Cần xây dựng hệ sinh thái cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ phải giải quyết những khó khăn trước mắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà các chuyên gia cho rằng cần tạo một nền móng vững chắc cho thị trường này trong tương lai.

Sóng gió của một thị trường non trẻ

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nước ta bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2019 đến những tháng đầu năm 2022 và đã nhanh chóng đạt được quy mô ngót nghét 1,2 triệu tỷ đồng, theo số dư đến 31/12/2022.

Thị trường trái phiếu phát triển đã đem lại tác dụng như một kênh dẫn vốn, chia sẻ hoạt động cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế, đặc biệt là giúp các tổ chức tín dụng bớt đi gánh nặng về rủi ro kỳ hạn (các tổ chức tín dụng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn).

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, rủi ro kỳ hạn khá nghiêm trọng đã xảy ra ở cả những thị trường phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu… Do đó, chắc chắn là chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, từ nửa cuối của năm 2022 cho đến gần đây, thị trường TPDN gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ khá nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan do những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước.

“Bên cạnh đó, cũng phải khẳng định là thị trường TPDN của chúng ta rất non trẻ, mới bắt đầu hình thành và chắc chắn các chủ thể trong thị trường này cũng non trẻ, kể cả là các doanh nghiệp phát hành, các nhà đầu tư đến bản thân các cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này” – lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định.

“Rõ ràng, chúng ta đang trong tình trạng, bối cảnh là các doanh nghiệp khó khăn và trái phiếu khó khăn. Khi sử dụng rồi thì lẽ ra doanh nghiệp có thể phát hành tiếp để có dòng tiền trả nợ các trái chủ khi đến hạn, nhưng thị trường khó khăn, sản xuất khó khăn, dòng tiền gặp khó khăn dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà phát hành” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói thêm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn do cả khách quan lẫn các yếu tố nội tại

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn do cả khách quan lẫn các yếu tố nội tại

Cần xây dựng hệ sinh thái cho trái phiếu doanh nghiệp

Theo TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, thị trường TPDN không phải là một thị trường mua bán hàng hóa thông thường.

“Trái phiếu là một thị trường tài chính, đòi hỏi những người tham gia vào đấy phải có năng lực và phải có một môi trường pháp lý để tạo ra một hệ sinh thái. Bản thân những người tham gia thị trường, kể cả những người phát hành trái phiếu, khách hàng tham gia thị trường này phải thấy được việc phải tuân thủ ra sao, có thể gặp phải những rủi ro như thế nào” – ông nói.

Ông cũng cho rằng, từ những vụ việc trên thị trường thời gian qua, có thể thấy cảnh báo, kiểm soát của chúng ta là chưa kịp thời. “Nếu kịp thời chúng ta sẽ ngăn chặn sớm, không để xảy ra tình trạng tràn lan, gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế” – vị chuyên gia nhận định.

Theo TS Hoàng Văn Cường, nếu để thị trường trái phiếu đổ vỡ không phục hồi được thì đây là một thất bại trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển. “Nhưng Việt Nam tôi nghĩ cũng không đáng lo ngại như thế vì Chính phủ đã có hành động khá kịp thời” – ông cho biết.

Cũng cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ tất cả những khó khăn, song TS Vũ Minh Khương (Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore) cũng lưu ý về vấn đề tạo nền móng cho tương lai.

Ông cho rằng, Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Theo kinh nghiệm thế giới, TS Vũ Minh Khương cho biết, trái phiếu phát hành có 3 loại: Một là phải mua bảo hiểm, loại này người dân rất yên tâm mua.

Loại thứ hai là phát hành trái phiếu có bảo lãnh, bảo đảm bằng chính tài sản của mình.

Loại trái phiếu thứ ba là loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.

Ông cũng đề xuất 3 tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để tránh vấn đề hình sự. Thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp; Thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ; Thứ ba là cần kiểm toán hằng năm để đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục.

“Nói chung, xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách. Tôi tin là Chính phủ nhiệm kỳ này có thể làm được vấn đề đó và coi thách thức hiện giờ chúng ta gặp phải là một quyết tâm chiến lược để Việt Nam để tạo ra một nền móng thật tốt trong thời gian tới” – vị chuyên gia nói thêm.