Cần thành lập đội cảnh sát phản ứng nhanh chống bạo lực gia đình

ANTĐ - Trong những năm vừa qua, tình trạng bạo lực gia đình diễn ra hết sức phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng không chỉ xâm hại sức khỏe, tinh thần của nạn nhân mà còn xâm hại cả tính mạng nạn nhân. Nhưng thực tiễn cho thấy việc xử lý hình sự với các đối tượng gây ra bạo lực đang là vấn đề hết sức khó khăn. Nhiều nạn nhân bị bạo hành nhưng không dám tố cáo. Chỉ đến khi vụ việc trở nên nghiêm trọng, gây hậu quả lớn thì cơ quan công an mới vào cuộc. Đã có ý kiến cho rằng cần phải thành lập tổ công tác đặc biệt để phòng chống bạo hành gia đình.

Ảnh minh họa


Thực trạng đau lòng

Theo số liệu thống kê trong năm 2011, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 342 vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình trong đó có 5 vụ giết người làm chết 5 người. Vụ việc gây chấn động nhất mà dư luận mỗi khi nhắc đến vẫn thấy gai người đó là đối tượng Vũ Văn Thành giết cùng lúc vợ và hai con vào chiều 16-8 tại tiểu khu Phú Mỹ, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên. Vũ Văn  Thành do uống quá nhiều rượu đã mắc bệnh hoang tưởng cho rằng có ma xui khiến nên đã giết vợ và con.

Mới đây nhất, ngày 24-11, chị Nguyễn Thu Thủy (SN 1976, trú ở Kim Mã, Ba Đình) đến cơ quan công an trình báo việc chồng là Đặng Tiến Dũng  đã đánh đứa con ruột của mình là Đặng Thái Bảo, 6 tháng tuổi bị chấn thương sọ não, đưa vào Bệnh viện cấp cứu thì đã không kịp. Một vụ việc khác cũng khiến dư luận bất bình là vụ Nguyễn Tiến Thịnh (ở Vĩnh Phúc) đánh vợ dã man vì lý do vợ dám đánh ghen với bồ của hắn. Không những thế, Thịnh còn quay video clip cảnh mình ân ái với bồ, bắt vợ cùng mẹ vợ phải xem và phải thực hiện theo clip đó. Hành vi của Thịnh cho thấy sự ngang ngược, coi thường pháp luật.

Tại Thái Nguyên, tình trạng bạo lực gia đình cũng trở nên đang báo động với cấp độ các vụ việc xảy ra ngày càng cao hơn. Điều đáng nói là trong số đó có rất nhiều vụ nguy hiểm. Đối tượng không chỉ bạo hành với vợ mà còn với cả những người thân của mình. Nếu chỉ liệt kê các đầu vụ đã đủ cho thấy sự nghiêm trọng đến mức báo động của bạo lực gia đình. Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Văn Hà giết mẹ đẻ của mình là Cù Thị Thu ngày 18-11-2008 tại TT Ba Hàng, huyện Phổ Yên; vụ Dương Như Độ giết vợ là Nguyễn Thị Lan ngày 30-11-2008 tại xã Thượng Đình, Phú Bình; vụ Ma Doãn Hương giết mẹ vợ là Nguyễn Thị Hợi, đâm trọng thương vợ là Nguyễn Thị Thương ngày 16-12-2010 xã Điềm Mặc, Định Hóa; vụ Đoàn Thị Vui chém trọng thương chồng là Mai Văn Tỉnh ngày 16-3-2011 tại xã Yên Lãng, Đại Từ; vụ Nguyễn Anh Dũng dùng xăng đốt chết vợ là Nguyễn Thị Hải ngày 9-6-2011 tại TT Đại Từ, huyện Đại Từ...

Đó là còn chưa kể đến các vụ dùng hung khí đánh vợ, tạo hiện trường giả, hay nhẫn tâm phóng hỏa giết người thân của chính mình khi họ vẫn còn sống. Không ngày nào trên các phương tiện truyền thông lại thiếu những bài viết về vụ việc bạo lực gia đình. Trên thực tế tình trạng này còn rất nhiều nhưng do những lý do khác nhau mà người bị bạo hành không tố cáo với các cơ quan pháp luật, nhất là người phụ nữ bị bạo hành, thường rất ít khi trình báo cho cơ quan chức năng.

Qua các vụ bạo lực gia đình cho thấy, đối tượng bị bạo lực gia đình  đa số vẫn là phụ nữ, trẻ em, người già. Trong đó, người vợ là đối tượng bị chính người chồng của mình bạo hành nhiều nhất, chiếm khoảng 95% các vụ bạo hành, cũng có một số ít trường hợp bạo hành ngược - tức người chồng bị vợ hoặc con đánh đập… Nguyên nhân chủ yếu do những mâu thuẫn gia đình kéo dài về kinh tế, về ghen tuông tình ái, về tệ uống rượu say xỉn, ngoài ra đó là sự bất bình đẳng về giới đã không được phát hiện sớm và giải quyết triệt để, mặt khác phần lớn người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình thường cam chịu, mặc cảm, không dám trình báo, tố giác với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng dẫn tới sự leo thang về bạo lực ngày càng nghiêm trọng.

Điều đáng lên án là, thái độ dửng dưng của nhiều người khi xem chuyện bạo lực gia đình là chuyện riêng của người khác, nên khi thấy hành vi bạo lực xảy ra đã không can thiệp, hoặc không thông báo cho chính quyền địa phương. Khiến cho các đối tượng gây ra bạo lực gia đình ngày càng lộng hành, không coi việc mình làm là vi phạm pháp luật và tự cho mình cái quyền hành xử bạo hành trong gia đình mình. Chỉ khi xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng, nạn nhân bị thương tích hoặc xâm phạm đến tính mạng thì vụ việc mới được xử lý theo pháp luật hình sự và khi đó nạn nhân đã phải chịu đựng cảnh bạo lực trong một thời gian khá dài, bị tổn hạn nhiều về thể xác và tinh thần, thậm chí đã mất đi tính mạng của mình.

Trong khi đó, chính quyền cấp cơ sở cũng chưa thực sự vào cuộc trong các vụ việc này. Có chăng chỉ là một số đoàn thể ở phường xã đến gặp gỡ, khuyên bảo đối tượng. Và sự việc chỉ dừng lại ở đó. Các đối tượng gây ra bạo hành nghiêm trọng nếu không bị răn đe bằng các biện pháp ngăn chặn hoặc bị xử  lý hình sự thì các đối tượng này rất dễ tái phạm. Đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với sự nhận thức pháp luật thấp, quan niệm trọng nam kinh nữ, cùng với sự gia trưởng của người đàn ông thì tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến.

Khó cho lực lượng công an

Luật phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/2/2009 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Tính - Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH – CATP Hà Nội thì việc tiếp nhận, xử lý các hành vi bạo lực trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, do phong tục tập quán của người Việt Nam, nên nhiều người không thích pháp luật can thiệp vào đời sống của họ. Thứ hai, về mặt quản lý Nhà nước, không có cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở cơ sở, đa số chỉ phân công cán bộ văn hóa xã hội kiêm nhiệm. Thứ ba, cấp cơ sở vẫn còn lơ là, thờ ơ với hành động này; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa sâu, sát nên việc nắm bắt kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn còn hạn chế, dẫn đến việc giải quyết xử lý các vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, ngược đãi hành hạ, đánh đập cha, mẹ, vợ con… không kịp thời, triệt để. Thứ 4, do nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một số người còn hạn chế, bản thân họ cho rằng hành vi đánh đập hành hạ vợ con, ngược đãi cha, mẹ... là việc làm mang tính dạy dỗ, chỉ bảo và đối xử trong nội bộ gia đình họ, không phải là hành vi vi phạm pháp luật nên nhiều nạn nhân thường che giấu, không tố giác, trình báo với cơ quan chức năng gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Thứ 5, đối với nhiều vụ bạo lực gia đình khi áp dụng xử lý theo hành vi cố ý gây thương tích, thì theo quy định của pháp luật hiện nay, phải có kết quả giám định thương tích từ 11% trở lên mới có căn cứ để áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự. Trong nhiều trường hợp do nạn nhân từ chối giám định, không tố giác… nên cơ quan điều tra không có căn cứ để tiến hành các biện pháp điều tra, giải quyết, xử lý theo pháp luật được. Nhiều hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định một cách cụ thể rõ ràng trong Bộ Luật Hình sự gây khó khăn cho công tác xử lý.

Phòng chống thế nào?

Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh quy định tại BLHS như giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác trong đó đa phần là tội danh cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 104 - BLHS. Theo Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, kinh nghiệm để xử lý những đối tượng này là phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở cơ sở nhất là Hội phụ nữ để động viên, phân tích để người bị hại mạnh dạn khai báo, giám định thương tích, nhất là tổn hại tinh thần để có căn cứ xử lý hình sự vì nạn nhân thường bao che cho tội phạm, từ chối khai báo, giám định. Tổ chức xét xử lưu động, nhất là đối với vụ án xảy ra ở vùng sâu, vùng xa nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình cho nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ba - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Giám đốc Dự án Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình cũng nêu lên một số khuyến nghị như duy trì các mô hình điểm về phòng, chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ dành riêng cho các nạn nhân bị bạo hành. Kiến nghị Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa các chế tài xử lý đối với các hành vi bạo lực gia đình trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào Bộ luật Hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý các hành vi bạo lực gia đình. Nâng cao năng lực và pháp luật cho lực lượng xử lý ban đầu tại cấp cơ sở; hướng dẫn việc thực thi luật và kỹ năng giải quyết vấn đề cho các cán bộ thực thi luật tại cộng đồng. Có giám sát việc thực thi pháp luật ở cơ sở…

Đặc biệt có rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải có lực lượng chuyên nghiệp về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó xem xét việc nên có đội ngũ cảnh sát nữ cho phòng chống bạo lực gia đình, hoặc nên thành lập đội cảnh sát phản ứng nhanh và đường dây nóng cho nạn nhân bị bạo hành gia đình bởi với tình trạng bạo hành gia đình như hiện nay, nó không còn là câu chuyện trong các gia đình mà nó đã trở thành vấn đề mà xã hội phải quan tâm, nó đã trở thành hành vi vi phạm pháp luật đáng lên án và phải được xử lý nghiêm.