Cảnh báo bạo lực học đường biến chuyển thành bạo lực mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 11-4, các chuyên gia đã phân tích, cảnh báo về gia tăng bạo lực học đường dưới nhiều dạng bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn từ và biến chuyển thành bạo lực mạng khó kiểm soát.

Ngày 11-4, Trung tá, PGS. TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh - Giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, trong 2 năm trở lại đây, xu hướng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng dưới nhiều dạng như: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn từ, bạo lực vật chất…

Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, bạo lực học đường đã không chỉ còn là vấn đề tại trường học và xảy ra trong tầm kiểm soát của nhà trường, mà đã biến chuyển thành bạo lực mạng - với không gian mạng xã hội rộng lớn mà nhà trường và gia đình không thể kiểm soát hoàn toàn.

Mới đây ngày 10-4, một clip xuất hiện trên mạng ghi lại cảnh một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị 2 bạn nữ khác đánh đấm túi bụi, dí đầu xuống đất, kéo tóc... Mặc cho nạn nhân liên tục cầu xin, nhưng 2 nữ sinh vẫn lao vào đánh, cố lột hết quần áo.

Một nam sinh khác chứng kiến vụ việc không can ngăn còn dùng điện thoại quay lại, cười đùa rất phản cảm.

Sau khi bị 2 bạn nữ hành hung, nữ sinh THCS tại Quảng Bình phải nhập viện trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, bị chấn thương phần mềm ở vùng ngực và đầu. Clip lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.

Chuyên gia cảnh báo bạo lực học đường biến chuyển thành bạo lực mạng, nhà trường và gia đình không thể kiểm soát

Chuyên gia cảnh báo bạo lực học đường biến chuyển thành bạo lực mạng, nhà trường và gia đình không thể kiểm soát

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ quan của bạo lực học đường phát sinh từ tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, đặc biệt là lứa tuổi 12-18 tuổi - lứa tuổi có sự thay đổi lớn nhất về tâm sinh lý.

Trung tá Nguyễn Thị Thuý Hạnh khẳng định, đây là độ tuổi đặc biệt có những nhu cầu về mong muốn khẳng định bản thân, mong muốn kết bạn để được lắng nghe… Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan đến từ sự lơ là của gia đình, xã hội… cũng làm gia tăng tỷ lệ các vụ việc bạo lực học đường xảy ra mà không được can thiệp kịp thời.

Muốn phòng chống bạo lực học đường và các hành vi sai lệch của một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, rất cần sự chung tay góp sức của nhiều lực lượng, từ gia đình, nhà trường, các thầy cô giáo đến toàn thể cộng đồng.

Trung tá Thuý Hạnh khẳng định tầm quan trọng của gia đình - nhà trường - xã hội trong việc đẩy lùi bạo lực học đường, các hành vi vi phạm pháp luật.

Với mục đích ngăn chặn bạo lực học đường, Hội nghị Tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục, chia sẻ kiến thức về phòng chống bạo lực học đường đã được Phòng GD-ĐT phối hợp cùng Công an quận Ba Đình tổ chức ngày 11-4.