Cảnh báo (2): Lời kể của thiếu nữ suýt bị lừa qua cuộc gọi giả danh

ANTD.VN - Hình thức lừa đảo giả danh qua điện thoại không phải là mới, song vẫn có người trở thành nạn nhân và chuyển tiền cho các đối tượng xấu. PV Báo ANTĐ đã gặp gỡ và ghi nhận thêm 2 trường hợp phải nhận cuộc gọi lừa đảo như vậy, trong đó 1 trường hợp “mất oan” 380 triệu đồng.

Lời kể của thiếu nữ suýt bị lừa qua cuộc gọi giả danh công an

Trao đổi với PV Báo ANTĐ vào ngày 23-11, bạn Nguyễn Thị Dương (SN 1995, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết, bạn nhận một cuộc gọi lạ từ số máy +84 43645735xx vào lúc 9 giờ sáng ngày 15-11.

“Khi nhấc máy, em thấy đầu dây bên kia là một giọng rất khó nghe, chỉ nói loáng thoáng rằng số điện thoại di dộng của em đang nợ cước hơn 8 triệu đồng, phải bấm vào số máy lẻ để gặp tổng đài viên hỏi cụ thể, nếu không sẽ bị cắt số. Em cảm thấy khá hoang mang nên đã làm theo”, bạn Dương kể lại.

Sau khi bấm số máy lẻ, bạn Dương được gặp một người nữ tự xưng là tổng đài viên, và cho biết số CMND của thiếu nữ này có liên quan tới việc đăng ký một số máy bàn, và số máy này phát sinh cước hơn 8 triệu đồng (chứ không phải số điện thoại di động như lời nhắc ban đầu – PV).

“Trong khi em còn đang băn khoăn thì người tự xưng tổng đài viên đó nói rằng nếu không xác nhận cụ thể thì họ sẽ báo công an để truy thu”, bạn Dương cho hay.

Và chỉ khoảng 5 phút sau, một số điện thoại khác là +84 93737001xx lại gọi vào máy của Dương. Đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông tỏ ra nghiêm trọng, tự xưng là công an đang điều tra vụ án “không trả cước” do phía tổng đài chuyển sang.

“Người đó đọc rõ tên tuổi, số CMND của em, rồi liên tiếp yêu cầu xác nhận việc có liên quan tới số máy bàn mà họ đưa ra hay không, rồi nói rằng có thể đưa vụ này lên tòa. Sau đó, người này lại nói rằng số CMND của em có liên kết với một số tài khoản ngân hàng bất thường. Từ đây, người tự xưng công an bắt đầu hỏi kỹ về các biến động tài khoản, nói rằng để xác minh xem em có liên quan hay không. Kế đó, người này lại bảo có thể do nhân viên giao dịch ở ngân hàng lấy cắp thông tin của em để lừa đảo, và vụ án sẽ lên một mức độ nghiêm trọng hơn”, bạn Dương tường thuật lại cuộc gọi kéo dài 15 phút.

Sau một hồi “truy” thông tin dồn dập, đầu dây bên kia yêu cầu Dương “không được tiết lộ với bất kỳ ai, vì đây là vụ án đang được điều tra, và phải kết hợp với chúng tôi để làm rõ”.

Rất may là thiếu nữ trên đã lờ mờ nhận ra sự bất thường khi kẻ tự xưng là công an ấy yêu cầu đọc lại một lượt thông tin cá nhân, gồm tài khoản ngân hàng, số tiền trong tài khoản và hướng tới việc đề nghị chuyển khoản để làm rõ “sự minh bạch đối với số tiền”.

“Khi đó, em hỏi lại rằng đây chỉ là cuộc điện thoại, làm sao em biết được người đang hỏi em là công an thật hay không. Đầu dây bên kia gắt lên với em, nói rằng không rảnh rỗi, rồi cung cấp tên và số hiệu, cùng một địa chỉ trụ sở của họ. Nhưng khi em đề nghị đến làm việc trực tiếp thì người đó không nhiệt tình nữa và sau cùng khi dập máy, em biết là mình đã gặp phải những kẻ lừa đảo”, bạn Dương chốt lại.

Dưới đây là video lời kể của thiếu nữ suýt bị lừa qua cuộc gọi giả danh:

Bị mất 380 triệu đồng để chứng minh… “tiền sạch”

Một nhân vật khác mà PV Báo ANTĐ gặp gỡ trong ngày 23-11 là chị Mai P. (SN 1970, ở Hà Nội).

Chị P. chia sẻ về câu chuyện bị lừa của bố mình hồi năm 2015, tương tự như sự việc bà cụ tại Hà Nội vừa bị mất 600 triệu đồng gần đây.

“Bố tôi sinh năm 1942, đã về hưu từ lâu. Đến một hôm, ông nhận cuộc điện thoại từ số máy cố định, đầu dây bên kia xưng là "công an", đang điều tra vụ án phát sinh cước điện thoại 800.000 đồng và nắm rõ một số thông tin của bố tôi. Sau đó, kẻ lừa đảo nói rằng người thân của bố tôi bị nghi tham gia vào một vụ rửa tiền nghiêm trọng, họ yêu cầu bố tôi phải chuyển tiền vào tài khoản của họ, để kiểm tra và chứng minh được đó là tiền sạch, gia đình dư dả, không nợ nần, phạm tội gì”, chị P. cho biết.

Phiếu chuyển tiền của bà cụ ở Hà Nội, chuyển 600 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo

Trong cuộc gọi đó, đối tượng lừa đảo dặn kỹ bố chị P. rằng không được tiết lộ cho bất kỳ ai, nếu không, sẽ làm rò rỉ thông tin điều tra.

“Vậy là bố tôi lên gác, cầm cả 3 sổ tiết kiệm của gia đình và mang đi chuyển khoản, với tổng số tiền là 380 triệu đồng. Cho đến khi về, gọi lại để báo thì mới phát hiện ra bị lừa. Sau đó, ông xấu hổ, ngại mọi người chê cười nên đã giấu các con một thời gian, chỉ mẹ tôi biết chuyện. Bởi vậy, sự việc đã không được trình báo lên cơ quan chức năng kịp thời”, chị P. chia sẻ.

Có thể thấy hình thức lừa đảo qua điện thoại và giả danh công an không hề mới, Báo An ninh Thủ đô nhiều lần cảnh báo, song vẫn có người trở thành nạn nhân. Điểm chung của hình thức lừa đảo này là các đối tượng nắm bắt tâm lý người đối diện rất tốt, tạo ấn tượng bằng việc nêu rõ các thông tin cá nhân cụ thể, luôn yêu cầu người nghe không được chia sẻ thông tin cho bất kỳ ai để tránh rắc rối, và đề nghị chuyển khoản để “kiểm tra tài sản”.

Báo ANTĐ sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến của cơ quan chức năng liên quan để độc giả có những thông tin đa chiều, khách quan và cập nhật.