Cần sửa đổi luật để giải quyết thực trạng mại dâm

ANTĐ - Bức xúc trước thực trạng phức tạp của các đối tượng hoạt động tệ nạn mại dâm, ông Nguyễn Bá Thuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chia sẻ những suy nghĩ, kiến nghị về vấn đề này với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

-PV: CATP Hồ Chí Minh vừa triệt phá một số đường dây hoạt động mại dâm nam, chuyên phục vụ khách làng chơi là các quý bà và người đồng tính, có cả khách nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về tình hình này?

- ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền: Đây là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của lực lượng công an, nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trước diễn biến phức tạp thực trạng này, đòi hỏi chúng ta phải có chính sách pháp luật để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. 

- Nạn mại dâm nam bùng phát cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người có tiền?

- Dù người bán dâm là nam, hay nữ đều ảnh hưởng rất lớn đến thuần phong mỹ tục. Không chỉ vi phạm đạo đức con người, mà còn vi phạm nhiều vấn đề xã hội khác, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, gia đình và nếp sống văn hóa của người Việt Nam. Tôi cho rằng cần phải tăng cường công tác quản lý, triệt phá và đưa ra xử lý nghiêm các đối tượng này trước pháp luật. 

- Kết quả điều tra những vụ mại dâm nam cho thấy, người mua dâm đa số là các quý bà ở độ tuổi từ 35-50. Có người sống với gia đình tử tế, nhưng vẫn đi mua dâm đối tượng chỉ đáng tuổi con cháu mình, ông nhận xét gì về vấn đề này?

- Các quý bà mua dâm với người trẻ tuổi hơn mình, theo tôi đã vi phạm đạo đức rất nghiêm trọng. Dù vậy, pháp luật chưa quy định người mua dâm phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử lý bằng các biện pháp hành chính. Tôi thấy, cần nghiên cứu chính sách xử lý như thế nào cho thỏa đáng cả về góc độ luật pháp cũng như khía cạnh xã hội. 

- Hiện đã có chế tài gì để xử lý tệ nạn mại dâm nam, thưa ông?

- Chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định xử lý người bán dâm là nam giới và tôi cho rằng cần phải nghiên cứu, xem xét để có quy định xử lý vấn đề này một cách thỏa đáng. Trước đây, chúng ta chỉ quen xử lý người bán dâm là nữ và nói chung là chỉ xử lý bằng các biện pháp hành chính như phạt tiền, đưa đi các cơ sở giáo dục, phục hồi nhân phẩm. Bộ Luật hình sự chỉ quy định xử lý bằng hình sự đối với người môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm. 

- Vậy, cần có biện pháp gì để ngăn chặn tệ nạn mại dâm nói chung, mại dâm nam nói riêng, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”?

- Để giải quyết tình trạng này cần phải có những giải pháp đồng bộ cả về góc độ luật pháp và các khía cạnh khác của xã hội. Nếu chúng ta đưa ra xử lý về mặt hình sự đối với hoạt động mại dâm thì cần phải sửa luật để tăng tính răn đe và đó cũng chỉ là phần ngọn của vấn đề. Còn nguồn gốc phát sinh, chúng ta phải nghiên cứu để có cơ chế quản lý phù hợp. Nên nghiên cứu cách tổ chức quản lý sao cho hợp lý và cần phải có chính sách tổng thể, đồng bộ thì mới giải quyết được tình trạng phức tạp này. 

- Ông cho biết rõ hơn về kiến nghị tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động hết sức nhạy cảm này?

- Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, họ thừa nhận hoạt động mại dâm và quản lý chặt chẽ. Nếu không quản lý số đối tượng này, thì các đối tượng tổ chức môi giới hoạt động mại dâm ra sức hoành hành. Khi người bán dâm còn trẻ, đẹp thì chủ chứa ra sức vắt kiệt họ. Đến lúc ốm đau, bệnh tật, họ bị đẩy ra đường và xã hội đương nhiên phải hứng chịu. Vậy, tổ chức quản lý bằng cách nào cho hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và an ninh trật tự là vấn đề cần phải bàn. Trước nay, chúng ta cấm hoạt động mại dâm, bắt giữ xử lý nhiều vụ tổ chức mua bán dâm, nhưng nó vẫn diễn ra và như vậy là việc phòng ngừa, ngăn chặn không đạt được hiệu quả như mong muốn, vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.