Cần xem xét yếu tố việc làm, điều kiện sức khỏe…

ANTD.VN - Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cần được đặt ra. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần thận trọng xem xét nhiều yếu tố từ kinh tế - xã hội, việc làm, điều kiện sức khỏe của người lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới được đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra quan điểm trên.

- PV: Thưa ông, cơ quan soạn thảo cho rằng, mục đích quan trọng nhất của đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam là để cân bằng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Lê Đình Quảng: Không phải đến bây giờ thì việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu mới được các cơ quan chức năng bàn bạc, thảo luận. Vấn đề này đã được đặt ra trong Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật BHXH năm 2014 và nhiều chính sách khác liên quan. Trong đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH có nêu lý do chính của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là nhằm bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn bởi theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), từ năm 2023, Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ thu không đủ bù chi, phải trích từ phần quỹ kết dư để chi trả và từ năm 2034, Quỹ kết dư cũng hết, dẫn đến Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù đắp.

Tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động chỉ là một trong nhiều giải pháp bảo đảm cân đối BHXH. Nếu nói tăng tuổi hưu để cân bằng Quỹ BHXH thì không hợp lý vì thực chất vấn đề hiệu quả nằm ở cách vận hành, sử dụng quỹ chứ không hẳn là ở thời gian lao động dài hay ngắn. Hơn nữa, Luật BHXH năm 2014 cũng đã nâng các điều kiện (kéo dài số năm) để người lao động được hưởng lương tối đa hay mở rộng diện bao phủ BHXH nhằm mục đích ổn định quỹ rồi.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Cơ quan soạn thảo cho rằng, tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng đáng kể và nhiều nước đã nâng tuổi hưu lên 65-67 tuổi, chúng ta cũng nên theo xu hướng này?

- Trong điều kiện hiện nay, có thể khẳng định việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề. Lý do tuổi thọ cao để nâng tuổi nghỉ hưu cũng có sức thuyết phục. Bởi vì, đặc thù của Việt Nam khác các nước châu Âu, nhất là dịch vụ về y tế và đời sống chưa tốt dẫn đến sức khỏe chưa tốt.

Điều kiện lao động của người lao động còn nhiều hạn chế, nhiều yếu tố độc hại. Cho nên, việc tăng tuổi hưu có thể tính tới, nhưng phải áp dụng có độ trễ nhất định. Việc nâng tuổi hưu có thể thực hiện với những người làm ở khu vực hành chính sự nghiệp trước, sau đó nghiên cứu lộ trình cho khối lao động trực tiếp (đối tượng điều chỉnh chính của Bộ luật Lao động).

- Ở góc độ người lao động, theo ông, tuổi nghỉ hưu nên được tăng như thế nào, tăng ở mức độ bao nhiêu là hợp lý?

- Theo quy định, tuổi nghỉ hưu hiện tại đối với nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Trong một số ngành nghề đặc thù thì người lao động nghỉ hưu sớm hơn. Hiện nay, tuổi nghỉ hưu trung bình ở nước ta là 54 tuổi. Người lao động ở nước ta nghỉ hưu sớm so với nhiều nước trên thế giới và so với tuổi thọ trung bình. 

Ở thời điểm hiện tại, tôi đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải hết sức thận trọng. Tôi không đồng tình với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt, không có sự phân biệt, phân loại đối với từng ngành nghề, lĩnh vực lao động. Đối với lao động trực tiếp, lao động trong các khu vực độc hại, lao động mang tính đặc thù, tuổi nghỉ hưu nên được giữ nguyên, thậm chí, với một số ngành nghề thì có thể giảm xuống. Nói chung, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với từng đối tượng, từ đó đề ra lộ trình tăng thích hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Cần xem xét yếu tố việc làm, điều kiện sức khỏe… ảnh 4

Đề xuất điều chỉnh là cấp thiết trong bối cảnh già hóa dân số

“Tăng tuổi nghỉ hưu là điều chỉnh lâu dài và trong tương lai, tuổi làm việc có thể kéo dài đến 65. Việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ được tính toán theo hướng nâng dần từng năm và  tùy theo từng đối tượng, ngành nghề.

 Tuổi nghỉ hưu như hiện hành là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi đã được quy định từ năm 1961. Suốt hơn 50 năm qua, chúng ta không hề điều chỉnh chính sách về tuổi nghỉ hưu. Đối với các nước cũng đã thực hiện nâng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều nước đang thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi 65, 67 tuổi. Chúng ta cũng mong muốn thu hẹp khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, đây cũng là hướng đến việc không phân biệt đối xử về giới.

Tăng tuổi nghỉ hưu là một đề xuất thay đổi chính sách và dự đoán sẽ có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, khác với dự thảo lần trước, ngoài lý do nêu trên, cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tác động đối với đề xuất chính sách này. Cụ thể, trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau 25 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, quá trình này cũng mang lại những thách thức mới, trong đó có việc xem xét lại hệ thống lương hưu của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của dân số...

Cải cách hệ thống lương hưu, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu, được cho là cấp thiết trong bối cảnh độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, sức khỏe của người dân đã được cải thiện rõ rệt, Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Trên thực tế, kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát cho thấy, rất nhiều người lao động sau khi nghỉ hưu lại tiếp tục đi làm việc, nhiều trường hợp người lao động sau khi làm thủ tục hưởng lương hưu tiếp tục ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ để tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống, mong muốn được đóng góp và cống hiến những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc...”.

Ông Doãn Mậu Diệp (Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)