Cần tập trung cải cách chất lượng giáo dục đại học

(ANTĐ) - LTS: Góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Đại hội Đảng sắp tới nên bàn kỹ về việc xây dựng xã hội học tập.

Góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XI của Đảng

Cần tập trung cải cách chất lượng giáo dục đại học

(ANTĐ) - LTS: Góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Đại hội Đảng sắp tới nên bàn kỹ về việc xây dựng xã hội học tập.

Các dự thảo văn kiện dự kiến trình Đại hội đều xác định đến năm 2015 sẽ thực hiện chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng mục tiêu này sẽ không đạt được vì cho đến nay ngành giáo dục gần như chưa có động thái tích cực nào bắt tay vào việc.

Trước hết, cần xác định tư tưởng chủ đạo của cuộc cải cách giáo dục tới là gì? Nếu không muốn dùng chữ “cải cách” mà dùng “đổi mới” hay “đổi mới sâu sắc, toàn diện, mạnh mẽ” như trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng thì vẫn cần xác định rõ tư tưởng chỉ đạo. Để đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT), phải xác định cơ cấu của hệ thống GDPT sắp tới sẽ như thế nào.

Vấn đề này hiện nay cũng chưa hề được bàn tới. Điểm thứ hai về cơ cấu cũng cần nghiên cứu thêm là kinh nghiệm của một số nước dành 2 năm cuối ở bậc phổ thông để học sinh có nguyện vọng vào đại học (ĐH) thì trau dồi thêm, gần như là mô hình dự bị ĐH. Trên thực tế, học sinh phổ thông của chúng ta hiện nay kết thúc chương trình rất sớm, sau đó chỉ tập trung ôn thi ĐH. Vậy thì phải tính toán, có chấp nhận thực tế đó không và nếu chấp nhận thì phải điều chỉnh cho phù hợp.

Phân ban cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc và điều chỉnh nhưng hiện nay chưa thấy có chủ trương gì mới; cũng chưa thấy bắt tay vào nghiên cứu. Nội dung GDPT cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo. Nói tóm lại, để thực hiện mốc thời gian mà các văn kiện Đại hội đề ra thì phải xác định được những việc cần làm, xây dựng lộ trình và bắt tay thực hiện ngay mới kịp. Bởi vì để có một chương trình mới thì phải mất ít nhất 1 năm xây dựng và thẩm định chương trình thí điểm; sau đó đưa vào thí điểm lại mất ít nhất 3 năm nữa; sau khi thí điểm xong lại mất một năm chỉnh lí chương trình, rồi mới tổ chức biên soạn sách giáo khoa được. Như vậy là phải mất ít nhất 6 năm.

Điều tôi thấy rất đáng quan tâm và cần đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần này là cải cách về chất lượng của giáo dục ĐH và dạy nghề. Chúng ta đã thực hiện nhiều lần cải cách giáo dục. Tuy nhiên, cả 3 lần cải cách ấy, chúng ta mới chỉ “động” đến hệ thống GDPT chứ chưa hề đề cập đến giáo dục ĐH và dạy nghề. Trong khi đó, chính giáo dục ĐH và dạy nghề mới là khâu trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực và cũng là chỗ mà chúng ta yếu nhất.

Hệ thống giáo dục ĐH, dạy nghề của chúng ta hiện nay rất rối. Tôi cũng chưa biết có nước nào phân biệt trung cấp nghề với trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề với cao đẳng (bình thường), mỗi loại trường do một bộ thực hiện quản lý Nhà nước (trung cấp nghề và cao đẳng nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, còn trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng khác thì do Bộ GD-ĐT quản lý) như nước ta không? Hai hệ thống khác nhau, tuyển sinh theo hai kiểu khác nhau, giáo trình, cách dạy khác nhau, trong khi mục đích không có gì khác nhau. Tôi cho rằng đây là cơ hội để thay đổi; không nên để tâm lý nể nang chi phối.

Về việc xây dựng xã hội học tập, các Nghị quyết của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng và đề ra những định hướng phát triển, nhưng việc triển khai trong thực tế chưa có chuyển biến đáng kể. Số lớp “vừa học vừa làm” (tại chức) mở ra nhiều, người đi học đông, nhưng chất lượng thường không đảm bảo. Động cơ mở lớp, động cơ đi học phần lớn không đúng như mục đích xây dựng xã hội học tập. Tôi mong Đại hội Đảng sắp tới sẽ bàn nhiều hơn về vấn đề này và đề ra những giải pháp hữu hiệu.

Ngọc Khánh (Ghi)