Cần xét xử lưu động những vụ án tai nạn giao thông nghiêm trọng

ANTĐ - Đó là ý kiến của không ít chuyên gia pháp lý khi bàn về thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay. Bởi muốn nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thì phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó cần chỉ rõ cho họ thấy rằng bất kỳ ai cũng có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý rất nặng nề.

Lỗi vô ý nhưng hậu quả khôn lường    

Cuối tháng 4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên sơ thẩm và tuyên phạt mức án nghiêm khắc đối với một lái xe ôtô gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn huyện Phúc Thọ đầu năm 2015. Với nhận định hậu quả vụ án là đặc biệt nghiêm trọng và hành vi của bị cáo đã phạm vào tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ theo Điều 202, Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Điện 8 năm tù giam. Ngoài ra, TAND TP Hà Nội còn buộc lái xe gây tai nạn phải bồi thường thiệt hại cho hàng loạt nạn nhân với số tiền rất lớn.  

Hậu quả pháp lý mà lái xe ôtô nêu trên phải gánh chịu là do vụ TNGT anh ta gây ra vào trưa 30-3-2015. Khi ấy, Nguyễn Văn Điện (SN 1984), trú ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định điều khiển xe ôtô mang BKS: 88C-042.04 (loại xe ôtô chuyên kéo xe hỏng) lưu thông trên Quốc lộ 32, theo hướng thị xã Sơn Tây - nội thành Hà Nội. Phía sau xe ôtô do Điện điều khiển thời điểm đó kéo thêm chiếc máy bơm bê tông, nặng 5 tấn.

Đến km 31+100, giữa lúc xe ôtô do bị cáo lái chạy với tốc độ khoảng 50km/h thì chiếc máy bơm bê tông phía sau bất ngờ bị gãy đứt mối hàn thanh kéo. Tức thì cả một khối hợp kim nặng 5 tấn lao sang phần đường bên trái và đâm vào chiếc ôtô 16 chỗ ngồi do anh Đường Văn Hòa (SN 1979), trú ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển theo hướng ngược lại.

Cú đâm làm xe ôtô 16 chỗ ngồi bị xé toác thành và thân xe, đồng thời xoay ngược chiều kim đồng hồ. Cùng thời điểm, chiếc ôtô 29 chỗ ngồi, do anh Hồ Ngọc Tài (SN 1962), ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ điều khiển đi phía sau xe ôtô 16 chỗ ngồi cũng lao tới và tiếp tục va chạm với xe ôtô vừa gặp nạn. Hậu quả của vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này đã khiến 5 người ngồi trên xe ôtô 16 chỗ ngồi tử nạn và 4 người khác bị trọng thương.

Ngoài ra, vụ tai nạn còn khiến xe ôtô của anh Hòa bị nát bươm… Quá trình xét xử, Nguyễn Văn Điện khai nhận mặc dù biết rõ xe ôtô cứu hộ mà bị cáo điều khiển không được phép kéo theo máy bơm tê tông phía sau và lưu thông trên đường bộ nhưng vẫn cố tình thực hiện, đơn giản chỉ vì chủ quan. 

Gần nhất là cuối tháng 2 vừa qua, Nguyễn Quang Vinh (SN1977), trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội cũng đã khiến cho 2 gia đình rơi vào nỗi đau mất người thân, còn đối tượng thì đang chờ ngày bị đưa ra tòa án xét xử. Theo đó, khoảng 7h ngày 29-2-2016, Vinh đến điểm rửa xe của gia đình trên phố Hoàng Như Tiếp. Thấy chiếc ôtô Camry của khách đến rửa xe vẫn cắm chìa khóa điện nên đối tượng nhảy lên cầm vô lăng phóng ra phố Ái Mộ.

Nhưng khi xe mới chỉ chạy được vài trăm mét thì chiếc ôtô đâm liên tiếp vào nhiều xe máy và người đi đường, khiến 3 nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Trong đó có hai ông cháu trong một gia đình. Kết quả điều tra cho thấy, đối tượng không có Giấy phép lái xe và cũng chưa bao giờ lái xe đường dài.

Nhìn nhận về các vụ án TNGT nói chung và hai vụ án TNGT điển hình nghiêm trọng nói trên, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định: “Tội phạm mà các lái xe gây TNGT thực hiện hoàn toàn chỉ là lỗi vô ý. Có nghĩa là các lái xe ôtô không cố ý thực hiện hành vi gây tai nạn và cũng không hề mong muốn cho hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn thì hậu quả của lỗi vô ý này đôi khi lại rất khủng khiếp và khôn lường”.

Cần xét xử lưu động những vụ án tai nạn giao thông nghiêm trọng  ảnh 2

Lái xe Nguyễn Văn Điện và chiếc ôtô 16 chỗ trong vụ tai nạn giao thông tháng 3-2015

Xét xử lưu động để thay đổi nhận thức

Nói về một số biện pháp, giải pháp nhằm giảm TNGT hiện nay, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng xử lý nghiêm minh bằng hình sự đối với người gây TNGT luôn là một giải pháp mang tính răn đe và phòng ngừa tội phạm cao. Tuy nhiên, trong khi Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định khắt khe về hành vi, hậu quả đối với người vi phạm Luật Giao đông đường bộ thì sau ngày 1-7 tới đây khi Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng, trách nhiệm pháp lý của những người gây TNGT lại có phần nới lỏng hơn. 

Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Hình sự  hiện hành và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ (từ 31% trở lên), tài sản của người khác (từ 70 triệu đồng trở lên) là có thể bị xử lý theo Điều 202, Bộ luật Hình sự.

Vậy nhưng quy định tương ứng tại Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản của người khác từ 100 triệu đồng trở lên mới bị xử lý bằng hình sự. “Tôi cho rằng với tình trạng TNGT diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay thì việc làm nhẹ đi trách nhiệm pháp lý mà người gây tai nạn phải gánh chịu là điều chưa hợp lý”, luật sư Giang Hồng Thanh đánh giá.

Ngoài ra theo vị luật sư này, trong quá trình xử lý hình sự về án TNGT, các cơ quan tố tụng cần xét xử công khai, lưu động tại cộng đồng dân cư đối với một số vụ án để tăng tính răn đe, phòng ngừa và đó cũng là biện pháp tuyên truyền rất hiệu quả. Bởi bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm trong một vụ án TNGT.

Đồng quan điểm, thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng, TAND TP Hà Nội đánh giá, lâu nay chúng ta vẫn thường xuyên xét xử công khai, lưu động đối với các vụ án về ma túy. Trong nhiều năm duy trì hoạt động này và cùng với hàng loạt biện pháp, giải pháp khác thì đông đảo người dân đã nhận thức rõ tác hại của ma túy cũng như hậu quả pháp lý mà người buôn bán, tràng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy phải gánh chịu.

Trong khi đó, TNGT hiện nay cũng được coi là mối nguy hại rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì mỗi ngày, trên cả nước có rất nhiều người mất mạng do TNGT và những thiệt hại về kinh tế là rất khó cân đong đo đếm được.

“Hầu như ai cũng hiểu rõ sự mất mát và sợ bị TNGT, song tâm lý chung của không ít người lại luôn nghĩ rằng tai họa ở chỗ khác và xảy ra với người khác chứ không phải mình. Do đó, tăng cường xét xử công khai, lưu động một số vụ án TNGT điển hình chắc chắn sẽ góp phần thay đổi nhận thức của mọi người”, thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng chi sẻ.    

Đối với những người chuyên điều tra, khám phá các vụ án liên quan đến hoạt động giao thông, chỉ huy Đội 11, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội cho biết, có tới hơn 50% vụ TNGT nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát, đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và chuyển hướng không an toàn.

Qua đó cho thấy, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn rất hạn chế và kỹ năng điều khiển phương tiện không tốt. Đối với các biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiệu TNGT, đại diện Đội 11 cho rằng bên cạnh việc tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ sâu rộng hơn nữa, xử lý hành chính nghiêm các trường hợp vi phạm thì cần siết chặt lại công tác đào tạo, sát hạch lái xe.

Cùng với đó, theo lực lượng Cảnh sát hình sự, đối với một số vụ án TNGT điển hình thì Viện kiểm sát và Tòa án cần phối hợp xét xử công khai, lưu động để đông đảo người dân theo dõi. Qua đó, họ sẽ tự mình rút ra những bài học cho bản thân.

Mỗi năm thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có khoảng 11.000 nghìn người chết vì TNGT và mỗi ngày có tới 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình phải chịu những tổn thất về tinh thần. Ngoài ra, TNGT còn gây tổn thất rất lớn về vật chất, kinh tế. Bình quân mỗi năm, nước ta mất 2 tỷ USD (tương đương hơn 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT. Số tiền này có thể xây dựng được 10 bệnh viện đạt cấp tỉnh; 1.123 trường học và 6.400 căn nhà tình nghĩa.