Kỳ Olympic đen tối 40 năm về trước (2):

Cảnh báo khủng bố đã bị phớt lờ

ANTĐ - Để bảo đảm an ninh và duy trì trật tự đại hội, Ủy ban tổ chức đã huy động hơn 2000 cảnh sát, nhưng điều đáng ngạc nhiên là họ không được trang bị bất cứ loại vũ khí gì, trong tất cả các nhà thi đấu và Làng vận động viên không hề thấy bóng dáng quân phục hoặc cảnh phục đi tuần tra, bảo vệ.

Sau khi sự việc xảy ra, Thế vận hội vẫn tiếp tục tiến hành nhưng sự kiện kinh hoàng này đã khiến hàng vạn người đổ xô đến làng Olimpic. Một số quan chức đã yêu cầu tạm hoãn Thế vận hội và đến 3h chiều, các hoạt động thi đấu hoàn toàn đình chỉ cho đến hết ngày hôm sau. Sáng 06/09, Ủy ban Olimpic quốc tế tổ chức trọng thể lễ truy điệu tại sân vận động trung tâm Munich, bản giao hưởng “Anh hùng” của Ludwig van Beethoven đã vang lên, tiễn đưa 11 người đã khuất.

Ban tổ chức Olimpic 1972 đã không đánh giá hết mức độ nguy hiểm của khủng bố

Quyết không để hoạt động khủng bố làm gián đoạn chương trình của Thế vận hội, chủ tịch IOC lúc bấy giờ là ông Avery Brundage tuyên bố tiếp tục tiến hành các môn thi đấu. Quyết định này đã gặp phải một làn sóng chỉ trích dữ dội và tẩy chay Olimpic. Lo ngại về vấn đề an ninh đã khiến đoàn thể thao Israel và một số nước Ả rập quyết định bỏ cuộc về nước. Khi đoàn thể thao Israel mang theo di thể của 11 vận động viện và huấn luyện viên về đến sân bay Lod ở Tel Avip (năm 1973 nó được đổi tên thành sân bay Ben Gurion để vinh danh vị thủ tướng đầu tiên của Israel là David Ben Gurion), hàng vạn người dân đã đến đón đoàn trong nước mắt.

Kết thúc vụ khủng bố vào đoàn VĐV Israel tại Olimpic 1972, tổng cộng 17 người bị chết, trong đó có 11 vận động viên và huấn luyện viên Israel, 1 cảnh sát Đức, 5 tên khủng bố, ngoài ra còn 3 tên bị bắt.
Xem kỳ 1: Nhóm khủng bố đột kích Làng vận động viên

Cho đến khi nhìn thấy con mình trên tivi, bố của thủ lĩnh nhóm khủng bố Isla mới biết con mình đã gia nhập tổ chức khủng bố. Ông này là thạc sĩ – công trình sư, thuộc lớp người có trình độ học vấn cao ở Đức, Isla cũng đã sống ở đây hơn 10 năm, phần nào cũng mang ảnh hưởng từ lối tư duy của người Đức. Thế nhưng ông bố của Isla lại rất tán đồng hành động của con mình, ông ta nói: “Đây là điều con trai tôi đã dùng chính tính mạng của mình để đổi lấy. Vì thế giới, vì sự nghiệp thiêng liêng cao cả, nó đã hiến dâng cả cuộc đời mình. Tôi cảm thấy rất tự hào về nó!”.

Còn các quan chức Cộng hòa Liên bang Đức không thể không thừa nhận đây là thất bại đau đớn nhất gặp phải kể từ sau thế chiến thứ 2. Trước đó, để xóa đi âm hưởng nặng nề của kỳ Olimpic 1936 do nước Đức Quốc xã tổ chức, chính quyền thành phố Munich đã cải tạo triệt để một số công trình hạ tầng phục vụ Olimpic. Họ đã tiến hành xây dựng mới quần thể kiến trúc nhà thi đấu, bao gồm: sân vận động trung tâm, Làng vận động viên, hồ bơi, trường đua xe; lắp đặt hệ thống ống dẫn nước dưới mặt sân điền kinh sâu 25cm, mùa đông có thể bơm nước nóng vào để sưởi ấm mặt sân; sử dụng các thiết bị đếm giờ điện tử để kiểm tra thành tích của vận động viên và thiết bị đo cự li lade… Người Munich đã làm rất tốt công tác chuẩn bị và hy vọng một kỳ Olimpic thành công mỹ mãn. Thế nhưng họ đã coi nhẹ một vấn đề rất quan trọng: Bảo đảm an ninh.

Trước khi Thế vận hội diễn ra, ông George Sieber – Tiến sĩ tâm lý học cảnh sát đã đưa ra một kịch bản bao gồm 26 sự kiện đột ngột phát sinh trong kỳ Olimpic và tình huống bị tấn công khủng bố và phương pháp đối phó với các tình huống đó. Trong kế hoạch, ông đã giới thiệu chi tiết phương thức tập kích thông dụng của các phần tử khủng bố. Ông cảnh báo: “Tôi tin rằng những phần tử khủng bố sẽ hành động rất gọn gẽ, không bao giờ tiến hành vào ban ngày mà chủ yếu là ban đêm, ngay cả trong mùa hè thì cũng thường bắt đầu trước 5h sáng. Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý là chúng không bao giờ đi vào cửa trước mà thường vượt qua tường rào”.

Đoàn VĐV Israel tại Olimpic 1972

Thế nhưng bản báo cáo này đúng tới từng chi tiết này đã bị Ủy ban tổ chức Thế vận hội Munich đánh giá là đi ngược lại tôn chỉ tổ chức một “ngày hội thể thao thế giới” và bị xếp xó. Để bảo đảm an ninh và duy trì trật tự đại hội, Ủy ban tổ chức đã huy động hơn 2000 cảnh sát, nhưng điều đáng ngạc nhiên là họ không được trang bị bất cứ loại vũ khí gì, trong tất cả các nhà thi đấu và Làng vận động viên không hề thấy bóng dáng quân phục hoặc cảnh phục đi tuần tra, bảo vệ. Lúc 4h ngày 05/09, nhân viên ban quản lý làng vận động viên Heinz Peter Goetschl và một đồng nghiệp trông thấy 1 tốp từ 8 – 12 vận động viên trèo qua rào vào Làng, họ thậm chí còn ra chào hỏi vì nghĩ là họ ra ngoài uống rượu nên về muộn.

Sau khi thảm án xảy ra, rất nhiều người chất vấn ban tổ chức Olimpic London về những thông tin tiêu cực trong vấn đề bảo vệ Olimpic, công tác an ninh được được thắt chặt hơn nhiều so với trước đó, các kỳ Olimpic sau này và một số sự kiện thể thao quan trọng khác đều được tăng cường bảo vệ tối đa. Các quốc gia châu Âu bắt đầu coi trọng công tác xử lý sự cố bọn khủng bố bắt cóc con tin, rầm rộ thành lập các đơn vị cảnh sát đảm trách xử lý các tổ chức này. Từ sau thế chiến thứ 2, Đức không hề đào tạo xạ thủ bắn tỉa, không có bộ đội đặc chủng và chuyên gia chống khủng bố. Sau sự kiện này, họ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc, tổ chức huấn luyện lực lượng đặc chủng, tức là lực lượng đồn trú biên phòng số 9, rút kinh nghiệm từ bài học thất bại trên để huấn luyện lực lượng bắn tỉa, thiết kế các trang bị chuyên dụng cho lực lượng này.
(Còn nữa)