Cần quản lý chặt, xử lý nghiêm những "đứa trẻ hư" thích bạo lực, gây rối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp các vụ phạm tội mà đối tượng thực hiện là trẻ vị thành niên diễn ra thời gian qua cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm. Nhiều người cho rằng, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với những “đứa trẻ hư” thích bạo lực, gây rối nhằm hạn chế tình trạng này.

16 tuổi cầm đầu nhóm trộm cắp hàng loạt xe máy

Mới đây, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 15 đối tượng để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Những đối tượng này (chủ yếu trong độ tuổi từ 16-18 tuổi) đã mang hung khí tham gia vụ ẩu đả tại khu vực giao cắt giữa đường tỉnh lộ 427 và tuyến vào xã Hồng Vân, huyện Thường Tín để …“giải quyết mâu thuẫn”.

Hai trong số 15 đối tượng thanh niên bị khởi tố

Hai trong số 15 đối tượng thanh niên bị khởi tố

Trước đó, Công an huyện Thanh Oai liên tiếp nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị mất trộm xe máy khi để tại sân chung cư trên địa bàn. Kết qủa xác minh cho thấy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là Vũ Đức Đạt (sinh năm 2006, trú tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cầm đầu vụ trộm cắp 11 chiếc xe máy khi chỉ là một thiếu niên mới 16 tuổi, Vũ Đức Đạt còn lôi kéo thêm 4 đối tượng khác đều trạc tuổi mình phạm tội…

Về chế tài xử lý đối với trẻ vị thành niện phạm tội, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Bộ luật dân sự 2015, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên.

Còn theo BLHS 2015 cũng có điều luật áp dụng đối với người chưa thành niên nhằm mục đích phân loại xác định các tội do những người thành niên gây ra thiệt hại, các hình phạt xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật, các biện pháp giáo dưỡng hoặc các biện pháp khác tùy theo tính chất, mức độ, thiệt hại gây ra mức độ nguy hiểm cho xã hội phù hợp tâm lý, đặc điểm tại thời điểm người chưa thành niên thực hiện các hành vi phạm tội.

Người chưa thành niên sẽ được miễn trách nhiệm hình sự và sẽ được thay thế áp dụng các biện pháp khác theo quy định khi phạm thuộc dưới từ đủ mười sáu tuổi đến dưới 18 tuổi trừ các tội quy định như tội cố ý gây thương tích, các tội về buôn bán trái phép chất ma túy… khi người chưa thành niên tự nguyện khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng khi phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng theo quy định của pháp luật hình sự.

Dù người chưa thành niên từ đủ 14-16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các tội giết người, tội hiếp dâm, tội mua bán người…Song, thông thường, chỉ áp dụng hình phạt với người chưa thành niên khi các biện pháp giáo dục, phòng ngừa không hiệu quả và chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết.

“Trong quá trình xét xử nếu không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì không áp dụng với người chưa thành niên phạm tội. Những đối tượng này khi phạm tội cũng không bị xử phạt tù chung thân hoặc tử hình. Với hình phạt tù có thời hạn, người chưa thành niên cũng được áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn so với người đã thành niên”– Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Cần nới rộng việc đưa thiếu niên hư vào trường giáo dưỡng

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, từ phân tích trên có thể thấy, việc xử lý những đứa trẻ phạm tội thực hiện theo chính sách khoan hồng của Nhà nước. Trong một số vụ án, trẻ chưa đủ 16 tuổi còn không bị xử phạt hành chính bằng tiền mà chỉ cảnh cáo hoặc trẻ trong độ tuổi từ 16-18 mức xử phạt hành chính chỉ bằng 1/2 mức thông thường.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra nhưng không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm.

Người phạm tội dưới 18 tuổi cũng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, côn đồ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong cơ cấu tội phạm, nhóm người trẻ tuổi trở thành tội phạm ngày càng nhiều, trong đó không chỉ có những tội phạm về trật tự xã hội mà còn có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên mạng Internet, tội phạm công nghệ cao...

“Không khởi tố, không tạm giam, những thiếu niên này thực tế khi đưa về gia đình quản lý theo quy định rất có thể lại tái phạm. Do đó, để những đứa trẻ sớm thay đổi cần nới rộng quy định về việc đưa thanh thiếu niên hư đi học tập, cải tạo tại các trường giáo dưỡng. Bên cạnh đó, để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, điều quan trọng nhất là cần đẩy mạnh giáo dục từ gia đình” - Luật sư Hồng Vân đề xuất.