Cản trở công tác chữa cháy là vi phạm pháp luật

ANTD.VN - Mọi hành vi cản trở phương tiện cứu hỏa, lực lượng chữa cháy làm nhiệm vụ tại hiện trường đều là vi phạm pháp luật, nguy hiểm đến tính mạng con người và đều bị xử lý nghiêm...

Mới đây, lực lượng chức năng thành phố HCM đã xử lý phạt tiền và tước Giấy phép lái xe đối với người đàn ông có hành vi ngăn cản xe chữa cháy đang trên đường làm nhiệm vụ.

Xử lý nghiêm việc cản trở xe chữa cháy

Nhiều người còn nhớ hình ảnh được cộng đồng mạng xã hội lên án mạnh mẽ trong thời gian cách đây gần 1 năm, khi người dân ghi lại một tài xế điều khiển xe ô tô cản trở xe cứu hỏa đang trên đường làm nhiệm vụ. Người đàn ông vi phạm nói trên, khi thấy xe cứu hỏa có các tín hiệu khẩn cấp như hú còi, bật đèn báo hiệu liên hồi song đã không những không chấp hành mà còn điều khiển xe ô tô của mình lượn lờ trước mũi xe cứu hỏa. Ngay sau đó, lực lượng chức năng CATP - HCM đã triệu tập lái xe vi phạm đến trụ sở làm việc và lập biên bản xử lý vi phạm, tước Giấy phép lái xe về hành vi cản trở phương tiện ưu tiên.

Phương tiện cản trở xe chữa cháy làm nhiệm vụ đã bị xử lý nghiêm

Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, những trường hợp cản trở phương tiện và lực lượng đang trên đường làm nhiệm vụ thường xảy ra trên đường phố, đặc biệt là đô thị. Mặc dù những phương tiện làm nhiệm vụ chữa cháy, đèn báo, còi hú rất đặc trưng song không phải người dân nào cũng có thái độ chấp hành ưu tiên cho phương tiện làm nhiệm vụ. Nhiều lái xe cố tình đợi đến khi các phương tiện chạy đến sát nhau, lái xe ưu tiên bấm còi dồn dập mới chịu nhường đường...

Theo chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Đống Đa, Hà Nội, do tính chất và vị trí đơn vị đóng quân ngay mặt đường Giảng Võ, đã gặp những trường hợp có hành vi cố tình cản trở phương tiện ưu tiên. Nhiều lần, đơn vị nhận được tin báo cháy và mặc dù có cán bộ đứng ngoài đường ra tín hiệu ưu tiên cho phương tiện cứu hỏa, đồng thời xe còi hú, đèn nháy rất rõ, nhưng nhiều người không đi chậm lại mà còn cố tình nhấn ga cho xe của họ vượt qua đầu xe cứu hỏa, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông ở thời điểm đó.

Người dân hiếu kỳ tập trung đông tại đám cháy nhà xưởng ở quận Long Biên

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết: Khi làm nhiệm vụ gặp tình huống khẩn cấp, xe cứu hỏa phải sử dụng các quyền ưu tiên của mình để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất. Chẳng hạn như đi vào đường ngược chiều, đường cấm, hoặc những nơi cần phải sử dụng quyền ưu tiên để thực thi chức năng, nhiệm vụ, được pháp luật quy định.

Di chuyển xe cứu hỏa trong khu vực nội đô, thì quyền ưu tiên đi ngược chiều, đi đường cấm... còn hạn chế, khó khăn. Bởi lẽ, mật độ phương tiện tham gia giao thông rất lớn, hay xảy ra ùn ứ và có nhiều con đường nhỏ. Khi đó, người đi đường muốn tránh, nhường cho xe ưu tiên tiếp cận hiện trường nhanh nhất, nhưng chính bản thân họ cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Riêng các tuyến đường vùng ven đô thông thoáng, đường ra vào cao tốc, nếu có sự cố thì xe cứu hỏa vẫn sử dụng các quyền ưu tiên để làm tốt nhiệm vụ. Thực tế, người dân cũng hiểu biết pháp luật nên tránh, nhường đường, hỗ trợ không chỉ cho xe cứu hỏa, mà cho xe cấp cứu, xe dẫn đoàn của CSGT… khi cần.

Đó là nói về góc độ giao thông đối với nhiệm vụ ưu tiên cho phương tiện khẩn cấp làm nhiệm vụ, còn trong thực tế công tác chữa cháy tại hiện trường, những người trực tiếp chiến đấu với lửa còn gặp muôn vàn sự cản trở lực lượng làm nhiệm vụ. Vụ cháy khu nhà xưởng nhựa tại phường Sài Đồng, quận Long Biên vừa qua là ví dụ. Khi lực lượng cứu hỏa cần không gian để tác chiến chữa cháy, thì một số đông người dân không có nhiệm vụ lại vây kín khu vực hiện trường.

Cho dù lực lượng CAP Sài Đồng liên tục dùng loa nhắc nhở, yêu cầu người dân không dừng đỗ phương tiện dưới lòng đường, không tập trung đông gây cản trở lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ, nhưng không mấy ai chấp hành. Sự hiếu kỳ đó không chỉ là hành vi cản trở lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ, mà còn nguy hiểm đến tính mạng của chính họ.

Người dân hiếu kỳ tập trung tại khu vực lực lượng Cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ

Hiếu kỳ trở thành “tai bay” khó lường

Qua các vụ việc xảy ra nêu trên có thể nhận xét đa phần người dân rất hiếu kỳ. Từ vụ nổ ở quận Hà Đông cách đây 4 năm, hay vụ lực lượng Bộ đội Công binh tháo gỡ quả bom mắc kẹt dưới chân cầu Long Biên, rồi đến các vụ cháy, nổ xảy ra vừa qua... đã nói lên “độ liều” của người dân. Cần hiểu rằng, nếu không có nhiệm vụ thì phải tránh xa những khu vực có lực lượng cứu hộ, chưa cần biết những điểm đó có nguy hiểm hay không.

Tại vụ nổ điểm thu mua phế liệu ở quận Hà Đông, lực lượng làm nhiệm vụ mặc quần áo chuyên dụng, dùng máy móc thiết bị rò để phát hiện, tìm kiếm xem còn vật có thể gây nổ tiếp hay không, thế nhưng người dân vẫn vây kín để thỏa chí tò mò.

Hình ảnh đông kín người đứng trên cầu Long Biên, ngó xuống chân cầu xem lực lượng Bộ đội Công binh tháo gỡ quả bom thể hiện sự hiếu kỳ đến mức quên cả nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Người dân hiếu kỳ xem Bộ đội Công binh tháo gỡ bom mìn dưới chân cầu Long Biên

Rồi trong những vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành phố vừa qua, cảnh đám đông vây kín hiện trường và chỉ có hành động duy nhất là mải mê quay clip “livetream” chứ không có động thái tích cực nào khác, cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ...

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy: “Trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn các vụ cháy, nếu người dân vây đông kín hiện trường sẽ gây cản trở đến quá trình tác chiến của lực lượng làm nhiệm vụ. Nhiều người qua lại khiến công tác chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ bị chậm trễ. Chưa nói đến những nguy hiểm khác và ai dám chắc được trong đám lửa nghi nghút sẽ không có thiết bị gây nổ...”.

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội, người dân cần tránh xa khu vực xảy ra sự cố, không nên tụ tập đông người để thỏa mãn sự hiếu kỹ và như vậy sẽ cản trở, gây ảnh hưởng đến công tác cứu hộ - cứu nạn. Cần hiểu rõ rằng, trong công tác cứu hộ - cứu nạn và chữa cháy, khi tiếp cận hiện trường sớm nhất, sẽ hạn chế thiệt hại về người, tài sản và những mất mát khác...