Căng thẳng Nga-NATO: Leo thang đúng ý đồ của Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng Nga-NATO sẽ không thể được giải quyết, bởi vì đó là âm mưu của Mỹ kích động xung đột, làm lợi cho các tổ hợp công nghiệp quân sự.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 18-12 công bố các dự thảo thỏa thuận giữa Nga với Mỹ và Liên minh Bắc Đại Tây Dương về đảm bảo an ninh. Trước đó, các tài liệu đã được chuyển cho Washington và các đồng minh.

Một trong những điểm quan trọng của dự án được đề xuất là NATO phải đảm bảo không tiếp tục tiến sang phía đông, cụ thể là không được mở rộng liên minh tới lãnh thổ Ukraine.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, nếu NATO và Washington không đáp ứng yêu cầu của Moscow về đảm bảo an ninh, điều này có thể dẫn đến một vòng đối đầu mới.

Bình luận về sáng kiến của Nga, điều phối viên Liên minh Chống chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ Joe Lombardo nói rằng, dự án do Nga đề xuất nhằm đảm bảo an ninh chung ở châu Âu đã chứng tỏ ai mới là bên thực sự nỗ lực vì hòa bình.

Căng thẳng Nga-NATO xuất phát từ việc khối này bành trướng sang phía đông áp sát biên giới Nga
Căng thẳng Nga-NATO xuất phát từ việc khối này bành trướng sang phía đông áp sát biên giới Nga

"Điều quan trọng là Moscow đã đưa ra một đề xuất như vậy, nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ ngăn chặn được Mỹ và NATO trong các hành động gây hấn chống lại Nga và các nước khác. Washington sẽ chống lại bất kỳ quốc gia nào, mà ở đó Mỹ không chiếm ưu thế" - chuyên gia cho biết.

Liên minh Chống Chiến tranh tuần trước đã đưa ra lời kêu gọi Washington chấm dứt cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev và cử các cố vấn quân sự tới Ukraine.

Những người theo chủ nghĩa hòa bình ở Mỹ bày tỏ tin tưởng việc Nga tập trung lực lượng gần Ukraine là hành động mang tính chất phòng thủ, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Mỹ và các phương tiện truyền thông phương Tây xuyên tạc đó là sự chuẩn bị “xâm lược Ukraine”.

Chuyên gia này nói thêm, đề xuất của Nga có lợi về mặt chiến thuật vì nó cho cộng đồng quốc tế thấy "một bên muốn hòa bình, còn bên kia là kẻ gây hấn". Tuy nhiên, do các phương tiện truyền thông bị kiểm soát, hầu hết mọi người ở Mỹ sẽ không bao giờ nghe về đề xuất này.

Ngoài ra, những đề xuất của Điện Kremlin sẽ khó được Nhà Trắng chấp thuận bởi chính quyền Washington đã chủ động tạo ra các căng thẳng đó, theo ‘chỉ đạo’ của mọt bộ phận tài phiệt Mỹ.

"Tôi không nghĩ điều này (sáng kiến của Nga) sẽ xoa dịu được tình hình. Mỹ đã tạo ra căng thẳng và muốn có những đối đầu đó. Những căng thẳng như vậy thúc đẩy sự phát triển của tổ hợp công nghiệp - quân sự Mỹ, bộ phận quan trọng của nền kinh tế Mỹ" - ông Lombardo nói.