và Hoàng Văn Long để vận chuyển pháo hoa giả giao cho khách. Quá trình đặt mua pháo hoa, khách hàng sẽ có thể chuyển trước 200.000 đồng/đơn hàng tiền đặt cọc trực tiếp vào các tài khoản ngân hàng do Công quản lý và thanh toán số tiền còn lại khi nhận được hàng.

Các nguyên liệu để làm pháo giả đã được Công đặt mua, chuẩn bị vận chuyển sẵn đến kho hàng. Bộ phận đóng gói sẽ sử dụng bìa carton để dán vào các khối hình hộp chữ nhật có chứa các ống hình trụ tròn kích thước khoảng 17x17x15cm (loại có 36 ống), 20x20x25cm (loại có 49 ống), 34x34x15cm (loại có 144 ống). Sau đó, các đối tượng đổ cát và xi măng vào các ống rồi đậy nút gỗ để nguyên liệu không bị rơi ra ngoài. Tinh vi hơn, nhóm của Công và Thủy còn làm giả y như thật bằng cách dán giấy vàng bọc bên trên mặt ống, gắn thêm dây cháy chậm, sau cùng dán giấy có in chữ nước ngoài xung quanh. Hình ảnh những hộp pháo hoa này sẽ được gửi cho khách hàng và tất nhiên, không ai nghi ngờ mà ngay lập tức chuyển khoản.

Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán pháo hoa lậu dịp cận Tết

Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán pháo hoa lậu dịp cận Tết

Cẩn trọng không thừa

Mỗi năm chỉ có một cái Tết và việc kinh doanh pháo hoa cũng chỉ là thời vụ, do vậy tội phạm cũng rất nhanh tay lợi dụng nhu cầu của người dân để kiếm lợi. Khó khăn khi điều tra, xác minh đối với loại tội phạm này là toàn bộ thông tin đăng tải trên mạng xã hội đều là giả. Chúng sử dụng những tài khoản không chính chủ để “ẩn thân”, bên cạnh đó, thông tin tài khoản ngân hàng là mua lại hoặc nhờ người đứng ra mở tài khoản. Do vậy, khi xác minh dòng tiền cũng như chủ thể nhận được tiền sẽ rất khó khăn.

Mặt khác, đa số những người mắc bẫy lừa của loại tội phạm này đều xác định mặt hàng pháo hoa mua là hàng lậu, không có hóa đơn, chứng từ, nên khi biết bị lừa thì đành “ngậm đắng nuốt cay” không trình báo, dẫn tới việc tội phạm càng lộng hành hơn. Mỗi đơn hàng, chúng thu lợi hàng triệu đồng. Chưa hết, đây là mặt hàng để dành đến Tết mới mang ra sử dụng, lúc ấy biết mình bị lừa thì cũng đã quá muộn. Các đối tượng đã chặn cuộc gọi, chặn tin nhắn và biến mất hoàn toàn trên mạng xã hội nên việc truy vết cũng gặp nhiều cản trở.

“Hiện nay, thương mại điện tử đang là xu hướng và phát triển nhanh chóng. Người tiêu dùng đã quen với việc mua hàng qua mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử. Việc chuyển tiền/nhận hàng có lẽ đã quá quen nên người dân hầu như không có sự đề phòng. Do vậy, nếu không may trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, buôn bán pháo hoa giả dịp cận Tết cũng là dễ hiểu. Dù các vụ việc liên quan đến hành vi làm pháo giả rồi đem bán để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng không nhiều, nhưng chúng tôi vẫn muốn cảnh báo để người dân cẩn trọng” - Trung tá Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh.

Một đơn hàng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng. Nếu con số này nhân lên với hàng trăm, hàng nghìn đơn hàng thì lợi nhuận các đối tượng thu về là rất lớn. Không chỉ cảnh báo việc mua phải pháo hoa giả qua mạng Internet, CAQ Cầu Giấy còn khuyến cáo người dân về thú vui chơi pháo hoa dịp Tết. Bởi nếu mua phải hàng nhập lậu, không được kiểm định chất lượng, kỹ thuật, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Và hành vi tiêu thụ các loại pháo hoa nhập lậu còn vi phạm pháp luật. Ngày 6-11-2022, CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 198 về cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố. Toàn bộ lực lượng Công an Thủ đô được huy động, tăng cường các biện pháp, giải pháp, đặc biệt kiên quyết điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến pháo nổ, đảm bảo cho nhân dân đón Tết trong yên vui.