Cẩn thận với những trại hè từ các fanpage giả mạo gắn tích xanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cứ đến gần dịp nghỉ hè, các loại Trại hè quân đội nhí 2024; Trại hè kỹ năng CAND; Trại hè tuổi thơ… lại được chào mời trên mạng xã hội với những lời giới thiệu hấp dẫn, song thực chất đây là các "bẫy" lừa đảo.

Màn dẫn dụ của những “chuyên viên ảo”

Lợi dụng tâm lý mong muốn được cho con tham gia các khóa học trải nghiệm mùa hè như trại hè kỹ năng, học kỳ Công an nhân dân, học kỳ Quân đội của các bậc phụ huynh, dịp hè năm nay kẻ xấu lại tung ra những cái "bẫy" lừa đảo.

Tin vào các trang fanpage có tích xanh hay có số lượt theo dõi lên tới hàng chục hoặc hàng trăm nghìn lượt, vị phụ huynh đã sập bẫy lừa và mất hàng trăm triệu đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là lấy lý do cần trả lời các câu hỏi trắc nghiệm để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào, các đối tượng lừa đảo đã dẫn dụ nạn nhân click vào 1 đường link để cả phụ huynh và học sinh cùng tham gia phỏng vấn trực tuyến. Phí đăng ký phỏng vấn chỉ là vài chục nghìn đồng. Ban giám khảo gồm nhiều chuyên gia nhưng thực chất toàn là các đối tượng lừa đảo.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trả lời đúng các câu hỏi thì các bậc phụ huynh sẽ được hoàn trả tiền. Tuy nhiên các đối tượng sẽ đưa ra các thử thách tiếp theo với các mức tiền phí tham dự cao hơn. Khi các vị phụ huynh đóng tiền với con số hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng thì các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng chiêu bài lỗi hệ thống. Phụ huynh phải nộp thêm tiền vào để hệ thống xác nhận hoàn trả, từ đó chúng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền phụ huynh đã đóng vào.

Tin vào các trang fanpage có tích xanh, nhiều phụ huynh đã sập bẫy lừa
Tin vào các trang fanpage có tích xanh, nhiều phụ huynh đã sập bẫy lừa

Để tạo niềm tin, những đối tượng lừa đảo còn giới thiệu có thông tin địa điểm là trụ sở làm việc của các đơn vị Quân đội - Công an; đồng thời đăng tải các hình ảnh, bài viết từ các trang chính thống của lực lượng Quân đội - Công an, sau đó gửi các tiêu chí tham gia ứng tuyển, mã ứng viên và dẫn dắt nạn nhân trao đổi qua mạng xã hội Zalo của "chuyên viên".

Các đối tượng lừa đảo tư vấn các cháu sẽ được miễn phí, bao ăn, bao ở. Đổi lại, học viên tham gia phải tập đặt thử vé máy bay trực tuyến và được hoàn lại tiền, hoặc đặt cọc trước một khoảng tiền từ 5 triệu đến 10 triệu để đăng ký. Ban đầu, giá vé máy bay nội địa là vài triệu đồng, sau đó là vé quốc tế với số tiền vài chục triệu đồng.

Nâng cao cảnh giác

Cơ quan Công an nhận định, nếu trước đây các trang fanpage Tổ chức trại hè có tích xanh có thể tin tưởng được, thì nay, kẻ xấu có thể tạo ra tích xanh bằng cách thuê 1 tài khoản chính chủ có tích xanh, sau đó đổi tên fanpage đó để thực hiện hành vi lừa đảo; hoặc đối tượng có thể sử dụng phần mềm photoshop để gắn tích xanh vào ảnh trên fanpage. Tích xanh giả mạo này không nằm đúng vị trí như tích xanh thật, nhưng nếu người dân không chú ý quan sát thì vẫn có thể sập bẫy lừa.

Để phòng tránh lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Khi muốn đăng ký cho con học những khóa trải nghiệm, kỹ năng, phụ huynh nên liên hệ hoặc gọi điện thoại đến các trường, đơn vị để hỏi, xác minh rõ ràng.

Việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Nếu các bậc phụ huynh gặp những quảng cáo tương tự như trên cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện để đăng ký; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu; nếu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.